Có nhan sắc là nuôi hy vọng lấy chồng giàu?

27/04/2022 - 05:58

PNO - “Người đẹp toàn lấy chồng đại gia, thiếu gia, cái ví thôi cũng đã ngàn đô, đi nước ngoài như đi chợ… Thời nay, hồng nhan bạc tỷ luôn, chứ bạc phận gì…”. Đó là một trong những đoạn thoại của các cô gái trẻ tôi vô tình nghe được. Dường như ngày càng nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ cái kết “có nhan sắc là có tiền”.

Người đẹp thì số phải giàu? 

Một sáng Chủ nhật, tại quán cà phê Starbucks trên đường Hàn Thuyên - một địa chỉ “check-in” của giới trẻ “có tiền”, chúng tôi không khỏi giật mình khi góp nhặt những câu chuyện của các bạn trẻ ngồi xung quanh. 

Một nhóm cô cậu trẻ măng, say sưa câu chuyện xoay quanh mấy “con nhỏ hot girl, Facebooker” trong trường: “Hôm qua con T. khoe check-in resort ở Nha Trang đẹp mê hồn luôn. Tao mê đôi giày của nó quá, model nhất Việt Nam, chắc tầm trên ba ngàn đô! Còn cái đầm nữa, quyến rũ quá, chắc cũng mấy ngàn!”. 

Cô gái trong nhóm chen ngang câu chuyện để chứng tỏ mình rành chuyện: “Nghe nói nó đang cặp với con trai của đại gia N. Ba cái thứ này đáng giá bao nhiêu đâu, con T. mà giỏi thì phải “đào” được căn hộ đẳng cấp, sở hữu được siêu xe!”.

Ở bàn bên cạnh, hai cô bé tuổi teen cũng đang “đánh đu” với hàng loạt thông tin hot trên mạng và thỉnh thoảng lại reo lên thích thú: “Coi nè, hôm nay trang Z. lên hình bộ sưu tập giỏ xách của “hot gơ” A. Mê quá mày ơi, ước gì tao có tiền sẽ hốt ngay cái túi này. Độc, lạ, xuất sắc, không chê được chỗ nào.

Cô bé ngồi cạnh cũng phụ họa tán dương: “Tao mới “đột nhập” dinh thự của H.T. đúng là “nơi đáng sống nhất hành tinh” với siêu xe, du thuyền, hồ bơi, nội thất dát vàng… Công nhận người đẹp không tránh được số giàu”.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Hồng nhan bạc tỷ, người đẹp thì phải có đại gia... đã thành suy nghĩ của các cô gái trẻ (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Một lần khác, tại một quán ăn nổi tiếng trong trung tâm thương mại Takashimaya, chúng tôi nghe được câu chuyện của mấy “bà tám nhí” xoay quanh chuyện nàng hậu này “hất tay trên” nàng hậu khác; có trận “dằn mặt” đáng nể của “người đến trước”. Rồi chuyện nàng hậu khác nhờ “ảnh hưởng” của thế lực gia đình “hoàng tử” nọ mà đăng quang hoa hậu. Nhưng “hoàng tử” sớm lên “xe bông” với “công chúa” khác theo sự xếp đặt của gia đình cho đúng “môn đăng hộ đối”. Rồi nàng hậu đó cũng “ôm chân” được một gia đình hào môn nên ấm thân và không ngừng lên mạng khoe cuộc sống sang chảnh với những món trang sức đắt tiền, dàn siêu xe bạc tỷ, cuộc sống vương giả ở nhà chồng… 

Các cô chuyển sang đề tài nóng hơn là tìm “lò” luyện sắc vóc, tìm chỗ bơm, vá, sửa, nâng… để tìm cơ hội đổi đời.

 

Đi tìm giá trị thật 

Dưới bàn tay phù phép của giới giải trí, mỗi năm hàng chục cuộc thi sắc vóc được tổ chức để tôn vinh nhan sắc Việt; hàng trăm, hàng ngàn video, clip “ra mắt” gái xinh. Rồi các cô gái đẹp ấy, lần lượt lấy chồng Tây, lấy chồng doanh nhân. Chẳng thấy cô nào lấy chồng công nhân, thầy giáo, chạy xe công nghệ…

Dẫu trên mạng thi thoảng cũng có cô gái đẹp lấy chồng giàu, khi ly hôn thì trắng tay ra khỏi nhà, nhưng chuyện đó thuộc loại hiếm, và rồi chẳng bao lâu, cô ấy lại lấy chồng khác giàu hơn. Những câu chuyện trên mạng thực hư thế nào chưa rõ, nhưng thực tế các cô đẹp đều hy vọng, nuôi mộng lấy chồng nhà giàu.

Các bà mẹ có con gái bước vào tuổi yêu, cũng đầy âu lo trước chủ nghĩa vật chất đang bủa vây các cô gái trẻ. Chị Liên A. (P.Bình An, TP.Thủ Đức) cho rằng: "Hiện nay một số người chuộng ngoại hình, xe sang, biệt phủ dát vàng… nhưng tôi tin rằng những điều này chỉ mang tính chất nhất thời. Những giá trị thật của con người mới bền vững. Ở khu phố tôi, các bà mẹ có con gái 12 - 13 tuổi đã tìm hiểu các lò luyện sắc đẹp, các nơi “tân trang” sắc vóc cho con, còn tôi đưa con gái đến các lớp học đàn, học múa, học ngoại ngữ, học vẽ. Khi cháu lớn chút nữa, tôi đưa cháu đi học nấu ăn, làm bánh, đan lát, thêu thùa, may vá… Tôi tin rằng gia đình nhỏ của cháu sau này sẽ hạnh phúc khi cháu có thể tự tay đan áo ấm cho người thân, may những bộ quần áo xinh xắn cho con. Bạn bè cháu cũng từng bất ngờ khi cháu tặng những bức vẽ tự tay cháu ngồi nắn nót suốt cả tuần". 

Ảnh mang tính minh họa
Muốn các cô gái không bị hiểu sai lệch về giá trị vật chất và tinh thần, không còn cách nào khác, gia đình, nhà trường và xã hội phải dạy dỗ, định hình từ nhỏ (Ảnh mang tính minh họa)

"Những món quà tinh thần ý nghĩa này sẽ chạm vào tim những người biết trân quý nó. Đó mới là hạnh phúc đích thực bền lâu mà không đồng tiền nào có thể đánh đổi. Con gái tôi cũng khá xinh, nhưng có một cái bớt khá to trên mặt. Từ nhỏ tôi đã dạy con: đó là điểm độc đáo trên gương mặt con, để phân biệt với các bạn khác. Khi con xuất hiện trên sân khấu của trường, tôi thường quay lại những cảnh ấy và mở lại cho con xem để con thấy mình khi đàn hay, múa đẹp, chẳng ai còn nhớ đến vết bớt trên gương mặt con", chị Liên nói.

Bà Lam T. (P.15, Q.Bình Thạnh), một doanh nhân ngành thủy hải sản, có hai con gái vào tuổi cập kê. Bà cho biết: Thời buổi đời sống vật chất lên ngôi, nên các con tôi cũng không thoát khỏi vòng xoáy đó. Thấy các con hay khoe bạn này bạn nọ là “vua đồ hiệu” tôi phải giải thích cho con rằng: “Đồng tiền kiếm được từ mồ hôi nước mắt của người lao động lương thiện thường được trân trọng, giữ gìn; không thể phung phí. Sau này các con lấy chồng, là chọn một người đồng điệu tâm hồn, hợp nhau trong cách sống, chứ không phải lấy một người có của nhiều hơn mình để cùng nhau hưởng thụ. Những cô gái đẹp lấy chồng giàu có hạnh phúc vì họ yêu nhau thật lòng.

Tuy nhiên, cái đẹp vốn không bền, sẽ có người khác đẹp hơn, nên vợ chồng bền chặt còn do lối sống đẹp của cả hai. Tôi luôn dạy con kỹ năng kinh doanh để tiếp tục quản lý tài sản gia đình, sống bằng tiền mồ hôi nước mắt của mình bao giờ cũng yên tâm hơn”. 

Xuân Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI