Tôi học phát âm tiếng Việt

05/09/2018 - 06:25

PNO - Từ việc “phát âm giống nhau với nhiều chữ cái”, hay phát âm quá khác so với tên gọi của chữ cái - đều là biểu hiện của việc thừa nhận sự khác nhau giữa tên chữ và âm.

Bộ sách Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục đã có từ lâu. Báo Phụ nữ TP.HCM đã từng lên tiếng về những sai sót trong biên soạn bộ sách này. Thế nhưng, làn sóng phản ứng đáng kể về bộ sách chỉ mới thực sự bùng nổ gần đây, khi người người ở mọi lĩnh vực đều phản đối phương pháp dạy tiếng Việt của nó. Sai sót về chi tiết trong biên soạn là điều dễ phát hiện và dễ sửa đổi. Nhưng, mọi cuộc luận bàn về phương pháp đều cần một cái nhìn cẩn trọng, hiểu biết và những đối sánh thực tế, nghiêm túc, chứ không thể dựa vào những cảm tính hời hợt về sự khác biệt...

Toi hoc phat am tieng Viet
 

Chúng tôi thuộc thế hệ 9X đời đầu. Vào lớp Một, tôi vẫn học phát âm và đánh vần theo cách truyền thống. Âm và chữ cái lúc này không có gì khác nhau. Tên chữ cái cũng là âm. Vậy nên, việc phát âm thật đơn giản: phát âm bằng cách đọc đúng tên chữ cái đó và đánh vần bằng cách đọc hết các tên chữ cái (lúc này được gọi là “âm”) theo thứ tự từ trái qua phải, rồi kết thúc bằng cách đọc đúng âm tiết của chữ đó. Ví dụ, thời của tôi, trẻ em miền Trung phát âm chữ “yêu” thành là “y - ê - u - yêu”. Chữ “quốc” là “u - ô - cờ - uốc - quờ - uôc - quốc - sắc - quốc”. 

Lúc này, chúng tôi không quan tâm lắm đến khái niệm “âm” dù nó vẫn hay được cô giáo nhắc đến. Vì chữ thế nào, âm thế đó. Ngay cả việc đánh vần, tôi cũng chỉ cần đọc tên từng chữ cái lên là xong. Cách học này rất đơn giản, dễ nhớ. Thậm chí, nó không có gì phải ghi nhớ. Để đánh vần, học sinh cần biết hai kiến thức: tên chữ cái và cách phát âm âm tiết đang được đánh vần đó. Cụ thể, chỉ cần biết cách đọc âm “yêu”, âm “quốc”, đến lúc trả bài cho cô giáo thì trò cứ đọc tên từng chữ cái và thanh (dấu) đó lên, rồi kết thúc bằng cách dõng dạc đọc âm tiết đó là xong.

Mà, vì đang học tiếng mẹ đẻ, nên việc đọc được âm tiết “yêu” và âm tiết “quốc” hay bất cứ âm tiết nào khác (theo tiêu chí của cô giáo) là quá dễ dàng với chúng tôi. Đã thế, tên của từng chữ trong bảng chữ cái đều quen thuộc từ thời mẫu giáo. Cả hai kiến thức này đều không có gì mới, nên học sinh cứ thế mà “u - ô - cờ - uốc…”.

Việc học đánh vần chợt trở thành một… cuộc trình diễn thuần túy. Bởi các “chất liệu” của nó đều có sẵn trong thói quen của trẻ em Việt Nam. Việc đánh vần khi ấy chỉ là cách ghép những chất liệu có sẵn lại làm thành một trình tự đánh vần theo kiểu… một người có học lớp Một. Lần đó, tôi cùng một bạn nữa đến nhà của Như Thảo - một bạn học giỏi nhất lớp - để ôn bài dưới sự hướng dẫn của anh trai Thảo. Việc đánh vần hồi đó dễ như ăn kẹo với chúng tôi.

Thậm chí, có đứa mới bốn tuổi đã biết “đánh vần” theo kiểu “cờ ơm cơm, rờ au rau, bờ a ba” dù chưa viết được một chữ cái nào. Hồi đó, từng chữ cái đều trình bày kèm hình vẽ minh họa. Đến chữ “hổ”, chữ viết được in dưới hình vẽ một con hổ kinh điển. Như Thảo lẩm nhẩm đọc thầm trước, rồi dõng dạc làm mẫu, phát âm: “hờ - ô - hô - hỏi … cọp”. Chúng tôi bò lăn ra cười. Thực tế, hồi đó ở quê tôi, từ “con cọp” được dùng phổ biến hơn là “con hổ”. Cách đánh vần dựa vào thói quen đã “chơi khăm” cô bạn vốn là “thần tượng học tập” của tôi hồi đó.

***

Câu chuyện “hờ - ô - hô - hỏi … cọp” chính là câu chuyện cho thấy sự phụ thuộc vào thói quen của phương pháp đánh vần mới. Dĩ nhiên, “hờ - ô - hô - hỏi … cọp” là sự nhầm lẫn của một đứa trẻ. Nhưng, nếu không phải là “cọp” hoặc một con “hổ” nào đó đã được biết trước trong giao tiếp hằng ngày, thì những đứa trẻ ngày ấy cũng không có cách nào để hiểu trình tự âm thanh nào đã tạo ra âm “hổ” đó. Tức là, chúng tôi chưa từng được học phát âm thực sự.

Trong khi toàn bộ nhân loại học đánh vần để biết vị trí cấu âm, trình tự kết hợp âm để tạo ra âm tiết, thì chuyện đánh vần của bọn lớp Một chúng tôi thời đó thuần túy là một màn trình diễn kỹ năng tách “tên chữ cái” ra khỏi âm tiết để lần lượt đọc chúng cho thành một… âm tiết đã biết ban đầu. Nó hoàn toàn khác với một học viên học phát âm tiếng Anh được dạy cách đặt vị trí lưỡi, tạo khẩu hình miệng và cách đẩy luồng hơi để tạo ra một âm bất kỳ. Việc học phát âm đích thực có thể dạy một người vốn không sử dụng ngôn ngữ ấy cách phát âm đúng dựa trên những chi tiết thuần túy kỹ thuật. Còn chương trình phát âm tiếng Việt mà chúng tôi được học, chỉ dạy được cho người biết tiếng Việt một cách đánh vần tương đối.

Chính với chi tiết đó, nhiều người khẳng định đó mới là cách phát âm tiếng Việt dành cho người Việt. Nhận định này phát sinh đồng thời với việc phản đối mạnh mẽ cách đánh vần chú trọng âm theo chương trình Công nghệ giáo dục (CNGD) của giáo sư Hồ Ngọc Đại. Phương pháp phát âm của CNGD phân biệt rõ giữa âm và tên chữ cái, tạo ra những âm khác trong hành trình cấu thành âm tiết. Việc này trở nên quá rườm rà so với thói quen của nhiều người Việt, bởi “một khi đã rành rọt tiếng Việt, người Việt không cần quá rườm rà khi học phát âm”.

Toi hoc phat am tieng Viet

Thế nhưng, có thực sự người Việt đã rành tiếng Việt? Chưa kể những vấn đề phát âm có tính cá nhân hay đồng bào dân tộc thiểu số, thì riêng về khoảng cách địa lý đã tạo ra “rất nhiều tiếng Việt”. Mỗi phương ngữ lại có một hệ thống phát âm riêng. Và, chính cách phát âm đại khái phụ thuộc vào thói quen đã không dạy cho người Việt một thứ “tiếng Việt” đúng nghĩa. Học trò miền Trung, miền Nam không phân biệt được “an” - “ang”, “in”- “inh”. Học trò một số vùng phía Bắc không phân biệt được “l”, “n”. 

Bởi, trong vốn từ ngữ “mẹ đẻ”, họ không có những âm tiết chuẩn xác nhất của những chữ đó. Cũng giống như bạn tôi đã không có “hổ” trong thói quen phát âm của mình. Còn phương pháp phát âm - con đường lẽ ra phải dẫn họ đến với từng âm tiết chuẩn xác theo quy ước chung của người Việt - thì lại chỉ là một hình thức trình diễn phép “tách - ghép” chữ cái thành một âm sẵn có. Nếu biết điều này, có lẽ một người thực sự yêu tiếng Việt sẽ không còn coi thường việc học phát âm một cách nghiêm túc, khoa học và triệt để nữa. 

***

Nhiều người cảm thấy tiếng mẹ đẻ bị xúc phạm khi phương pháp CNGD phát âm giống nhau với nhiều chữ. Ví dụ, ba chữ “k”, “c”, “q” đều được phát âm là “cờ”. Điều này được bàn luận như một cú sốc với người Việt, khi ba chữ cái khác nhau rành rành lại đều được gọi tên chung, nhiều người còn than trời rằng, việc “gộp âm” này sẽ làm loạn chính tả Việt Nam. Thế nhưng, chưa kể đến tính chính xác của cách phát âm mới với ba chữ cái nọ, thì việc “ba chữ dùng chung một âm” đã không hề mới lạ với người học cách phát âm truyền thống như tôi. Chẳng đâu xa, ngay với hai chữ cái “i” (tên là “i ngắn”) và “y” (tên là “i dài”) - hai chữ cái viết khác rành rành.

Thế nhưng, toàn thể nhân dân ở đất nước này vẫn chỉ phát âm hai chữ này là “i”. Vậy, học sinh làm sao để phân biệt các chữ cái khác nhau khi nghe cùng một cách đọc? Thực ra, với tôi, thắc mắc này khá... cũ. Bởi chúng tôi đã thông suốt ngay từ thời tiểu học với luật chính tả - nguyên tắc chỉ ra các trường hợp chính xác để chọn “i” hoặc “y”. Với âm “cờ” cũng vậy: nguyên âm nào được phép đứng sau “k”, nguyên âm nào đứng sau “c”. Và bây giờ, khi chữ  “q” được quy ước như một phụ âm độc lập trong âm tiết, đọc là “cờ”, thì chỉ được dùng trước âm đệm (u). Những “rắc rối” tưởng chừng mới được “vẽ” ra sau này, thực ra đã có từ trước.

Đến đây, làn sóng phản đối hẳn còn sôi sục, bởi nhóm người vẫn kiên quyết không thể đọc chữ “k” giống như đọc chữ “c” hay “q” được. Tôi khá đồng cảm với nhóm người này. Chỉ có điều, “cú sốc” này đến với tôi sớm hơn, đâu từ 6 năm trước. Hồi đó, trong một lần hiếm hoi lặng nghe ca từ của bài hát đang phát trên loa, chợt nghe ca sĩ Tấn Minh hát “tổ cuốc”, tôi khá… bàng hoàng. Rõ ràng đó là từ “tổ quốc”. Nhưng khi từ ấy lặp lại nhiều lần, tôi vẫn nghe Minh hát là “cuốc”.

Là một người khá quan tâm đến ngôn từ, tôi đặc biệt lưu tâm bất ngờ này. Hỏi một người bạn học văn ở chung phòng trọ khi ấy, tôi vẫn được bạn phát âm chữ “q-u” thành một phụ âm kép, đọc giống như cách đọc âm “w” trong tiếng Anh. Cho đến khi lên một từ điển điện tử để nghe phát âm, đồng thời hỏi nhiều thầy cô dạy chuyên ngành ngôn ngữ, tôi mới tin là phát âm chuẩn tiếng Việt của phụ âm này là /k/ (theo cách phiên âm truyền thống, giống với âm /k/ của chữ c và chữ k). Vậy là, gần 20 năm sau khi hoàn thành chương trình phát âm tiếng mẹ đẻ, tôi mới biết cách đọc chuẩn xác nhất những từ thân thương như “tổ quốc”, “quê hương”... Và đến lúc này, khi phương pháp phát âm tiếng Việt CNGD xác định lần nữa âm của chữ “q”, cả xã hội lại bước vào một cuộc bàng hoàng như tôi. 

Tôi chưa có cơ hội kiểm chứng toàn bộ chương trình tiếng Việt CNGD dưới góc nhìn khoa học, và cũng xin phép không phân tích nó dưới những luận điểm học thuật chuyên sâu về ngôn ngữ. Chỉ xin nhìn nó bằng sự hiểu của một người đã và vẫn đang học tiếng Việt mỗi ngày. Những chi tiết đang bị dư luận bài bác khốc liệt này - thực ra chỉ chứng minh phương pháp CNGD đã có sẵn mầm mống trong những phát âm cũ. Từ việc “phát âm giống nhau với nhiều chữ cái”, hay phát âm quá khác so với tên gọi của chữ cái - đều là biểu hiện của việc thừa nhận sự khác nhau giữa tên chữ và âm.

Ngày trước, khi đánh vần “ka - ia - kia” và “cờ - a - ca”, tôi đã được dạy nguyên âm nào được đứng sau “ka”, nguyên âm nào được đứng sau “cờ”. Lúc đó, tôi đã không đủ kiến thức và bản lĩnh để đứng lên thắc mắc với cô giáo, rằng nếu không phải hai chữ có cùng một âm, thì tại sao phải học luật chính tả mới biết cách ký âm? Nhìn lại sự biến đổi giữa hai phép phát âm này, mới thấy, nó chính là hành trình thừa nhận sự khác biệt giữa tên chữ và âm trong tiếng Việt. Chỉ có điều, với “phiên bản cũ”, người ta thừa nhận ở mức độ… tình thế (âm nào không thể phát âm bằng tên chữ được thì mới phân biệt), còn cách phát âm mới đã triển khai nó một cách triệt để hơn. Và người Việt thì rơi vào một cuộc “bất đồng ngôn ngữ” vô tận bằng những tranh luận “lạc đề” về ngôn ngữ. 

 Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI