Có nên để cháu nội của tôi sống với mẹ kế?

28/12/2021 - 19:00

PNO - Dù cháu sống với ai, chị vẫn hoàn toàn có thể trở thành một người cho cháu cảm giác được yêu thương vô điều kiện.

Chào chị Hạnh Dung,

Con dâu đầu của tôi mất sớm, để lại một đứa con gái nhỏ. Nay con trai tôi tái hôn và sống riêng. Con dâu mới khá hòa đồng và đề nghị được chăm con riêng của chồng.

Hôm qua, cả nhà tôi sum họp để tổ chức sinh nhật lần thứ bảy cho cháu. Tôi đã chứng kiến cảnh mẹ kế và con chồng thân thiết, vui vẻ.

Cháu tôi từ lúc mất mẹ thì tính cách dè dặt và ít nói. Tôi nhìn thấy rõ sự e ngại ban đầu của cháu trong những ngày ba dắt vợ kế về ra mắt.

Nhưng khi vợ kế của ba vui vẻ, cháu mừng ra mặt, luôn đáp lại bằng sự lễ phép, hưởng ứng. 

Người khác nhìn vào cảnh này sẽ thấy vui, nhưng tôi lại xót xa. Vì sống gần cháu lâu ngày, nên tôi hiểu sự mặc cảm và tư thế luôn đặt mình ra sau mọi người, và luôn lùi lại để quan sát mọi người trước khi hành động. Cháu nghĩ việc mẹ kế vui vẻ với mình là một đặc ân, nên rất thương quý cô ấy. 

Bây giờ cả nhà đều muốn cháu sống với ba, chính cháu cũng vậy. Nhưng tôi lo rằng cháu đặt quá nhiều kỳ vọng rồi rất dễ tổn thương khi cuộc sống chung gặp xung đột.

Cặp vợ chồng mới cưới sẽ có những mối quan tâm riêng, và sẽ tạo ra khoảng cách với đứa bé. Tôi không muốn cháu mình gặp thêm một lần tan vỡ nào với người thân nữa.

Tôi có nên giữ cháu sống với mình, rồi thỉnh thoảng gặp ba mẹ để giữ tình cảm này không? Những lo ngại này có quá lẩm cẩm không thưa chị? 

Phương Hoa (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Phương Hoa mến,

Hạnh Dung xin được chia sẻ với nỗi lòng của chị. 

Về nơi ở, Hạnh Dung nghĩ nên dựa vào điều kiện sống của mỗi nơi, và cả ý muốn của cháu. Nếu nhà con trai chị thuận lợi cho cháu ăn học, con dâu cũng sẵn lòng nuôi cháu, mà cháu lại muốn sống cùng ba mẹ, thì chị có thể yên tâm rồi.

Về tâm lý mặc cảm mà chị lo ngại, Hạnh Dung hiểu chị đang nói về một tình yêu vô điều kiện. Có lẽ, biến cố mất mẹ đã mang đi của cháu một cảm giác về tình yêu vô điều kiện, khiến cháu mất tự tin, và suy nghĩ tiêu cực rằng bản thân không xứng đáng được yêu...

Hạnh Dung nghĩ, để tránh kịch bản này, chỉ có thể chuẩn bị cho cháu một niềm tin và nhận thức tốt nhất để có thể mở lòng với mọi người.

Dù cháu sống với ai, chị vẫn hoàn toàn có thể trở thành một người cho cháu cảm giác được yêu thương vô điều kiện.

Không phán xét lỗi lầm, không đòi cháu phải thay đổi, mà chỉ hiện diện, lắng nghe, và khích lệ những phần tốt đẹp bên trong cháu, chỉ cho cháu thấy những con đường tốt có thể chọn để đi. Một thái độ nhất quán như thế sẽ tạo ra sự gắn bó, là hành trang quý giá khiến cháu đủ mạnh mẽ để ung dung bước về phía trước.

Chị có thể kiểm tra lại ý muốn của vợ chồng con trai bằng cách trò chuyện cởi mở, bày tỏ rằng chị sẵn lòng nuôi cháu nếu họ có bất kỳ bất tiện nào. Nếu họ vẫn muốn được sống cùng cháu, chị hãy trao đổi thêm về tính cách, tâm lý của cháu. Với cháu, chị hãy nói về những trục trặc giao tiếp có thể xảy ra khi sống với ba mẹ bận bịu. 

Và hãy cho họ biết rằng chị vẫn luôn ở đó, sẵn lòng hỗ trợ cả ba nếu có thắc mắc hay khó xử nào đó trong giao tiếp hằng ngày. Như vậy, Hạnh Dung nghĩ mọi chuyện sẽ ổn thôi. 

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn   

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(10)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI