Có âm mưu ngăn các nhà sản xuất nước mắm lập hiệp hội?

13/03/2019 - 14:00

PNO - Những vướng mắc khiến các nhà sản xuất nước mắm trong nước không thể tập hợp thành hiệp hội gây không ít nghi hoặc.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản và hiện là Chủ tịch Hiệp hội Minh bạch thực phẩm, sau bê bối nước mắm asen, các nhà sản xuất nước mắm truyền thống nhận ra cần tập hợp thành hiệp hội.

Các hội nước mắm tại các làng nghề nước mắm nổi tiếng như Nha Trang, Phú Quốc, Phan Thiết… đồng lòng nộp đơn lên Bộ Nội vụ xin thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống (thông qua cơ quan phụ trách là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Co am muu ngan cac nha san xuat nuoc mam lap hiep hoi?
Nhà thùng nước mắm Phú Quốc

Ban vận động có sự tham gia của hầu hết chuyên gia, doanh nghiệp hay những người từng làm quản lý trong lĩnh vực nước mắm. Chẳng hạn như bà Hồ Kim Liên, chủ doanh nghiệp tư nhân nước mắm Khải Hoàn (Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang); tiến sĩ chế biến thủy sản Trần Thị Dung, người được gọi một cách thân tình là “tiến sĩ nước mắm”; bà Nguyễn Thị Hồng Minh; ông Vũ Thế Thành, chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm…

Tháng 5/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định thành lập ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống. Tưởng rằng mọi việc suôn sẻ, nhưng theo bà Minh, ngay khi có quyết định này, bất ngờ có một nhóm khác nộp đơn lên Bộ Y tế xin thành lập Hiệp hội Nước mắm.

Một số thành viên trong ban vận động bày tỏ sự khó hiểu vì cho rằng Bộ Y tế không phải là cơ quan phụ trách. Vậy nhưng hồ sơ của nhóm nộp sau lại được xử lý, gửi đi lấy ý kiến các bộ trước. Còn hồ sơ của hội nước mắm truyền thống gửi trước, nhưng gần một năm không được trả lời. Lại còn được yêu cầu bổ sung đủ thứ giấy tờ hoàn toàn không theo quy định và không hề được gửi lấy ý kiến các bộ theo quy định lập hội.

Theo một thành viên trong ban vận động, sau đó Bộ Nội vụ yêu cầu hai nhóm thảo luận tìm giải pháp gộp lại thành một hiệp hội. Tuy nhiên, giữa hai nhóm lại không thể thống nhất về tên gọi. Một bên yêu cầu tên hiệp hội phải là Hiệp hội Nước mắm truyền thống. Bên kia không chịu và yêu cầu phải bỏ chữ “truyền thống”, hoặc lấy tên là Hiệp hội Nước mắm Việt Nam.

Kết quả là Bộ Nội vụ trả đơn lại, đến nay, sau hai năm vẫn không thể thành lập được Hiệp hội Nước mắm truyền thống.

Bà Minh cho biết, theo công văn của Bộ Tư pháp trả lời ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan duy nhất quản lý sản xuất nước mắm và có thẩm quyền thành lập ban vận động thành lập hội sản xuất nước mắm.

Co am muu ngan cac nha san xuat nuoc mam lap hiep hoi?
Nghề làm nước mắm. Ảnh: internet

Có nghĩa là ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm do bộ kia (Bộ Y tế - PV) thành lập là không hợp pháp nhưng Bộ Nội vụ vẫn trả về cả hai với yêu cầu hợp lại một hội. Dĩ nhiên, bên truyền thống quyết giữ tên truyền thống, bởi đó là chỗ dựa để tạo sự khác biệt trên thị trường.

“Bởi không có “truyền thống” trong cái tên, lấy gì để đảm bảo sẽ không bị thao túng một khi ngồi chung với kẻ lắm tiền”, bà Minh bày tỏ.

Đến nay, các thành viên trong ban vận động hiệp hội cũng không thể biết rồi đây, cơ quan phụ trách lập hội sẽ xử lý ra sao khi “công nghiệp” không chịu vào chung với “truyền thống”. Bà Hồng Minh cho rằng, “truyền thống” may ra sẽ được giữ gìn nếu cơ sở luật pháp rõ ràng như một số nước. Chẳng hạn như Pháp, điều lệ các hội nghề nghiệp bảo đảm các đại gia không thể chèn ép nông dân.

Nước mắm truyền thống theo đánh giá hiện chỉ còn chiếm khoảng hơn 20% thị phần, phần lớn còn lại thuộc về nước mắm công nghiệp.

Nhưng từ năm 2016, có quá nhiều hoạt động gây ảnh hưởng đến ngành nước mắm truyền thống, từ tung tin nước mắm nhiễm asen, đến việc ra dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm với vô số lỗi, cả về câu chữ lẫn chuyên môn… khiến không chỉ những người trong cuộc mà dư luận phải đặt ra những nghi vấn.

Có hay không một thế lực không ra mặt mà ẩn dưới uy tín của các nhà khoa học và quyền lực của nhà quản lý?

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI