Chuyên gia dinh dưỡng: Sợ mì ăn liền gây ung thư là nỗi ám ảnh… vô lý

20/07/2018 - 09:00

PNO - Trước tin đồn liên quan đến việc “mì ăn liền gây ung thư” khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng, chúng tôi đã có dịp trao đổi với các chuyên gia về món ăn vốn rất quen thuộc và được nhiều gia đình ưa chuộng này.

Mì ăn liền gây ung thư - nỗi lo ngại không có căn cứ

Theo thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, có khoảng 100 tỷ gói được tiêu thụ mỗi năm trên toàn thế giới, trong đó có những quốc gia nổi tiếng kiểm soát nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm như Mỹ, Anh, Nhật, Pháp, Đức, Úc... Với hệ thống luật pháp kết hợp sự kiểm soát chặt chẽ của các nước này, mì ăn liền chưa bị coi là “nghi phạm” và vẫn được phép bày bán rất phổ biến. Người dân những nước này vẫn yên tâm tiêu thụ như bất kỳ một sản phẩm thực phẩm an toàn khác. Song song đó, mì ăn liền cũng được Ban Kỹ thuật Codex quốc tế thiết lập tiêu chuẩn CODEX STAN 249-2006 (tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế). Như vậy, nếu mì ăn liền có nguy cơ gây ung thư thì khó có thể vượt được mọi cuộc kiểm tra, mọi tiêu chuẩn an toàn để tiêu thụ với số lượng lớn như vậy.

Chuyen gia dinh duong: So mi an lien gay ung thu la noi am anh… vo ly
Mì ăn liền ngày nay được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm

Tại Việt Nam, Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam cũng ban hành TCVN 7879:2008 đối với các sản phẩm mì ăn liền. Theo đó, bác sĩ Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam khẳng định: hiện nay mì ăn liền của các nhà sản xuất lớn ở Việt Nam đều phải đảm bảo tuân thủ các quy định về nguồn gốc xuất xứ, thành phần nguyên liệu và phụ gia sử dụng, hàm lượng cho phép… của pháp luật Việt Nam về an toàn thực phẩm. Do vậy, người tiêu dùng có thể tin tưởng, an tâm chọn loại mì ăn liền được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành và giám sát chất lượng, được sản xuất bởi những công ty uy tín, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại.

Đề cập tới vấn đề “mì ăn liền có nguy cơ gây ung thư hay không”, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết:“Trên thế giới chưa từng ghi nhận kết quả nghiên cứu khoa học nào đủ tin cậy để khẳng định mì ăn liền - một sản phẩm tồn tại lâu đời và ngày nay được không ít nhà đầu tư sản xuất trên dây chuyền công nghệ tiên tiến, kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm - lại có thể gây hại cho sức khỏe hoặc chứa những chất gây ung thư”.

Chất lượng mì ăn liền hiện nay đã được kiểm soát tốt

Tìm hiểu sâu hơn, lời đồn thổi “mì ăn liền gây ung thư” có thể xuất phát từ nỗi lo thực phẩm này chứa phụ gia thực phẩm, chất bảo quản, chất chống ôxy hóa… có khả năng gây ung thư và đặc biệt là ảnh hưởng của chất lượng dầu chiên mì ăn liền. Tuy nhiên, theo PGS-TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, người tiêu dùng cần hiểu rõ các chất phụ gia được phép cho vào trong thực phẩm, bao gồm cả trong mì ăn liền đều được qui định giới hạn về hàm lượng an toàn, nằm trong tiêu chuẩn cho phép, được cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ. Nếu sử dụng đúng liều lượng thì cơ thể sẽ tự động đào thải các chất này ra ngoài mà không gây nên các biến đổi bất thường hay sinh ung thư.

Liên quan tới vấn đề dầu chiên, ngày nay, quy trình sản xuất mì ăn liền thực tế có thể kiểm tốt chất lượng dầu chiên cũng như lượng transfat trong nguồn nguyên liệu dầu đầu vào nhằm tránh các tác động không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo chia sẻ của PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, với quy trình sản xuất mì ăn liền tiên tiến, mì được chiên trong một hệ thống hiện đại và không cần phải gia nhiệt trực tiếp. Tại đây, dầu sẽ được làm nóng gián tiếp bằng hơi nước từ bên ngoài, sau đó được dẫn vào chảo chiên bằng đường ống kín.

Bằng việc lắp đặt các thiết bị điều khiển tự động có thể chủ động kiểm soát nhiệt độ dầu bên trong chảo luôn ổn định và tự động bổ sung dầu mới, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho biết thêm: “Dầu được sử dụng để chiên mì trong quy trình này thường là dầu thực vật ở dạng rắn. Nguyên liệu này được sản xuất theo công nghệ tách lọc tự nhiên bằng phương pháp làm lạnh gián tiếp với nước lạnh, nhờ đó hạn chế tối đa việc phát sinh transfat trong dầu và giúp sản phẩm sau khi chiên, hàm lượng transfat được kiểm soát ở mức an toàn”.

Điều này được kiểm chứng qua công bố của Trung tâm Tiêu chuẩn chất lượng khu vực 3 (2016), một số sản phẩm mì ăn liền - như của Acecook Việt Nam - có hàm lượng transfat chỉ dao động từ 0,01-0,04g/khẩu phần, thấp hơn nhiều so với quy định 0,5g trên một khẩu phần ăn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Do đó, sản phẩm được coi là không chứa transfat và được phép ghi nhãn là “0 gram transfat”.

Chia sẻ thêm về nỗi lo mì ăn liền gây ung thư, PGS-TS Lê Bạch Mai kết luận: “Thay vì vừa ăn vừa lo lắng không có căn cứ, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm của nhà sản xuất uy tín và chú trọng bổ sung thêm dinh dưỡng (thịt, cá, trứng, rau củ…) để bữa ăn từ mì ăn liền trở nên đủ chất, cân bằng dinh dưỡng. Việc ăn uống đầy đủ, hợp lý, có chế độ sinh hoạt lành mạnh, tập luyện đều đặn mỗi ngày, tinh thần lạc quan mới chính là cách bảo vệ sức khỏe, tránh xa các nguy cơ bệnh tật trong đó có ung thư”.

T.C

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI