Có cây cầu gãy nằm đếm nhịp thời gian

28/05/2022 - 06:52

PNO - Hoàn cảnh lịch sử đã biến cầu gãy Sông Bé thành một cảnh quan độc đáo hiếm có, dần thành điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ ưa xê dịch.

Ở Bình Dương, có một di tích lịch sử khá độc đáo. Từng là nơi lưu dấu một thời binh biến qua chốn này, ngày nay, khi chiến tranh đã lùi rất xa, nơi đây lại trở thành điểm đến thú vị của nhiều bạn trẻ. Đó là cầu Sông Bé cũ, thường được gọi là cầu gãy Sông Bé.

Cầu gãy Sông Bé có tuổi đời gần tròn một thế kỷ
Cầu gãy Sông Bé có tuổi đời gần tròn một thế kỷ

Lần đầu tôi nhìn thấy cây cầu này là khoảng năm 1994-1995, khi đến thăm nhà một người bạn ở Phú Giáo, Bình Dương. Ấn tượng về cây cầu ấy vẫn còn mãi, đến mức bao năm qua, hễ có dịp đi cung đường này, nhất định tôi phải canh thời gian để được ngắm nhìn nó.

Mỗi khi đi ngang đoạn qua huyện Phú Giáo, Bình Dương theo đường ĐT741, đến gần cầu Phước Hòa, tôi thường chạy chậm lại. Từ cầu Phước Hòa, dễ dàng nhìn thấy cây cầu cũ nằm song song cách đó không xa. 
Cây cầu này từng có tên là cầu Sông Bé, nối liền hai xã Phước Hòa và Vĩnh Hòa (Phú Giáo, Bình Dương, tức tỉnh Sông Bé cũ). Nó quá ấn tượng, như một minh họa cụ thể nhất của một phần quá khứ còn được lưu giữ bằng hình ảnh.

Bạn thử nghĩ xem, cả miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và có lẽ thậm chí cả miền Nam, đâu dễ tìm ra cây cầu gãy thứ hai vẫn còn hình hài, trơ gan cùng tuế nguyệt sau bao dâu bể như thế. Cầu Sông Bé cũ nổi bật giữa màu xanh cây cối, với phần nhịp giữa bị sập. Cây cầu vươn hai nhịp gãy ra giữa dòng sông sâu. Phủ hai bên đầu cầu là rừng cao su xanh mát. Hai trụ cầu cao đỡ hai bên cây cầu đứng chơ vơ trên con sông hẹp có bờ rất dốc, gợi cảm giác gần mà thật xa, gần mà chẳng thể chạm nối được nhau, mãi mãi.

Từ một chứng tích lịch sử

Theo các tài liệu ghi nhận, cầu Sông Bé được Pháp xây dựng vào những năm 1925-1926, khi thành lập Sở Cao su Phước Hòa. Việc xây cầu nhằm phục vụ việc khai thác thuộc địa, cũng như mở rộng những đồn điền cao su tại Phú Giáo, Phước Long… Cầu có bề ngang chừng hơn 4,5m, dài khoảng 100m, gồm ba nhịp dầm thép, bê tông. Chỗ cao nhất hai bên thành cầu là 6m, thấp nhất 3,5m, chân cầu cao 30m. Xem ra về kích thước, cầu Sông Bé khá khiêm tốn so với những cây cầu sau này.

Cầu gãy Sông Bé lặng lẽ giữa màu xanh cây lá
Cầu gãy Sông Bé lặng lẽ giữa màu xanh cây lá

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, đây từng là cây cầu huyết mạch trên con đường lên Tây Nguyên từ Sông Bé và ngược lại. Trong thời kỳ kháng Pháp, phong trào đấu tranh của công nhân cao su nơi đây nổ ra vô cùng mạnh mẽ, bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Nhiều cuộc biểu tình bị đàn áp trong biển máu.

Cầu Sông Bé có lúc thành đoạn đầu đài, những nhịp bê tông hóa cọc xử bắn. Ngày 23/9/1945, nhân dân Nam bộ bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng đất này với cây cầu Sông Bé trở thành vùng đệm giữa chiến khu Đ và phần đất Đông Nam bộ còn lại mà giặc Pháp mới tái chiếm. Cầu Sông Bé trở thành cửa ngõ chiến khu Đ. 

Trong thời chính quyền Sài Gòn cũ, cầu Sông Bé nối liền hai tỉnh Bình Dương và Phước Thành, tiếp tục là tuyến giao thông huyết mạch đi Phước Thành và các tỉnh Tây Nguyên. Thời điểm cầu sập, có nhiều luồng thông tin khác nhau. Có tài liệu nói nó bị đánh sập đúng thời điểm 30/4/1975, có tài liệu nói cầu sập cùng năm nhưng khác thời gian, có tài liệu lại nói nó sập từ năm 1969... Theo thông tin chính thức, một ngày trước khi huyện Phú Giáo hoàn toàn được giải phóng, quân đội Sài Gòn đã đánh sập cầu khi tháo chạy vào ngày 29/4/1975. 

Cây cầu gãy bỗng dưng “ăn khách”

Hoàn cảnh lịch sử đã biến cầu gãy Sông Bé thành một cảnh quan độc đáo hiếm có chứ không chỉ là di tích lịch sử cấp tỉnh của Bình Dương.
Ở nước ta, những cây cầu cũ thời Pháp bị gãy, đổ nát hay bỏ hoang rồi phải dỡ bỏ vì quá yếu… thì nhiều nhưng gãy ngang mà vẫn còn vóc dáng hình hài trên dòng sông thì chỉ thấy ở cầu Sông Bé cũ.

Nhờ khoảng cách địa lý đủ xa đối với những đôi chân thị thành nên cây cầu gãy không bị “uy hiếp” bởi người và người
Nhờ khoảng cách địa lý đủ xa đối với những đôi chân thị thành nên cây cầu gãy không bị “uy hiếp” bởi người và người

Giới điện ảnh, âm nhạc không bỏ qua nó.  Nhiều đoàn phim không quên tận dụng nơi đây làm bối cảnh phim vì khung cảnh có sẵn quá ấn tượng, nhất là phim Tèo em với cảnh diễn viên Thái Hòa phi xe qua cầu. Rồi MV ca nhạc của nhiều ca sĩ nổi tiếng cũng chọn nơi này để ghi hình, góp phần “quảng bá” thêm cho sự độc đáo của cây cầu do hoàn cảnh lịch sử mà thành.

Được giới nghệ thuật ưu ái đưa vào nhiều sản phẩm nghệ thuật nhưng bao năm qua, cây cầu vẫn lặng lẽ trơ nhịp gãy như đứng bên lề cuộc sống, tưởng chừng chìm vào dĩ vãng. Nó nằm ngoài các tour du lịch chính thống và thỉnh thoảng mới xuất hiện trong các chuyến du lịch bụi của dân phượt. Cũng may, nhờ khoảng cách địa lý đủ xa đối với những đôi chân thị thành nên cây cầu gãy không bị “tấn công” bởi người và người.

Vài năm gần đây, khi xu hướng du lịch khám phá những địa điểm độc đáo mới mẻ bắt đầu nở rộ, cầu gãy Sông Bé dần thành điểm đến được ưa thích của nhiều bạn trẻ ưa xê dịch. Không ít người đã chịu khó lặn lội từ Sài Gòn, Biên Hòa, Bình Dương… đến đây để chụp cho bằng được những kiểu ảnh với mố cầu, mặt cầu hay thành cầu.

Nhiều năm rồi, với tôi, nơi đây vẫn lưu giữ một cách tự nhiên khung cảnh gây nhiều cảm xúc. Bên cạnh cây cầu mới lúc nào cũng tấp nập xe cộ ngược xuôi, cầu gãy Sông Bé vẫn đứng đó, với một khoảng cách vừa đủ để nó giữ quá khứ ngủ yên giữa muôn vàn màu xanh cây lá. Cả thân cầu nhuốm màu thời gian như một minh chứng cho những giai đoạn lịch sử khó quên đã đi qua, in dấu nơi này.  

Chỉ tiếc là gần đây, cầu vừa được “trang bị” thêm lan can, đóng thêm hai khung sắt hai bên nhịp cầu. Điều này phần nào đã làm giảm đi ấn tượng độc đáo của nó.

Vài lưu ý nhỏ khi đến thăm cầu gãy Sông Bé

Cầu gãy Sông Bé cách TPHCM khoảng 65km. Từ trung tâm TP.Thủ Dầu Một, bạn đi theo đường ĐT741 khoảng hơn 35km hướng về Bình Phước và Tây Nguyên, đoạn qua huyện Phú Giáo, trước khi đến cầu Phước Hòa khoảng 100m, bên phải có một ngôi miếu nhỏ thì rẽ vào. Chạy thẳng theo con đường nhỏ rải nhựa giữa rừng cao su khoảng hơn 800m, bạn sẽ thấy cầu gãy Sông Bé. Hai bên cầu là vườn cây cao su, lối vào là đường nhựa vẫn còn chạy xe được. Đây là con đường giao thông huyết mạch xưa, nay trở thành con đường xuyên rừng cao su rợp bóng khá đẹp. 

Bạn có thể biến chuyến tham quan cầu gãy Sông Bé thành một buổi picnic giữa rừng cao su, nghỉ ngơi thư giãn giữa không gian xanh mát. Vì nơi đây không có dịch vụ phục vụ du lịch, khi đi, bạn nhớ chuẩn bị sẵn vật dụng cần thiết, thức ăn, nước uống... (và xin nhớ mang rác trở ra). Nếu không, bạn phải tìm đến cầu Phước Hòa, qua bên bờ Bắc cầu. Có một vài quán nước ở đây.

Đừng quá mạo hiểm khi tham quan, chụp hình, nhất là leo lên thành cầu (vốn rất cao). 

 Bài và ảnh:  Lê Minh Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI