Cô giáo bị kỉ luật và giấc mơ hão

27/09/2016 - 19:00

PNO - Nghề giáo cũng như bao nghề khác, nhiều người vẫn sống bằng đồng lương, vẫn làm việc tử tế đó thôi. Nhưng, kỷ luật rồi… sao nữa? Dạy thêm tồn tại là có cái lý, khi bản thân chương trình giáo dục đầy nghịch lý.

Một cô giáo dạy tiếng Anh ở Trường tiểu học Bành Văn Trân (Q.Tân Bình, TP.HCM) vừa bị kỷ luật khiển trách và không xét thi đua trong năm học này, vì vi phạm quy định dạy thêm (DT). Đây là trường hợp đầu tiên bị kỷ luật sau lệnh cấm DT tại TP.HCM.

Phải chăng cô “điếc không sợ súng” nên bị kỷ luật? Án kỷ luật này phải chăng là phát pháo đầu tiên chứng tỏ cơ quan quản lý giáo dục TP.HCM “nói thì làm”? Ai cũng đã chán tận cổ chuyện dạy thêm - học thêm (DT-HT), lợi ít, hại nhiều, làm khổ học sinh (HS), đánh mất hình ảnh tốt đẹp của nghề giáo trong mắt dư luận xã hội…

Với việc làm trên, người ta hy vọng kỷ cương sẽ được lập lại, dần dà sẽ thành một điều bắt buộc mà ai làm nghề giáo cũng phải thông tỏ, đừng vì nọ kia mà làm tổn hại danh dự, uy tín của bản thân.

Co giao bi ki luat va giac mo hao
Ảnh minh họa. Internet

Tuy nhiên, sau khi thông tin này được công bố, người tán thành khá nhiều, mà số lắc đầu ngao ngán cũng không ít. Những người thở ra thì chua chát, cô giáo này năm nay bị sao xấu chiếu mệnh!

Tràn lan ra đó, có ai thống kê nổi bao nhiêu điểm DT tương tự như cô, rộn ràng sáng tối, phụ huynh đưa đón HS chật đường mà nào có ai sờ đến? Cứ thử hỏi giám đốc sở GD-ĐT xem có bao nhiêu điểm DT sai quy định, xem ông giám đốc trả lời được không?

Có người phân tích kỹ hơn: tin đưa ra từ ban giám hiệu trường đó, do phụ huynh phản ánh, nên cô giáo mới bị phát hiện. Cô giáo này bị “ném đá”, ai đó đã ganh ghét nên đi báo, mà đã báo thì phòng giáo dục phải ra tay, chứ các thầy cô làm công việc quản lý chẳng vui gì mà đi “bắt” giáo viên mình. Có kẻ phỏng đoán: coi chừng cấp trên của cô sẽ bị kiện, bởi một ngày đẹp trời, cô sẽ hỏi, địa chỉ DT khắp nơi, sao các ông không dẹp?

Con số giáo viên bị kỷ luật vì chuyện DT có thể sẽ không dừng lại. Nhưng, chẳng ai mong con số đó ngày một tăng, bởi nếu như thế thì còn gì buồn hơn? Nhưng nếu có nhiều hơn, thì cũng phải chấp nhận vì khi kỷ cương được thiết lập, nhà giáo không thể đứng ngoài lề. Đừng vin vào chuyện lương không đủ sống nên phải DT. Nói vậy thì xin hỏi, giáo viên các môn sử, địa không DT, họ sống bằng gì?

Nghề giáo cũng như bao nghề khác, nhiều người vẫn sống bằng đồng lương, vẫn làm việc tử tế đó thôi. Nhưng, kỷ luật rồi… sao nữa? DT tồn tại là có cái lý, khi bản thân chương trình giáo dục đầy nghịch lý, nhiêu khê đến hỗn mang, nên mới phát sinh nạn DT-HT.

Hàng chục năm qua, giáo dục cải cách toàn thụt lùi (mới đây lại rối thêm thông tin lớp 3 phải học tiếng Nga, tiếng Trung…). Kỷ luật cô giáo là một quyết định hành chính, nhưng cô giáo cũng chỉ là nạn nhân của nền hành chính ấy, bởi chưa nói chuyện đạo đức, việc soạn sách giáo khoa làm sao để giáo viên dạy bấy nhiêu là đủ, HS học chừng đó là vừa, thì còn ai DT-HT nữa.

Lỗi này là của ngành giáo dục, bao nhiêu năm không định hình được một khung sách giáo khoa với chương trình ổn định, khoa học, tiên tiến, mà cứ suốt ngày thò thụt đổi với thay, toàn cải tiến kiểu cải… lùi, rồi quy định này nọ loạn lên, giáo viên chạy theo đã hụt hơi, nói gì đến HS.

Và như vậy, dù kỷ luật một cô giáo hay cả trăm cô giáo cũng không giải quyết được cái gốc của vấn đề; không phải là phương án để “điền vào chỗ trống trên”. Kỷ luật có làm bản thân người bị kỷ luật tâm phục khẩu phục không và có làm việc dạy và học tốt hơn không?

Biết đâu hôm nay, đêm nay, sẽ có thêm thầy cô nào đó sẽ bị bắt quả tang và kỷ luật. Rồi sẽ xuất hiện nạn “dạy chui”, như là một sự mỉa mai cay đắng với nghề giáo và giáo viên. Quản không được thì cấm, mong sao câu nhận xét phổ biến này không đúng với trường hợp DT-HT.

Dư luận xã hội chưa từng dứt khao khát: đến bao giờ mới hết nạn DT-HT? TP.HCM đang trên lộ trình đưa ra phương án thi tốt nghiệp THPT riêng, sách giáo khoa riêng, và biết đâu, nếu các vị quản lý giáo dục, bằng việc kỷ luật “thí điểm” sẽ tiến tới thiết lập chương trình riêng, thi cử riêng, nhẹ nhàng, thuận lợi cho cả thầy lẫn trò, thì vụ việc cô giáo này sẽ được nhắc tới như một dấu ấn buồn, giúp mở ra một chương mới trong việc dạy và học. Liệu có mơ hão không?

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI