Chưa nâng công suất bãi rác, dân cũng khổ lắm rồi

27/01/2015 - 06:48

PNO - PN - Trước thông tin Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS) - chủ đầu tư bãi rác Đa Phước xin nâng công suất tiếp nhận rác từ 3.000 tấn lên 10.000 tấn/ngày, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà vừa ký văn bản nêu rõ, việc nâng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chua nang cong suat bai rac, dan cung kho lam roi

Quanh năm suốt tháng, dân phải chịu trận mùi hôi, ô nhiễm từ bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM

Đa Phước tăng rác, dân thêm “vô phước”

Bãi rác Đa Phước được đưa vào hoạt động đến nay gần 10 năm. Dù chủ đầu tư (CĐT) luôn khẳng định bãi rác được áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại của Mỹ, nhưng những ai có dịp đến bãi rác hiện đại nhất của TP.HCM mới thấy được hết nỗi khổ của người dân nơi này. Đặc biệt, từ ngày lượng rác từ bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi) chuyển về đây, tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ngày 24/1, chúng tôi đến khu vực bãi rác Đa Phước. Từ Quốc lộ 50 rẽ vào một con đường nhỏ vào bãi rác khoảng 1,5km, nhưng đi được khoảng nửa đoạn đường, chúng tôi đã bị mùi hôi xộc vào mũi nồng nặc. Chúng tôi vào nhà của bà Tống Thị Ai (cách bãi rác khoảng 100m), nơi đây không chỉ có mùi hôi rất nặng mà nước khu vực xung quanh cũng chuyển sang màu đen. Dẫn chúng tôi ra ao cá sau nhà, bà Ai buồn bã: “Do nguồn nước ô nhiễm, mấy ngày nay lứa cá tra, rô phi, cá chép tôi mới thả chết gần hết. Năm nay coi như ăn Tết nghèo”. Theo bà Ai, nhiều hộ dân khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự từ khi có bãi rác Đa Phước.

Chị Trần Thị Mỹ Lệ (ấp 2, xã Đa Phước) cho biết: “Ngày nào chúng tôi cũng hít mùi hôi thối. Hai đứa con tôi từ lúc mới sinh đến nay đứa lớn đã 10 tuổi cứ thay nhau bệnh hoài, chủ yếu là bệnh đường hô hấp”. Điều đáng lo ngại, hiện nay, hầu hết người dân nơi đây đều sử dụng nước giếng khoan mà theo người dân, vừa qua nguồn nước này đã được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm và khẳng định là ô nhiễm. Người dân đang lo lắng dùng lâu ngày sẽ sinh bệnh, nhưng nơi đây chưa có nước máy.

Khổ hơn, gia đình chị Trần Ngọc Thu Hà (ở sát bãi chôn lấp rác), dù đã hơn 11g nhưng cửa vẫn đóng im ỉm. Thấy chúng tôi đến, chị Hà phân trần: “Đến 12g trưa tui mới dám mở cửa được vì giờ đó đỡ hôi nhất. Đến khoảng 16g lại phải đóng cửa tiếp vì là giờ bãi rác “xả” mùi ra". Theo chị Hà, mùi hôi nồng nặc đến nỗi có hôm bưng chén cơm chưa kịp ăn thì phải buông đũa vì nuốt không trôi. Ngoài ra, người dân nơi đây còn thường xuyên bị ruồi tấn công.

“Nhiều lúc ruồi nhiều như ong vỡ tổ, cơm vừa dọn ra chưa kịp ăn, cả chục con đã bu vào” - chị Hà cho biết.

Bức xúc trước cảnh thường xuyên phải ngửi mùi hôi, bệnh tật, ruồi nhặng, ô nhiễm nguồn nước… người dân đã nhiều lần chặn xe rác không cho vào đổ để yêu cầu CĐT giải quyết triệt để mùi hôi. CĐT hứa sẽ xử lý, nhưng rồi vẫn đâu vào đó.

Với lượng rác bãi rác Đa Phước đang tiếp nhận, xử lý hiện nay trung bình khoảng 4.200 tấn/ngày, người dân đã khổ như vậy. Vì vậy, khi nghe chúng tôi đề cập thông tin CĐT bãi rác xin tiếp nhận rác lên khoảng 10.000 tấn/ngày, hầu hết mọi người đều kêu: “Mới có bấy nhiêu rác đã ô nhiễm như vậy, nếu tăng thêm rác làm sao chúng tôi  sống nổi?”.

Chua nang cong suat bai rac, dan cung kho lam roi

Cá của bà Ai nuôi trong ao chết sạch do nguồn nước ô nhiễm

Bãi rác thành “mỏ vàng”  nhờ áp dụng công nghệ…cũ rích!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân VWS luôn muốn nhận thêm rác xử lý vì bãi rác Đa Phước đang là “mỏ vàng” cho CĐT khai thác. Họ càng nhận nhiều rác càng thu lợi cao.

Được biết, trước đây, bãi rác Đa Phước được UBND TP.HCM duyệt giá xử lý rác gần 17 USD/tấn. Giá này được áp dụng cho công nghệ xử lý rác gồm: chôn lấp, chế biến phân compost, nhà máy tái chế rác… Thế nhưng, những năm qua, VWS chủ yếu chỉ xử lý bằng công nghệ chôn lấp rác. Đây cũng là lý do người dân xã Đa Phước khốn khổ vì ô nhiễm từ bãi rác này.

Theo giáo sư Lê Huy Bá (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường), trong các công nghệ xử lý rác, công nghệ chôn lấp là tốn kém nhất, không hợp vệ sinh, về lâu dài gây ra rất nhiều mối nguy hại. Vì vậy, không thể xem đây là công nghệ xử lý rác hiện đại. Các nước trên thế giới hiện nay đã chuyển sang công nghệ tái chế, tái sử dụng, lượng rác chôn lấp rất ít. Chẳng hạn, ở Đức chỉ chôn lấp khoảng 3%, Hà Lan: 4%, Nhật: 5%... Lượng rác chôn lấp này là rác không thể tái chế được.

Chua nang cong suat bai rac, dan cung kho lam roi

Ruồi tuy giảm nhưng vẫn còn là "mối đe dọa" với các hộ dân

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, với công nghệ xử lý rác bằng cách chôn lấp, nhiều doanh nghiệp đang xử lý tại các bãi rác khác trên địa bàn TP như: Phước Hiệp, Gò Cát, Đông Thạnh… vẫn đang áp dụng, nhưng giá thành xử lý thấp hơn khoảng 3 USD/tấn so với VWS. Điều này đồng nghĩa mỗi năm ngân sách TP phải trả cho VWS cao hơn những doanh nghiệp đang xử lý rác cùng công nghệ khoảng 3 triệu USD. Như vậy, trường hợp bãi rác Đa Phước được tăng công suất tiếp nhận lên 10.000 tấn/ngày thì mỗi năm UBND TP phải trả thêm cho chủ đầu tư khoảng 10 triệu USD.

Theo tiến sĩ Phạm Sanh, việc để CĐT hưởng lợi trong xử lý rác là có phần lỗi lớn từ công tác quản lý nhà nước. Trong đó, Sở Tài nguyên môi trường là đơn vị tham mưu cho UBND TP đã thực hiện không tốt nhiệm vụ. Trước đây, những công nghệ xử lý rác mà VWS mang đến gồm: chôn lấp, tái chế. Trong đó, tái chế là công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, Sở Tài nguyên môi trường đã không lường trước được mức độ thành công của việc vận động người dân phân loại chất thải tại nguồn (cơ sở đầu tiên để tái chế rác) để đàm phán giá cả hợp lý với CĐT. Cuối cùng, việc phân loại rác tại nguồn thất bại. VWS lấy lý do không tái chế được rác nên chuyển sang mang rác đi chôn lấp hết. Trong khi đó, UBND TP đã ký hợp đồng nên phải “cắn răng” trả cho CĐT.

Theo ông Sanh, nếu TP đã lỡ ký hợp đồng “hớ” với CĐT thì nên mạnh dạn đàm phán lại để ngân sách nhà nước không phải “cháy túi” cho một công nghệ lạc hậu.

 PHAN TRÍ - HỒNG NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI