Chuyện những chậu hoa bị đập bỏ

16/12/2022 - 06:56

PNO - Hình ảnh các chủ quầy đập nát những chậu hoa ngày 30 tết ở TPHCM vẫn thường xảy ra trong những năm qua. Người đập bỏ đau lòng, người chứng kiến cũng xót xa.

 

Những chậu hoa không bán được vào ngày 30 Tết sẽ biến thành rác
Những chậu hoa không bán được vào ngày 30 Tết sẽ biến thành rác

Những người đập bỏ những chậu đang cho hoa rực rỡ là những người trồng ra chúng hoặc là những thương nhân mua từ các nhà vườn đưa đến điểm bán. Họ đập bỏ để gom thành đống cho gọn hoặc đập bỏ để xả cơn bực tức do tốn công chăm trồng, vận chuyển mà không bán được, trong khi lại có những người chờ đến hết phiên chợ để lấy miễn phí. Nếu để ý, ta sẽ thấy, những chậu hoa bị đập bỏ thường là các loài hoa ngắn ngày. 

Tìm hiểu về những vùng trồng hoa ngắn ngày ở TPHCM và lân cận, tôi thấy rất nhiều người trồng hoa ở quận 12, huyện Hóc Môn của TPHCM, hay TP Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai thuê đất các công trình, dự án chưa triển khai để trồng hoa thời vụ. Những vườn hoa kiểu này khá nhiều và dù diện tích nhỏ, mỗi vườn cũng cho ra 2.000-3.000 chậu bán tết, có vườn 5.000-10.000 chậu. 

Ở các tỉnh khác, cũng không thiếu những vườn hoa có quy mô vừa và nhỏ như vậy. Đó là chưa kể những vùng trồng tập trung của các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Khánh Hòa, Lâm Đồng. Ngoài hoa trong nước, còn có thêm hoa, kiểng nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan.

Tôi chưa thấy cơ quan, đơn vị nào đứng ra thống kê số lượng hoa được trồng ở các địa phương cũng như nhu cầu thị trường. Nếu có, chắc con số thống kê cũng khó chính xác bởi có quá nhiều vườn nhỏ, lẻ. Họ trồng kiểu cầu âu, may thì được thương lái mua sỉ, còn không thì huy động người nhà đưa đi bán lẻ ở các chợ hoa, lề đường, bán không hết thì cúng cho các chùa hoặc phá bỏ.

2 tuần trước tết, hoa từ các vựa lớn nhỏ của các miền quê đổ về các thành phố. Các chợ hoa, công viên, tuyến đường ở các thành phố tràn ngập hoa, kiểng các loại. Càng cận tết, hoa càng về nhiều. Đến ngày 30 tết, những người bán hoa, kiểng vội vã giảm giá để bán được hàng, nhiều người giảm đến mức như cho không. 

Có lần, khi tôi hỏi chuyện, một số bác lớn tuổi đang nhặt các chậu hoa nguyên vẹn sót lại sau trận đập phá của người bán ở công viên 23/9 (quận 1) cho biết, họ mang chậu về để tận dụng chậu và đất chứ họ đã mua 6-7 chậu hoa để chưng từ nhiều ngày trước. Họ cũng muốn mua nhiều hơn để hỗ trợ người bán, nhưng nhà không còn chỗ chưng. Những ngày tết, trên nhiều tuyến đường ở TPHCM, có nhiều chậu hoa còn nguyên vẹn, bị người bán bỏ lại nhưng người đi đường cũng chẳng lấy mang về. 

Ở nhiều nhà vườn, lượng hoa tồn nhiều hơn ở đường phố, chợ hoa xuân. Có năm, sau tết, tôi ghé vùng trồng hoa ở phường Kim Dinh, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ở đó, hoa tồn nhiều đến mức tôi cứ ngỡ chủ vườn trồng để bán dịp rằm tháng Giêng. Nhiều chủ vườn cho biết, họ trồng 15.000-20.000 chậu để bán tết nhưng gọi điện mà thương lái ngó lơ. Thế nhưng, họ vẫn nói sang năm sẽ trồng tiếp vì biết đâu năm sau lại trúng. 

Cũng trồng hoa, nhưng ở những vùng trồng tập trung như TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), tỉ lệ hoa tồn rất ít. Đó là do người trồng nắm rõ thông tin thị trường hoặc họ trồng theo đơn đặt hàng chứ không lệ thuộc hoàn toàn vào thương lái trôi nổi. 

Ở nhiều làng hoa, các chủ vườn còn làm du lịch trên chính những vườn hoa chờ thu hoạch của mình. Họ thu tiền tham quan của du khách và bán sản phẩm hoa, kiểng cho du khách. Nhiều chủ vườn thu hoạch các bông tươi bán không hết, chế biến thành trà, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… để bán với giá cao.

Như bao ngành nghề khác, ngành nghề hoa, kiểng cũng đòi hỏi người làm nghề nắm bắt thông tin thị trường, tính toán kỹ lưỡng về đầu ra, biết cách tiếp thị sản phẩm… Nếu vẫn làm kiểu cầu âu, trông vào sự may rủi thì cảnh đập bỏ hoa ngày 30 tết còn tiếp diễn dài dài. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI