Những cây cầu “đẹp rụng tim” tưởng chỉ xuất hiện trong truyện cổ tích

19/01/2022 - 06:43

PNO - Những cây cầu không chỉ làm nhiệm vụ kết nối giao thương mà còn ẩn chứa nhiều câu chuyện ý nghĩa và giá trị về văn hóa, lịch sử.

Cầu luôn là một phần quan trọng trong đời sống con người. Ngoài việc đóng vai trò là “nhịp cầu nối những bờ vui” thì những cây cầu này còn chứa đựng nhiều câu chuyện thú vị và ý nghĩa về văn hóa, lịch sử và là niềm tự hào của người dân địa phương.

Cầu Alexandre III - cây cầu đẹp nhất “Kinh đô Ánh sáng”

Cầu Alexandre III như một chiếc vương miện vắt ngang qua dòng sông Seine huyền thoại của thủ đô Paris (Pháp).

Nối Cung điện Lớn và Cung điện Nhỏ ở bờ phải sông với Điện Invalides ở bờ trái sông, cây cầu luôn là một địa điểm không thể bỏ qua của mọi du khách khi ghé thăm “Kinh đô Ánh sáng”.

Cầu Alexandre III - Ảnh: Alphacoders
Cầu Alexandre III - Ảnh: Alphacoders

Khởi công xây dựng vào tháng 5/1897 với viên đá đầu tiên do chính Nga hoàng Nicholas Đệ nhị đặt xuống, cây cầu là biểu tượng cho tình hữu nghị Nga - Pháp và được đặt theo tên cha của Nga hoàng là Hoàng đế Alexander III.

Sau 3 năm khẩn trương xây dựng, cây cầu do hai kiến trúc sư Résal và Alby thiết kế đã hoàn thành vào năm 1900.

Cây cầu chỉ cao 6m, rộng 40m với một nhịp duy nhất dài 107,5m, được trang trí bằng nhiều cột đèn và các tác phẩm điêu khắc hình tiểu thiên sứ, nữ thần và những cỗ xe ngựa có cánh... Ở mỗi đầu cầu là những bức tượng mạ vàng to được đặt trên những cột đá granite cao 17m. Mỗi một vật trang trí trên cây cầu được thiết kế bởi một nghệ sĩ khác nhau.

Choáng ngợp với cầu đá Bastei (Đức)

Cách trung tâm thành phố nhộn nhịp Dresden khoảng 1 giờ chạy xe ô tô, du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên mê đắm từ cây cầu đá Bastei.

Cây cầu đặc biệt này có chiều cao 194m, dài 76,5m ban đầu được con người bắt ngang qua sông Elbe bằng các phiến gỗ nhằm kết nối các núi đá lại với nhau vào năm 1842. Đến năm 1851, cây cầu gỗ được thay thế bằng cây cầu mới được làm bằng đá sa thạch và tồn tại cho đến ngày nay.

Khung cảnh thần tiên ở đây đã truyền cảm hứng sáng tác cho nhiều nghệ sĩ, trong số đó có họa sĩ nổi tiếng người Đức Caspar David Friedrich. Ông đã vẽ tác phẩm Những tảng đá trên dãy núi sa thạch Elbe để mô tả lại cảnh đẹp tại khu vực này.

Cầu đá Bastei - Ảnh: Mike Fuchslocher/Shutterstock
Cầu đá Bastei - Ảnh: Mike Fuchslocher/Shutterstock

Cổ kính cầu Khaju (Iran)

Nằm cách thủ đô Tehran 340km về phía Nam là cây cầu cổ Khaju nối liền đôi bờ con sông Zayandeh hiền hòa.

Cầu Khaju được vua Shah Abbas II cho khởi công xây dựng vào năm 1650 trên nền móng của một cây cầu cũ với tổng chiều dài 105m, rộng 14m với 23 nhịp vòm nối liền quận Khaju và quận Zoroastrian.

Cây cầu cũng kiêm nhiệm công năng như một kênh đập nước, điều hòa dòng chảy của con sông. Cũng chính vì vậy nên phần mặt chân cầu được thiết kế nhô lên khỏi mặt nước khiến ta ngỡ đây là câu cầu 2 tầng.

Cây cầu có tuổi đời gần 500 năm này từng được xếp hạng là một trong mười cây cầu đẹp nhất thế giới.

Cầu Khaju - Ảnh: Leaveabode
Cầu Khaju - Ảnh: Leaveabode

Cầu Brooklyn - biểu tượng của thành phố New York (Mỹ)

Cầu Brooklyn là một trong những cây cầu treo lâu đời nhất nước Mỹ, kết nối các quận của Manhattan và Brooklyn bắc qua sông Đông. Sau 14 năm thi công, cây cầu được hoàn thành vào năm 1883 với sự tham gia của hơn 600 công nhân và tiêu tốn 15 triệu USD, một con số khổng lồ thời bấy giờ.

Với trụ nhịp chính dài 486 mét, đây là cây cầu treo dài nhất thế giới cho đến năm 1903 và là cây cầu treo đầu tiên làm bằng thép. Năm 1964, cầu Brooklyn được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia của Mỹ.

Ít ai biết rằng, thời gian đầu khi cây cầu mới bắt đầu được xây dựng, nó đã bị người dân kịch liệt phản đối, thậm chí gửi đơn kiện lên tòa án quận New York vì lo sợ tàu bè sẽ bị hạn chế di chuyển. May mắn là cuối cùng cây cầu cũng được hoàn thành để ngày nay trở thành một địa điểm check-in lý tưởng của du khách.

Cầu Brooklyn - Ảnh: Sean Pavone/Shutterstock
Cầu Brooklyn - Ảnh: Sean Pavone/Shutterstock

Cầu Kintaikyo - cây cầu gỗ thanh lịch nhất Nhật Bản

Cầu Kintaikyo có lịch sử hàng trăm năm, nổi bật nhất của thành phố Iwakuni thuộc  tỉnh Yamaguchi. Cây cầu gỗ thanh lịch tạo nên năm mái vòm đậm nét trên những cột đá đồ sộ bắc qua sông Nishiki.

Cầu được xây dựng lần đầu vào năm 1673 do lãnh chúa phong kiến thứ ba của Iwakuni là Hiroyoshi Kikkawa khởi xướng nhằm mục đích tránh khỏi sự tấn công của kẻ thù tới lãnh địa của mình. Sau nhiều lần bị cuốn trôi do bão lũ, vào năm 1953, thành gỗ của cầu được dựng lại theo nguyện vọng của người dân địa phương. Từ năm 2002 đến 2004, cầu Kintaikyo được cải tạo lại để có được vẻ đẹp như ngày nay.

Cầu Kintaikyo có chiều dài dọc theo thành cầu là 210m với tổng chiều dài 193,3m, rộng 5m và các trụ có chiều cao 6,6m. Cầu được xây dựng bằng một kỹ thuật độc đáo, đạt đến độ tinh xảo của nghề mộc với phương pháp sử dụng dây đai kim loại và đinh.

Cây cầu có 5 nhịp (với 3 nhịp vòm trung tâm) trên những cột đá khổng lồ bắc ngang sông Nishiki là một cấu trúc hiếm thấy trên thế giới. 

Cầu Kintaikyo - Ảnh: Sean Pavone/Shutterstock
Cầu Kintaikyo - Ảnh: Sean Pavone/Shutterstock

Cầu Tháp London - biểu tượng của xứ sở sương mù

Cầu tháp London là một biểu tượng gắn liền với thủ đô của vương quốc Anh. Đây là một trong những cây cầu đẹp nhất thế giới, là địa điểm du lịch nổi tiếng của xứ sở sương mù đầy lãng mạn cho các cặp tình nhân đến để ngỏ lời cầu hôn.

Năm 1876, một ủy ban nghiên cứu đặc biệt được thành lập với nhiệm vụ tìm kiếm giải pháp cho việc nối liền hai bờ sông Thames nhằm giải quyết nhu cầu giao thương cấp bách giữa 2 bên. Hơn 50 thiết kế được đề cử, nhưng mãi đến năm 1884, thiết kế của kiến trúc sư Horace Jones mới được phê chuẩn.

Từ ý tưởng được phác thảo trên giấy, công trình sư John Wolfe Barry đã thiết kế thành một cây cầu dài 244m với hai ngọn tháp cao 65m. Nhịp cầu chính dài 61m nằm giữa hai tòa tháp, được tách ra nhờ hai máy nâng nặng 2.000 tấn, có thể nâng lên tạo thành một góc 83o đủ cho tàu bè qua lại. Nhịp cầu hai bên là hai cầu treo, mỗi bên dài 82m, có dây treo móc vào các trụ đá hai bên và luồn qua những dây treo nối với đường đi bộ bên trên. Đường dành cho người đi bộ hai bên cách mặt sông 44m vào thời điểm triều dâng.

Công trình bắt đầu khởi công vào năm 1886 và hoàn thành sau 8 năm với tổng chi phí xây dựng là 1.184.000 bảng Anh.

Cầu Tháp London - Ảnh: stocker1970/Shutterstock
Cầu Tháp London - Ảnh: stocker1970/Shutterstock

Cây cầu dẫn đến thánh đường nằm trong hẻm núi (Colombia)

Thật ra đây không phải là một cây cầu dân sinh, nhưng lại có một vai trò đặc biệt quan trọng của một cây cầu đi bộ để có thể đến được nhà thờ Las Lajas tọa lạc bên trong hẻm núi nơi dòng sông Guaitara chảy qua.

Nhà thờ Las Lajas nằm ở độ cao 100m tính từ đáy hẻm núi, được kết nối với một cây cầu cao 50m đến phía bên kia khe núi. Địa thế và kiến trúc độc đáo khiến nhà thờ Las Lajas như đang treo lơ lửng trên vực thẳm và đây là lý do nó được coi là nhà thờ quyến rũ nhất ở Colombia.

Phải mất tổng cộng 33 năm (từ 1916 đến 1949) người ta mới hoàn thành việc xây dựng nên nhà thờ như hiện tại với sự tài trợ từ các giáo dân địa phương.

Cây cầu dẫn đến thánh đường Las Lajas - Ảnh: Diego Grandi/Shutterstock
Cây cầu dẫn đến thánh đường Las Lajas - Ảnh: Diego Grandi/Shutterstock

Charles Bridge - cây cầu của những vị thánh (Cộng hòa Séc)

Cầu Charles là cây cầu bằng đá lâu đời nhất tại Praha, được xây từ thời vua Charles, nối liền khu phố cổ Staré Město (Old Town) và khu Malá Strana bên bờ sông Vltava.

Cây cầu do kiến trúc sư Petr Parléř thiết kế, được khởi công xây dựng từ năm 1357 và hoàn thành vào năm 1402 với tên gọi ban đầu là cầu Đá có chiều dài 516,76m, rộng 9,45m và có tổng cộng 16 vòm cầu.

Dọc hai thành cầu là 30 bức tượng thánh có từ thế kỷ XVII, pha trộn giữa hai phong cách nghệ thuật Gothic và Baroque; trong đó, đẹp và nổi tiếng nhất chính là bức tượng thánh "John of Nepomuk".

Theo truyền thuyết, nếu chà tay vào tấm bảng đồng ở chân bức tượng, chúng ta sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc cùng những điều tốt lành nhất.

Cầu Charles - Ảnh: Laidbacktrip
Cầu Charles - Ảnh: Laidbacktrip

“Cây cầu mưa gió” ở Trung Quốc

Cầu Chengyang, còn gọi là “Cầu mưa gió” là một trong những kiểu kiến trúc cầu độc đáo và nổi tiếng của người Đồng - 1 trong số 56 dân tộc thiểu số đang sinh sống tại Trung Quốc. Đặc trưng của cầu mưa gió là được làm hoàn toàn bằng gỗ, có các mái chòi trên cầu làm nơi trú chân của người dân tránh khỏi mưa gió.

Một công trình tiêu biểu cho cây cầu loại này được xây dựng vào năm 1916 tại huyện Tam Giang, tỉnh Quảng Tây.

Cầu Chengyang có 2 nền, 3 trụ lực, 3 nhịp cầu, 5 vọng gác, 19 mái hiên và 3 tầng lầu với tổng chiều dài, chiều rộng và chiều cao tương ứng là 64,4m, 3,4m và 10,6m. Những trụ lực được làm bằng đá, trong khi gỗ đóng vai trò cấu thành phần kiến trúc bên trên cùng với mái được lợp hoàn toàn bằng ngói. Ở hai bên cầu được bố trí các hàng ghế tựa để dành cho người dân nghỉ ngơi mỗi lúc đi qua.

Cây cầu mưa gió - Ảnh: vvoe/Shutterstock
"Cây cầu mưa gió" - Ảnh: vvoe/Shutterstock

Cầu Konitsa ở Hy Lạp

Được xây dựng từ cách đây nhiều thế kỷ (năm 1870), cây cầu Konitsa trông không khác gì một sợi chỉ mỏng manh bắc qua sông Aoos ngập nước vào mùa đông.

Cây cầu chỉ đủ chỗ cho tối đa 2 người bước qua nhau; tuy nhiên, không mấy ai dám mạo hiểm để đi trên chiếc cầu này bởi nó đã quá cũ và có thể đổ sụp xuống bất cứ lúc nào.

Cầu Konitsa - Ảnh: Gabriela Insuratelu/Shutterstock
Cầu Konitsa - Ảnh: Gabriela Insuratelu/Shutterstock

Quần thể kiến trúc cầu cổ Mostar (Bosnia)

Cầu cổ Mostar là cây cầu được xây dựng từ thế kỷ XVI, bắc qua sông Neretva, nối hai phần của thành phố Mostar, Bosnia và Herzegovina.

Cây cầu cũ từng tồn tại được 427 năm (từ năm 1550) cho đến khi bị lực lượng Croat phá hủy vào ngày 9/11/1993 trong cuộc chiến Croat - Bosniak. Sau này, dự án xây dựng lại cầu đã được triển khai với sự bảo trợ của UNESCO và khánh thành vào tháng 7/2004.

Khu cầu cổ của thành phố cổ Mostar đã được đưa vào danh sách di sản thế giới năm 2005.

Cầu Stari Most - Ảnh: cge2010/Shutterstock
Cầu Stari Most - Ảnh: cge2010/Shutterstock

Chùa Cầu - linh hồn phố cổ Hội An (Việt Nam)

Chùa Cầu được xem là biểu tượng và là linh hồn di sản của đô thị cổ Hội An.

Chùa Cầu được các thương nhân Nhật Bản góp tiền xây dựng vào thế kỷ XVII. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết con quái vật mang tên Namazu với phần đầu nằm ở Ấn Độ, thân ở Việt Nam và đuôi nằm tại Nhật Bản. Do vậy, mỗi lần quái vật cựa mình thường xảy ra lũ lụt, động đất.

Năm 1653, ở sườn cầu phía bắc, người ta dựng thêm phần chùa nên cây cầu được gọi là Chùa Cầu. Theo niên đại được ghi lại ở xà nóc và văn bia còn lại ở đầu cầu thì chiếc cầu được dựng lại vào năm 1817.

Chùa Cầu được làm bằng gỗ trên những trụ cầu bằng gạch đá, dài khoảng 18m, có mái che, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn, giáp ranh giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú của Hội An.

Chùa Cầu - Ảnh: Travelgear
Chùa Cầu - Ảnh: Travelgear

Chùa Cầu đã trải qua nhiều đợt trùng tu vào các năm 1817, 1865, 1915, 1986. Ngày 13/1/2022, UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định phê duyệt dự án tu bổ di tích chùa Cầu. Thời gian thực hiện dự án đến năm 2023 với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng.

Nguyễn Thuận (theo Love Exploring)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI