Học sinh vùng bão, lũ miền Trung không còn sách vở học hành

02/11/2020 - 07:07

PNO - Nước lũ ở các tỉnh miền Trung rút, để lại lớp bùn non đặc quánh trên khắp sân trường, lớp học. Nhiều đồ dùng học tập, thiết bị dạy học bị nước cuốn trôi hoặc vùi xuống bùn đất.

Trường lớp còn ngổn ngang 

Sau hơn mười ngày chịu tác động của mưa lũ, Trường tiểu học Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đầy rác thải, bàn ghế ngập trong bùn đất. Cô Dương Thị Hồng Hải - hiệu trưởng nhà trường - cho biết hai đợt lũ liên tiếp đã gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở vật chất của trường. Hệ thống bơm lọc nước và hàng trăm thiết bị dạy học, sách vở bị cuốn trôi. Trường đang tích cực dọn dẹp bùn đất, sửa chữa các thiết bị chưa bị hỏng hoàn toàn. 

Lũ đã rút nhiều ngày nhưng Trường tiểu học Hàm Ninh, H.Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vẫn còn ngổn ngang - Ảnh: Thuận Hóa
Lũ đã rút nhiều ngày nhưng Trường tiểu học Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vẫn còn ngổn ngang - Ảnh: Thuận Hóa

Cô Hà Thị Tơ - giáo viên của trường - hằng ngày đến trường dọn dẹp dù nhà mình cũng ngập sâu, thiệt hại nặng. Cô Bùi Thị Kim Phượng vừa gạt bùn đất, vừa nói: “Dọn dẹp trường mình xong, chúng tôi sẽ đi giúp các trường khác bị thiệt hại nặng hơn để kịp đón các em đến trường”.

Tại các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa của tỉnh Quảng Bình, nhiều điểm trường ngập sâu từ 3-4m, mọi cơ sở vật chất đều ngâm trong nước bẩn nhiều ngày. Ông Nguyễn Văn Vững - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy - nói: “Lũ lên nhanh quá, không thể xử trí kịp, có trường ngập đến tầng hai. Bao nhiêu bàn ghế, sách vở đều ngâm nước”. Hiện giáo viên nhiều trường ở huyện Lệ Thủy vẫn chưa thể đến trường dọn dẹp. Bùn đất lấp đầy, nhiều trường bị nước lũ cuốn sập tường rào. 

Theo thống kê sơ bộ, huyện Lệ Thủy có 85 trường bị ngập, thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng. Trong đó, có 187 phòng học, 101 phòng chức năng, 32 nhà công vụ bị sập hoặc hư hỏng, 1.432 bộ bàn ghế, 27.000 đầu sách, 95 máy vi tính, 17 máy chiếu, 105 ti vi, 90% sách vở, đồ dùng của học sinh bị nước lũ nhấn chìm hoặc cuốn trôi. 

Cô Nguyễn Thị Hằng Hà - Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy - nói: “Ban đầu, chúng tôi dự kiến cho học sinh học lại từ ngày 28/10 nhưng nay phải cho học sinh nghỉ tiếp vì mọi thứ còn quá ngổn ngang. Điểm trường ở vùng Ngô Bắc bị hư hỏng quá nặng nên chúng tôi sẽ dồn học sinh về trung tâm, tổ chức thành các lớp ghép, học tạm”. 

Vận động học sinh đến lớp 

Hiện mọi thứ ở Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị gần như mất sạch sau khi lũ quét qua. Bàn ghế, thiết bị giảng dạy hư hoàn toàn, bùn còn đọng đầy trong sân trường, phòng học, tuyến đường dẫn đến trường vẫn đang bị chia cắt. 

Ông Nguyễn Đình Nghĩa - hiệu trưởng nhà trường - cho hay hiện học sinh vẫn chưa thể đến trường vì phòng học quá bề bộn. Đến ngày 29/10, huyện Hướng Hóa còn 16 trường chưa tổ chức dạy học lại, do nhiều xã bị sạt lở, chia cắt. Hằng ngày, giáo viên của trường phải đến từng bản làng vận động học sinh trở lại trường khi thời tiết thuận lợi. 

Học sinh của trường này đa phần là con em các dân tộc ít người, nhiều em có người nhà mất trong đợt sạt lở đất vừa rồi. “Chúng tôi lo nhất là các em bỏ học. Giờ có được nguồn tài trợ nào là trường dành hết cho các em. Thương các em nhưng giáo viên lực bất tòng tâm” - thầy Nghĩa bộc bạch.

Giáo viên Trường tiểu học Hàm Ninh phơi số tập, sách còn sót lại sau lũ - Ảnh: Thuận Hóa
Giáo viên Trường tiểu học Hàm Ninh phơi số tập, sách còn sót lại sau lũ - Ảnh: Thuận Hóa

Huyện Hướng Hóa có khoảng 844 phòng học, phòng chức năng, nhà ở tập thể, nhà bán trú cho học sinh bị thiệt hại từ 30-70%, hơn 2.100 phòng học, phòng chức năng, nhà ở tập thể, nhà bán trú bị ngập nước, bám bùn, gần 14.000 bộ sách giáo khoa bị ướt, trôi, gần 40.000 cuốn vở không dùng được, khoảng 6.000 bộ bàn ghế, tủ đựng thiết bị và gần 6.000 thiết bị dạy học hư hỏng.

Ở vùng hạ nguồn sông Bồ (tỉnh Thừa Thiên - Huế), tình cảnh cũng không khả quan hơn. Ông Nguyễn Bá Nhân - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Phong Bình, huyện Phong Điền - cho hay ban giám hiệu đã nêu rõ, nhiệm vụ hàng đầu của giáo viên lúc này là trấn an tâm lý, động viên học sinh không bỏ học. Giáo viên không được yêu cầu học sinh mặc đồng phục hay phải mang đầy đủ sách, vở, dụng cụ học tập.

Lặng nhìn sân trường đầy bùn, cô Nguyễn Thị Tý - Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Phú Hải, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình - thở dài: “Toàn bộ trường ngập sâu hơn 1m, bàn, ghế, sách, vở, thiết bị dạy học đều hư hỏng”. Theo cô Tý, nhà trường đang cào bùn, đất. “Bây giờ, chỉ cần học sinh trở lại trường là chúng tôi đã hạnh phúc, mọi thứ từ từ khắc phục” - cô Tý nói. 

Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế - xác nhận, toàn tỉnh còn khoảng 20% số trường chưa thể đón học sinh vào học. Sở đã chỉ đạo trường nào vệ sinh xong mới đón học sinh trở lại, trường nào chưa dọn xong thì tiếp tục dọn. “Chúng tôi muốn học sinh được học trong môi trường an toàn nhất” - ông Tân nói. 

Học sinh rất cần được hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập

Hầu hết sách, vở của học sinh các tỉnh bị lũ ở miền Trung đều bị nước cuốn trôi, bị ẩm ướt, giấy dính vào nhau, nhòe mặt chữ; thầy cô và học sinh đã cố gắng phơi sấy kỹ để dùng lại nhưng không được bao nhiêu.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có trên 26.000 học sinh bị ướt sách vở, đồ dùng học tập.

Tỉnh Quảng Bình có trên 334 trường với khoảng 3.000 phòng học, phòng chức năng, sách vở bị ngập trong nước, hư hỏng nặng, tổng thiệt hại ước tính khoảng 370 tỷ đồng.

Tỉnh Quảng Trị vẫn còn 14 trường chưa thể đón học sinh vào học.

Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị - nói: “Ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị rất mong nhận được các nơi hỗ trợ sách, vở, đồ dùng học tập cho học sinh”.

Thuận Hóa - An Nhiên

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI