Chuyện chưa kể về 'ông đỡ' cho báo Phụ Nữ ra đời đúng ngày 19/5/1975

18/05/2015 - 15:42

PNO - PN - Ông tên là Nguyễn Văn An (tên thường gọi Nguyễn Trọng Khanh), là một chiến sĩ cách mạng kiên trung. Ông kể, những ngày đầu sau năm 1975, Hội Phụ nữ Sài Gòn lúc đó chỉ có mình ông là nam giới. Khi nghe các chị trong Hội đau đáu...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bán 10 cây vàng để lấy 200.000 đồng chuẩn bị cho báo Phụ Nữ in 50.000 bản đầu tiên, công lao và tấm lòng của ông đối với tờ báo to lớn vậy, nhưng có nhiều câu chuyện về ông mà những người làm báo thế hệ hôm nay của chúng tôi chưa hề được biết…

Chuyen chua ke ve 'ong do' cho bao Phu Nu ra doi dung ngay 19/5/1975

Ảnh: Phùng Huy 

CUỘC THAI NGHÉN 48 GIỜ CHO BÁO PHỤ NỮ

Trước khi tờ báo ra đời vỏn vẹn hai ngày, ông Nguyễn Văn An (nguyên cán bộ Sở Thương binh xã hội TP.HCM) được bà Đỗ Duy Liên (bà Tư Duy Liên, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM, lúc này đang đảm đương vị trí lãnh đạo Hội Phụ nữ Sài Gòn Giải phóng) mời qua Thành Hội để tìm cách giúp ra đời một tờ báo phụ nữ của Sài Gòn vào đúng ngày 19/5, kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ.

Ông bồi hồi nhớ lại: “Tôi vốn là bạn chí cốt của ông Lê Duy Nhuận, chồng của chị Tư Duy Liên trong kháng chiến. Khi biết bà lên tiếng, có nghĩa đó phải là việc lớn. Là chiến sĩ cách mạng, tôi hiểu rõ nếu kịp xuất bản tờ báo Phụ Nữ đầu tiên vào những ngày này, thông tin chính thống về tình hình đất nước, về chính quyền cách mạng sẽ đến được với nhân dân. Lúc đó tại thành phố, báo chí duy nhất có tờ Sài Gòn Giải Phóng (ra đời ngày 5/5/1975) nhưng chỉ phát ở các cơ quan, công sở. Người dân ở đây chưa thấy mặt tờ báo nào của chính quyền mới.

Tôi nghĩ, nếu báo ra đời kịp thời điểm này, vừa đẹp về chính trị, vừa lợi về kinh tế. Thế nhưng, hai ngày nữa báo phải phát hành, mà giấy phép của chính quyền quân quản chưa có, giấy in không có, nhà in không biết ở đâu, tiền thì Hội cũng chẳng có đồng nào. Thấy thương cho gánh nặng mà chị Tư Duy Liên đang vác trên vai. Tôi nghĩ mình phải làm điều gì đó để giúp đỡ người phụ nữ đầy nhiệt huyết này”.

Ông An kể tiếp: “Nhưng mua giấy, rồi đặt in chỗ nào đây ngay trong những ngày đất nước còn ngổn ngang này? Trong lúc đó, tôi chợt nhớ tới nhà in Thách Đố ở đường Võ Tánh (nay là đường Nguyễn Trãi), một trong những đối tác cũ của công ty giấy Cogivina mà tôi là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Nhà in này từng hợp đồng in ấn với báo Đông Phương mà cô Trúc chủ bút, có người chị đang làm cán bộ phụ nữ ở Hóc Môn là “mối” có thể giúp đỡ. Tôi đánh xe đi Hóc Môn liền. Sau khi nghe tôi trao đổi, chị em cô Trúc đồng ý bán giấy, và nhà in nhờ mối quen ấy giới thiệu nên cũng nhận lời. Tối đó, tôi về bàn với vợ, bán 10 cây vàng để lấy tiền làm vốn cho báo”.

Ngay ngày mang báo đi in, tờ báo vẫn chưa xin xong giấy phép, mà bà Tư Duy Liên lại có việc bận họp với bà Ba Định (bà Nguyễn Thị Định) nên đã viết thư tay nhờ ông An gặp đồng chí Mai Chí Thọ phụ trách an ninh của chính quyền quân quản để xin quyết định in báo. Ông cán bộ Hội nhiệt huyết không nề hà lặn lội đi làm thay đồng đội. Giấy phép có trên tay, ông An tự hỏi, báo in ra rồi làm cách nào để đến với người dân?

Ông chợt nhớ ông Nam Cường, một đầu mối phát hành sách báo của Sài Gòn trên đường Nguyễn Thái Học, ông ghé luôn vào tìm gặp, nhờ giúp đỡ: “Trên đường tôi cứ lo, lỡ người ta không nhận giúp. Nào ngờ vừa nghe tôi nói nhờ phát hành báo Phụ Nữ, ông ấy hăng hái nhận lời”.

Chuyen chua ke ve 'ong do' cho bao Phu Nu ra doi dung ngay 19/5/1975

Ông Nguyễn Văn An quây quần cùng con cháu

Ngày 18/5, các khâu trong quy trình chuẩn bị đã xong, phân công đâu ra đấy, các chị Tư Duy Liên tổng duyệt, Vân Trang lo bài vở, Mười Mai trình bày… thì mọi người mới ngớ ra: không biết phải in bao nhiêu bản? Lúc này “cái đầu doanh nhân” của ông An tính toán ngay: in ít quá cũng lỗ mà nếu in thừa ra thì biết phải làm gì với số báo đó? Con số ông lựa chọn cuối cùng được Hội Phụ nữ cùng nhất trí: in 50.000 bản.

Chiều 19/5, đúng 48 giờ kể từ lúc ông An hay tin bà Tư Duy Liên và đồng đội trăn trở về việc xuất bản, tờ báo Phụ Nữ Sài Gòn đầu tiên với chân dung Bác Hồ đứng vẫy tay chào bên góc bìa phải xuất hiện trên các sạp báo thành phố. Nhớ về những giây phút đầu tiên ấy, ông xúc động kể: “Nhìn tờ báo tôi tự hào vô kể. Chỉ khoảng 10 ngày sau, chị Tư Duy Liên đã có tiền để hoàn lại tôi số tiền tạm ứng lúc đầu. Cầm tiền trên tay, tôi vui lắm, tôi biết tờ báo đi đúng hướng rồi”.

Những năm đầu đất nước thống nhất, miệt mài lo công tác tổ chức, phát hành báo, những người phụ nữ làm báo quên bẵng câu chuyện thai nghén tờ Phụ Nữ đầu tiên. Nhưng ông An và vợ không một chút tủi, buồn. Ông bà vẫn luôn là độc giả trung thành của tờ báo. Đến 18 năm sau, trong một dịp rất tình cờ, bà Hà Phương, cán bộ Thành Hội, cộng tác với báo, ghé tòa soạn, kể chuyện về người lãnh đạo của mình trong chiến khu xưa từng giúp vốn cho báo Phụ Nữ ra số đầu tiên.

Bà Nguyễn Thế Thanh - Tổng biên tập khi đó của báo Phụ Nữ nghe chuyện mới sững người. Ngay sau đó, qua nhịp cầu của bà Hà Phương (mà chúng tôi hay gọi trìu mến là dì Hà Phương, phân biệt với chị Hà Phương - nhà thơ Đỗ Thị Thanh, sau này là Phó tổng biên tập của báo Phụ Nữ), báo Phụ Nữ đã tìm lại vợ chồng ông An, “ông đỡ” của tờ báo ngày nào để tri ân.

Ông An mỉm cười hồn hậu: “Tôi làm những việc ấy, trước hết là tình cảm với các chị em trong Hội Phụ nữ, với chị Tư Duy Liên. Sau nữa, việc giúp một tờ báo của chính quyền cách mạng ra đời, chính là nhiệm vụ rất đỗi bình thường của người chiến sĩ cộng sản, người cán bộ hậu cần”.

NGƯỜI GÌN GIỮ NẾP NHÀ

Bốn mươi năm trôi qua, ở tuổi 96, ông Nguyễn Văn An vẫn còn minh mẫn, ngồi nhắc chuyện xưa, ông móm mém cười hiền: “Có gì đâu, việc cần làm thì mình đã làm rồi… Vui nhất với tôi, Phụ Nữ lúc nào cũng là tờ báo đẹp và luôn đi đúng hướng…”.

''Tôi làm những việc ấy, trước hết là tình cảm với các chị em trong Hội Phụ nữ, với chị Tư Duy Liên. Sau nữa, việc giúp một tờ báo của chính quyền cách mạng ra đời, chính là nhiệm vụ rất đỗi bình thường của người chiến sĩ cộng sản, người cán bộ hậu cần''

Ông Nguyễn Văn An sinh ra trong một gia đình thương buôn ở Quảng Trị. Sau đó ông vào Sài Gòn ăn học, từ thời kháng Pháp, ông đã cảm tình và đi theo cách mạng. Chín năm ở chiến khu D, ông là cán bộ hậu cần kiên trung. Năm 1954, ông không tập kết ra Bắc để học tập mà xung phong ở lại, công tác tại Xứ ủy Nam kỳ. Từ công việc ở bộ phận hậu cần cho Xứ ủy, ông trăn trở: “Phải bung ra làm kinh tế cho cách mạng…”. Nghĩ là làm, vừa lúc năm 1956, Xứ ủy bị lộ, ông trốn ra Huế, sau lại vào Nam làm kinh tế, ông hoạt động bán công khai.

Từ khi tham gia cách mạng, ông quen biết và lập gia đình với bà Trần Thị Xân, một phụ nữ gốc Huế. Ngày gặp ông, bà đang cùng buôn bán với người thân ở Đà Lạt. Lấy chồng, chồng làm cách mạng bị lộ, trốn về Huế, bà lại khăn gói theo ông về quê, bán vải ở chợ Đông Ba. Buôn bán chưa yên, ông quyết tâm vào Nam làm kinh tế, bà lại quảy gánh theo chồng làm hậu phương cho ông. Trong khi một tay ông gầy dựng đồn điền cao su Bù Kan ở Bình Phước, nhà máy giấy Cogivina (giấy Tân Mai sau này) ở Sài Gòn, thì vợ ông thu vén gia đình, sinh nở rồi dạy dỗ bảo ban chín người con (hai người mất do bệnh tật).

Nhờ có người vợ đảm đang, ông An toàn tâm toàn ý tận hiến cho cách mạng tài năng và rất nhiều tài sản. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trao lại đồn điền cao su cho Tổng công ty cao su, nhà máy giấy Cogivina cho công ty giấy Tân Mai, về làm một cán bộ ở Sở Thương binh xã hội TP.HCM. Ở cương vị công tác này, ông nhờ những mối quan hệ đặc biệt của mình thời kháng chiến, góp công lớn cho ba công trình đền ơn đáp nghĩa: nghĩa trang thành phố, nghĩa trang liệt sĩ, nhà nuôi dưỡng người già ở Chánh Phú Hòa (Bến Cát, Bình Dương).

Điều làm ông vui và tự hào nhất là cảm giác thấy mình “hoàn thành nhiệm vụ” với cuộc đời. Các con của ông đều thành đạt, trong đó có người con gái thứ ba được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân: TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (nguyên giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM).

Bác sĩ Ngọc Dung hồi tưởng: “Ba mẹ tôi nuôi dạy con nghiêm khắc và nền nếp. Bảy anh chị em đều có vị trí nhất định trong xã hội, là giám đốc, bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư… mỗi lần tề tựu về với gia đình, ai nấy đều giữ đúng vị trí, thứ bậc. Ba mẹ dạy con vâng lời, chị bảo em nghe, quy tắc ứng xử đó chưa bao giờ thay đổi”.

Nghiêm khắc với các con, nhưng ông bà vẫn luôn tôn trọng khi các con lựa chọn và quyết định cuộc đời mình. Ông An nói: “Tôi đã rèn chúng từ nhỏ, nhà chất đầy sách, đứa nào cũng phải đọc, cha hỏi đến quyển sách nào mà con chưa trả lời được thì phải tự biết đi tìm đọc để nói chuyện với cha. Bởi vậy khi con quyết định thi vào bách khoa, y khoa hay kiến trúc, tôi không can thiệp vì tin các con đủ chín chắn”.

Ba năm trước, bà Xân qua đời. BS Ngọc Dung rưng rưng kể: “Ngày má tôi còn sống, mỗi lần về thăm má, biết công việc con gái bộn bề, bà luôn dặn tôi giữ gìn sức khỏe. Khi tôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, về khoe với má, bà vẫn nói: “Con có là gì thì cũng phải ráng giữ sức khỏe của mình”. Tôi biết ba má thương yêu chúng tôi vô hạn, nhờ nếp nhà đó mà chúng tôi ai cũng thành người có ích cho đời, tự mình biết răn mình không làm điều sai quấy”.

Từ niềm tin của ông An cũng như những người từng thai nghén tờ báo thuở ban đầu trao gửi, cùng sự đồng cam cộng khổ của đội ngũ Ban biên tập, phóng viên, công nhân viên của tờ báo suốt nhiều thời kỳ, bốn mươi năm qua tờ báo đã vận hành đúng hướng là niềm vui, niềm tự hào không nhỏ. Chúng tôi tri ân ông, “ông đỡ” của tờ báo bằng cả tấm lòng.

 NGHI ANH 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI