Chuyện dạy, học ở huyện “vùi trong mây”

26/09/2020 - 06:45

PNO - Đầu năm học mới, trong khi ở các thành phố lớn còn gây tranh cãi về các khoản thu, học sinh phải học thêm… thì tại một huyện vùng cao, trường học đích thực là nơi học sinh thảnh thơi vừa học vừa chơi, lại được rèn luyện kỹ năng và định hướng để có một nghề vững chãi vào đời.

Trạm Tấu là huyện nghèo nhất tỉnh Yên Bái và “xa xôi” đến độ chỉ sau cơn lũ lịch sử năm 2017, mới bắt đầu có những đoàn khách phương xa tìm đến. Thế nhưng, ở cái huyện “vùi trong mây” ấy, rất ít học sinh bỏ trường, bỏ lớp giữa chừng. Lũ trẻ sống với thầy cô nhiều hơn với gia đình. Rồi một cách tự nhiên, chính bọn trẻ đã làm thay đổi nhận thức của cha mẹ chúng. 

Vẽ đường cho học trò “xuống núi”

Một giờ học ngoại khóa của học sinh bán trú ở H.Trạm Tấu
Một giờ học ngoại khóa của học sinh bán trú ở huyện Trạm Tấu

“Đặc sản” là rừng núi, có đến 90% dân là đồng bào thiểu số, 80% dân số là người Mông, Trạm Tấu không chỉ là huyện nghèo nhất tỉnh Yên Bái mà còn là một trong những huyện nghèo nhất nước. “Nhưng tôi tin, thế hệ trẻ sẽ mang đến cho Trạm Tấu một diện mạo mới” - đó là lời khẳng định của không ít cán bộ ngành giáo dục địa phương này.

Mấy năm nay, xác định đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm mới mang lại hiệu quả, các ngành của huyện Trạm Tấu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu việc làm tại địa phương. Bốn năm qua, gần 4.500 thành viên của các cộng đồng thiểu số đã được đào tạo nghề. Trạm Tấu đã dần có nhiều người chuyển từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Huyện còn phối hợp đào tạo nghề theo hình thức liên kết đào tạo.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huệ - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú tiểu học và THCS Bản Mù - hồ hởi khoe: “Mấy năm nay, nhiều học sinh của tôi dù không thi tiếp vào trung học phổ thông vẫn tìm một nghề nào đó để học chứ không chịu ở nhà sau khi tốt nghiệp THCS”.

Không chỉ thế, nhận thức của phụ huynh đã thay đổi và tiến bộ, họ quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho việc học của con cái. Ông Giàng A Vàng - Trưởng bản Khấu Ly - nói: “Tình trạng phụ huynh cho con nghỉ học gần như không có nữa. Nếu muốn nghỉ thì các em cũng xin phép thầy cô. Thầy cô đồng ý cho nghỉ thì mới nghỉ chứ không nghỉ vô tội vạ như trước nữa đâu”. 

Bản Mù là xã đặc biệt khó khăn của huyện với 100% dân số là người Mông. Theo cô Huệ, việc học sinh không bỏ lớp là tín hiệu đáng mừng và việc các em học hết THCS nghe theo thầy cô, tiếp tục xuống núi học nghề là một kỳ tích.

Hỏi các thầy cô có bí quyết gì đặc biệt để các chính sách của Nhà nước cũng như của tỉnh thực sự đi vào lòng dân như thế, cô Huệ cười: “Trong các buổi sinh hoạt, chúng tôi luôn lồng ghép những câu chuyện đổi đời nhờ con đường học tập của chính những người con bản Mông. Đó là Bí thư Huyện ủy huyện Trạm Tấu Sùng A Thào, là 3/4 cán bộ huyện Trạm Tấu hiện nay, đặc biệt là bác sĩ Sùng A Vang - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện”. 

Không chỉ kể chuyện, các thầy cô còn mỗi năm một lần mời chính những người con của Bản Mù đã thành danh giao lưu với học sinh để những tấm gương ấy không chỉ có trong sách vở hay qua lời kể của các thầy cô, mà hiện hữu ngay trước mắt học trò, truyền cảm hứng để chúng thêm nỗ lực phấn đấu trên con đường học tập.

Thầy cô thực sự là bố mẹ

Trường phổ thông dân tộc nội trú tiểu học và THCS Bản Mù là mái trường đặc biệt bởi có đến 1.100/1.327 học sinh được hưởng chính sách, học nội trú tại trường. Bản Mù là xã nghèo nhất huyện, nhưng trường này lại là mái trường có vị trí đẹp nhất. Bởi địa hình đồi núi dốc, nên trường lớp cũng không khác nào ruộng bậc thang. Duy nhất Trường Bản Mù cơ sở 1 (bà con thường gọi là “Mù dưới”) có một mặt bằng lớn để các hạng mục không bị “gối đầu” vào nhau.

Để có được không gian ấy, người ta đã bạt nửa quả đồi lớn. Mỗi lớp học, mỗi khoảng sân, mỗi vườn rau là không biết bao nhiêu sức người, sức của đã đổ vào. 

Các học sinh nhỏ tuổi còn biết tự cắt tóc cho nhau
Các học sinh nhỏ tuổi còn biết tự cắt tóc cho nhau

Trường “Mù dưới” có hơn 700 học sinh, trường “Mù trên” hơn 500 học sinh. Các thầy cô giáo phân công nhau, người nào cũng có trọn vẹn hai buổi/tuần ở lại “nuôi” học trò. Những cháu mới vào lớp Một, tiếng Kinh có khi còn không biết, nên thầy cô khá vất vả.

Thầy giáo Hạnh kể: “Các em quen nếp ở nhà nên những ngày đầu xuống trường, có khi thầy vừa nắn nót viết được vài chữ lên bảng, quay xuống đã thấy trò đi vệ sinh ở ngay góc lớp xong rồi. Có đêm đang ngủ, thấy các em hét váng, chúng tôi xuống thì thấy các trò lớn thu dọn chăn màn vì trò nhỏ đã tè dầm ướt hết người các chị”.

Sáu tuổi đã phải xa nhà, bắt đầu hành trình tự lập, tối đến, cháu nào cũng sợ ma, khóc thút thít. Các thầy cô phải căng bóng điện khắp trường, giữa đêm, nhìn từ trên cao, Trường Bản Mù như đèn đom đóm giữa trập trùng núi. Các thầy cô cũng nghiên cứu rất kỹ tập quán, hiểu rất rõ tính cộng đồng của người Mông. Những đứa trẻ cùng dòng họ hoặc cùng bản sẽ được bố trí ở chung phòng, đứa lớn xen đứa nhỏ để phụ thầy cô giáo trông em.

Với các thầy cô giáo, nuôi học trò nội trú không chỉ là trách nhiệm, mà còn là sự hy sinh. Có những ngày, cô Huệ, thầy Hạnh phải gửi lại đứa con đang ốm của mình nhờ ông bà trông để đến trường chăm học trò. Cả đêm túc trực bên giường học sinh đã là chuyện quen thuộc của thầy cô. 

Trẻ vùng cao được Nhà nước lo kinh phí ăn học, những bữa cơm ở trường tươm tất hơn ở nhà. Ở trường, có các hoạt động tập thể, múa hát, văn nghệ, học sinh còn được tự tay trồng rau để bán cho chính bếp ăn của trường, lấy tiền làm quỹ lớp.

Nữ sinh Sùng Thị Sía khoe: “Năm vừa rồi, chúng cháu trồng và bán được 4 tấn rau xanh cho bếp ăn. Tiền bán rau để tổ chức các buổi văn nghệ, đá bóng, có cả bánh kẹo liên hoan nữa”. 

Ở điểm trường “Mù trên”, từng dãy nhà phải ken nhau để tận dụng mặt bằng bên rìa lưng núi. Người lạ bước chân vào có cảm giác như đang chơi trò tìm đường trong mê cung. Sân hẹp, vài khoảnh nối nhau hạ dần theo độ dốc. Sân cũng chia theo bậc, nên nhìn đám trẻ đứng tập thể dục trông ngộ nghĩnh như những tiểu hòa thượng Thiếu Lâm luyện võ trong các bộ phim truyền hình.

Cô Huệ, thầy Hạnh tấm tắc mãi về chính sách dành cho học sinh nội trú vùng cao của nước nhà: “Với mười lăm cân gạo nhận được mỗi tháng, các em phần nhiều không ăn hết, còn mang được về cho gia đình. Với hơn 500.000 đồng/tháng, bữa ăn của các em bây giờ là mơ ước của bố mẹ chúng và nhiều thế hệ học trò trước đây”. 

Năm học 2020-2021 là năm thứ tư tỉnh Yên Bái thực hiện đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, học sinh được hưởng cơ sở vật chất tốt và được giáo dục toàn diện.

Nhờ chính sách hỗ trợ học sinh miền núi của Nhà nước và đề án ghép trường của tỉnh, đường học hành của con em người Mông thênh thang hơn, tạo được sự thay đổi đáng mừng trong nhận thức của cộng đồng người Mông về cái chữ. 

Ngọc Minh Tâm

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI