Chuyện trên những rẻo non cao

27/05/2021 - 06:39

PNO - Ghé Hà Giang, tôi được cậu trai bản địa Ly Mí Sình đưa đi khám phá mảnh đất Đông Bắc này dưới góc nhìn của một người yêu thích và am hiểu văn hóa địa phương.

Nằm nép giữa vô vàn đỉnh núi đá nhấp nhô và con sông Miện chảy xuyên qua trong sương mù bao phủ, làng nghề dệt lanh Lùng Tám thực sự “hớp hồn” tôi từ những giây phút đầu tiên đến trải nghiệm văn hóa đặc sắc lâu đời của người Mông nơi đây.

Con đường trong sương

Sáng mờ sương bên cổng trời Quản Bạ, chúng tôi tiến về làng dệt thổ cẩm Lùng Tám với niềm háo hức. Sình bảo: “Đàn ông Mông ai ai cũng biết thổi khèn, còn phụ nữ Mông ai ai cũng biết dệt vải lanh từ nhỏ”.

Phóng tầm mắt từ cổng trời Quản Bạ, mảnh đất Lùng Tám - thung lũng nhỏ nằm giữa bốn bề núi đá và có dòng sông Miện (Miệm) chảy qua hiện ra trước mắt tôi. Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám thuộc thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào người Mông với nghề dệt thổ cẩm truyền qua nhiều thế hệ.

Lần thứ ba đến Hà Giang, chúng tôi trải nghiệm hành trình trên một chiếc xe 16 chỗ. Dù đi bằng xe khách hay xe máy, đường đến Lùng Tám cũng không làm khó được các “tay lái lụa” mê những cung đường, yêu trải nghiệm.

Để đến Lùng Tám, bạn nên rời thành phố Hà Giang từ sáng sớm, đi khoảng 50km tới núi đôi và cổng trời Quản Bạ, dừng chân cảm nhận vẻ đẹp mờ sương của miền sơn cước làm nao lòng bao người. Sau đó, xuôi theo con đèo đi qua thị trấn Tam Sơn, trải nghiệm Cua Tay Áo thuộc thôn Cốc Mạ với bảy khúc cua. Từ khúc thứ bảy, bạn rẽ phải men vào con đường nhỏ là đến Lùng Tám.

bà Vàng Thị Mai - “nữ hoàng thổ cẩm Hà Giang” tại làng Lùng Tám
bà Vàng Thị Mai - “nữ hoàng thổ cẩm Hà Giang” tại làng Lùng Tám

Chuyện về lanh trên những rẻo non cao

Từ trồng cây lanh, dệt vải, may áo, thêu dệt thổ cẩm đến vẽ sáp ong nhuộm hoa văn… là cả một sự kì công, tinh tế, khéo léo.

Chúng tôi đã trầm trồ bảo nhau việc “hô biến” sợi lanh mỏng manh thành váy áo sặc sỡ quả là một “công trình nghệ thuật” và những phụ nữ Mông đủ lứa tuổi đang thêu dệt đầy tỉ mẩn trước mắt chúng tôi đều là những nghệ sĩ. Tôi được nghe kể chuyện về lanh trên những rẻo non cao, rằng cây lanh trồng khoảng hai tháng là được cắt thu hoạch, phơi khô, tước lấy cỏ…

Sợi lanh lúc này còn thô, ráp, phải lăn qua trụ đá tròn đến khi mịn, mỏng, nhỏ, sáng bóng mới đạt chuẩn để dệt may, thêu thùa. Có gần 40 công đoạn thủ công để làm ra miếng vải lanh thổ cẩm: từ trồng cây lanh tới phơi, tước vỏ, tước sợi, dập, luộc, nhuộm màu, dệt vải...

Ly Mí Sình kể về nghề dệt vải lanh một cách thành thục bởi từ nhỏ, Sình đã chứng kiến các chị, em gái được bà và mẹ dạy tập tành may vá thêu thùa.

Trang phục thổ cẩm từ vải lanh không chỉ là nét đẹp truyền thống mà còn là của hồi môn mỗi cô gái Mông mang theo khi về nhà chồng. Đặc biệt, vải lanh còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào nơi đây.

Theo quan niệm xưa, sợi lanh được coi là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn người chết đến với tổ tiên, nên  những tấm vải lanh hay các bộ trang phục truyền thống bằng vải lanh thường xuất hiện trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống của người Mông.

"Nữ hoàng thổ cẩm Hà Giang" mang lanh đi Tây

Khi chúng tôi ghé thăm một hợp tác xã sản xuất vải lanh truyền thống, bà Vàng Thị Mai - Chủ tịch Hợp tác xã lanh Lùng Tám - nở nụ cười nồng hậu chào đón những vị khách phương xa. Ly Mí Sình kể, người ở đây và du khách quốc tế đã từng gặp bà Mai đều gọi cô là “nữ hoàng thổ cẩm Hà Giang”.

Cái chất của một “nữ hoàng” làng nghề toát lên trong từng lời ăn, tiếng nói hào sảng mà cũng đầy sự trìu mến, thân thiện, hiếu khách của một người miền núi đón người miền xuôi ghé thăm nhà.

Cầm sợi lanh thô trên tay, bà Mai cho biết nghề dệt lanh của người Mông đã có từ ngàn đời nay, cứ thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, người bản này truyền cho người bản kia, chẳng biết bắt nguồn từ đâu. Để rồi qua ngàn năm theo dòng chảy lịch sử, sợi lanh có một ý nghĩa văn hóa, tâm linh, kinh tế... rất lớn với người Mông xứ này.

Và cho đến năm 2001, Hợp tác xã lanh Lùng Tám chính thức đi vào hoạt động, trở thành một làng nghề thủ công truyền thống không chỉ mang lại thu nhập cho các hộ gia đình ở thôn, bản mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của nhóm người Mông.

Dù là người Mông nào thì trang phục truyền thống của họ đều được những phụ nữ bản địa làm ra từ vải lanh, bằng chính đôi bàn tay khéo léo của mình.

Từng ghé thăm nhiều làng nghề truyền thống ở Myanmar, Lào, Thái Lan… nên khi tận mắt chiêm ngưỡng quá trình cần mẫn lao động, sáng tạo ra từng tấm vải lanh dệt thủ công đầy hoa văn sặc sỡ, tôi thực sự cảm phục và tự hào về nét đẹp văn hóa của đồng bào Mông ở Hà Giang.

Sự kiên trì gìn giữ truyền thống ngàn đời của phụ nữ Mông đối với nghề dệt lanh thủ công đã tạo nên biết bao trang phục rực rỡ, góp thêm sắc màu vào cuộc sống. Ngắm nghía từng đường thêu, mũi chỉ tạo nên những hoa văn, họa tiết tinh xảo mới thấy được sự tỉ mẩn, kỳ công, tinh tế của người thợ dệt.

Đặc biệt, chuyện mang lanh đi Tây của bà Mai khiến chúng tôi thán phục. Sợi lanh nhỏ bé không còn nằm núp mình trong những ngọn núi quanh năm sương phủ khi “nữ hoàng thổ cẩm Hà Giang” đã mang nghề dệt và sợi lanh truyền thống của người Mông đến gần 200 quốc gia trên thế giới.

Những tấm áo choàng, vỏ gối, ví, túi xách… với chất liệu lanh Lùng Tám được làm thủ công bởi bàn tay bà con người Mông đã trở thành một sản phẩm văn hóa độc đáo nơi “cổng trời” Quản Bạ, là điểm nhấn đặc sắc của mảnh đất biên cương nơi địa đầu Tổ quốc.

Theo lời kể của bà Mai, các sản phẩm của làng nghề lanh Lùng Tám đã có mặt tại nhiều quốc gia như: Anh, Pháp, Mỹ, Đức… Hơn một năm nay, Covid-19 hoành hành, chẳng có khách quốc tế ghé thăm làng nghề nhưng những sản phẩm thủ công có giá trị văn hóa và kinh tế cao này vẫn được khách quốc tế đặt hàng liên tục.

Năm 2017, Forbes Việt Nam chọn bà Mai vào Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam vì vai trò tiên phong trong việc đưa sản phẩm lanh thổ cẩm có mặt ở thị trường trong nước và quốc tế.

Tôi ngồi lại bên khoảng sân của làng nghề để trải nghiệm một công đoạn gần cuối của phần thô, là vẽ sáp ong.

Trải nghiệm một chút cũng đủ thấm mệt. Thế mới biết “công trình nghệ thuật” từ cây lanh thành những trang phục, phụ kiện thổ cẩm của người Mông kỳ công tới cỡ nào.

Phải đi, lắng nghe, trải nghiệm hóa thân thành cô gái Mông vẽ sáp ong, mặc áo dệt vải lanh mới thêm hiểu và trân quý những giá trị lao động, nét đẹp văn hóa, lịch sử quanh mình.

- Bạn nên ghé làng nghề dệt lanh Lùng Tám từ 7g đến 17g.
- Nếu đi Hà Giang vào mùa cuối năm, hãy mang đồ ấm để chống chọi giá rét, sương mù trên đường đi, trong đó găng tay dày và tất dày rất quan trọng.

Bài, ảnh: Nguyễn Thùy Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI