'Cò' đại náo đất quê Đà thành

07/03/2019 - 06:00

PNO - Chưa bao giờ tình trạng sốt đất lại nóng ran khắp phố thị đến vùng ven TP.Đà Nẵng như bây giờ. Ở nông thôn, “cò” tấp nập dẫn người đi mua ao, mua vườn với giá trên trời.

Náo loạn thôn quê

Nam Sơn là thôn nhỏ nhất của xã Hòa Tiến, H.Hòa Vang, có diện tích tự nhiên hơn 50ha với 220 hộ dân; người dân chủ yếu trồng lúa, hoa màu. Đất ở đây rộng nhưng cằn cỗi, trồng cây gì cũng khó lên. Trước đây, có bán đất cũng chẳng mấy ai mua, giá chỉ khoảng 200 triệu đồng/lô 100m2.

Bỗng dưng, gần một tháng nay, giá đất ở đây sốt xình xịch, “cò” đất về tấp nập. Những ngày này, đi quanh thôn Nam Sơn, Lệ Sơn cũng như các thôn lân cận, đâu đâu cũng thấy từng tốp kẻ mua, người bán. Những miếng đất năm trước chỉ vài trăm triệu đồng, nay giá lên gần 1 tỷ. Đặc biệt, khu vực này lại nằm gần tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nên người mua dễ dàng đánh ô tô về.

'Co' dai nao dat que Da thanh

“Cò” và giới đầu tư về lùng sục mua đất ở vùng nông thôn H.Hòa Vang

Trong một quán cà phê nằm cạnh đường bê tông rộng chưa đầy 2m tại thôn Nam Sơn, một nhóm người đang giao dịch đất. Sau vài phút chốt giá, anh N.T.T. - ở Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng - được một “cò” tên Tr. viết giấy đặt cọc tiền của lô đất rộng 123m2 nằm gần đó.

“Giá đưa về 845 triệu đồng. Anh chốt thì đưa 150 triệu tiền đặt cọc cho em, phần san lấp ao họ lo ngay trong ngày” - Tr. nói. Sau khi đưa đủ tiền đặt cọc, anh T. được giao một giấy “biên nhận” có giá trị 10 ngày; hết hạn, phải trả đủ tiền đất, nếu không sẽ mất tiền cọc. Tuy nhiên, sau khi đặt cọc, anh T. gửi miếng đất đó cho “cò”, nhờ bán sang tay cho người khác, kiếm chênh lệch.

Tương tự T., phần lớn khách đến mua đất ở xã Hòa Tiến những ngày này là dân đầu tư, đặt cọc rồi sang tay, đẩy giá, tạo nên một cơn sốt, cuốn giá đất lên cao. Có chủ đầu tư cao tay hơn, mua nguyên đất vườn rộng từ 1.000m2 trở lên với giá khoảng 2-3 tỷ đồng, sau đó xẻ ra hơn chục lô, bán lại.

Dọc tuyến đường bê tông dẫn sâu vào thôn Nam Sơn, nhiều thửa đất rộng cả ngàn mét vuông dù chưa được tách thửa, nhưng các “cò” đều cho biết đã có người đến mua với giá cao hơn gấp 5-7 lần so với năm ngoái. Năm ngoái, thửa đất khoảng 100m2 có giá khoảng 100-200 triệu đồng, nay đã tăng vọt lên 700 triệu - 1 tỷ đồng. Bà P.T.T. - ở thôn Nam Sơn - kể: “Trước tết, thấy giá đất cao, gia đình tôi bán giá 700 triệu đồng/lô 200m2. Đến cuối tháng vừa rồi, giá đất đã tăng gấp đôi, lên hơn 1,5 tỷ đồng. Hiện giờ giá đã tăng lên 1,65 tỷ đồng. Nghĩ mà tiếc quá, bán muộn hơn thì có lời rồi”.

Nhiều nơi, người dân còn lấp ao và vườn, chuẩn bị sẵn mặt bằng để bán khi có người hỏi mua.

Lo đất nông nghiệp không còn

Theo ghi nhận của chúng tôi, để đẩy được giá đất lên cao như vậy, các “cò” đất đang tích cực tung tin rằng, khu vực xã Hòa Tiến sẽ có nhiều dự án như xây trường đua ngựa của thành phố, các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng. Tại H.Hòa Vang, cơn sốt đất đang lan từ xã Hòa Tiến sang các xã Hòa Khương, Hòa Phong và nhiều xã lân cận thuộc thị xã Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam.

'Co' dai nao dat que Da thanh

Giới đầu tư mua đất vườn của người dân rồi phân lô bán, kiếm lời

Tình trạng sốt đất khiến nhiều người dân không còn yên tâm làm ăn mà chỉ chăm chăm vào việc bán đất, đi làm “cò” đất. Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND H.Hòa Vang vừa ra công văn khẩn chỉ đạo UBND 11 xã trong huyện phải nhanh chóng tuyên truyền, thông tin cho người dân, đề nghị phải thận trọng trong việc mua bán đất, không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất nông nghiệp và đất ở, vì sau này sẽ không còn đất để sản xuất, để làm nhà cho con cháu ở, ảnh hưởng đến tình hình an sinh xã hội.

UBND H.Hòa Vang cũng chỉ đạo đài thông tin huyện thông báo rộng rãi để người dân nắm rõ tình hình sốt đất ảo, tránh tình trạng sập bẫy của nhóm “cò” đất, thiệt hại kinh tế gia đình.

“Việc mua bán đất là theo quy định của pháp luật. Chúng tôi chỉ cảnh báo và khuyên người dân phải tỉnh táo, tính toán kỹ càng trong việc mua bán để tránh thiệt hại” - ông Lê Đức Toại, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường H.Hòa Vang, nói.

Được biết, trước đây, UBND TP.Đà Nẵng có chủ trương xây dựng trường đua ngựa, nhưng vị trí của trường đua là ở Q.Liên Chiểu chứ không phải ở xã Hòa Tiến và các xã lân cận của H.Hòa Vang như “cò” đất đang tung tin. H.Hòa Vang chỉ mới được UBND TP.Đà Nẵng định hướng quy hoạch chứ chưa có dự án gì cụ thể.

Bất chấp luật pháp

Hai năm trở lại đây, giá đất tại TP.Đà Nẵng tăng chóng mặt. Thấy kiếm tiền dễ dàng, nhiều người lao vào đầu tư đất. Công chức quận, phường cũng đầu tư đất; sinh viên ra trường không có việc làm cũng đi làm “cò” đất…

Nhiều kẻ bất chấp luật pháp, làm giả cả văn bản của chủ tịch UBND thành phố, tung thông tin giả để đẩy giá đất lên cao, kiếm lời. Đơn cử như vụ làm giả văn bản “phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng đối với công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua khu đô thị sinh thái Hòa Xuân”, xảy ra cuối năm 2018.

Tại nhiều địa phương, các sàn bất động sản đã móc nối với những nhà đầu tư “lướt sóng” từ các địa phương như TP.Hà Nội, TP.HCM tràn về xã Hòa Liên (H.Hòa Vang) thổi giá. Sau đợt sóng ảo, những nhà đầu tư này rút lui, còn những người mua sau cùng phải gánh nợ.

Đầu tháng 1/2019, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Đà Nẵng đã vào cuộc điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán đất nền của dự án mang tên “Khu dân cư Nam Cẩm Lệ” và 121 lô đất mặt tiền đường Đô Đốc Lân (P.Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ) do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Quảng Đà (địa chỉ 155 Ngũ Hành Sơn, P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) thực hiện.

Theo công an, khu đất trên vẫn do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Đà Nẵng quản lý, không giao cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào để đầu tư làm dự án bán đất nền nhưng Công ty Quảng Đà vẫn ngang nhiên vẽ ra dự án và nhận tiền đặt cọc của người mua.

Hoàng Thanh Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI