Chưa đến 50 năm, tài nguyên thế giới bị khai thác gấp 3 lần

23/11/2020 - 18:15

PNO - Theo báo cáo mới của chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, lượng tài nguyên con người khai thác đã tăng gấp ba lần kể từ năm 1970, làm đe dọa tính bền vững của môi trường.

Theo báo cáo mới của Liên Hiệp Quốc (UN), hơn 92 tỷ tấn vật liệu đã được khai thác từ Trái Đất vào năm 2017, một con số cho thấy nhu cầu về tài nguyên thô đã tăng lên đáng kể trong những thập kỷ gần đây.

Các vật liệu bao gồm sinh khối, chẳng hạn như gỗ và cây trồng làm thực phẩm, năng lượng và các vật liệu từ thực vật; nhiên liệu hóa thạch như than đá, khí đốt tự nhiên và dầu mỏ; kim loại như sắt, nhôm và đồng; khoáng sản phi kim loại gồm cát, sỏi và đá vôi.

Nhìn chung, từ năm 1970 đến 2017, lượng vật liệu khai thác từ Trái Đất trên toàn cầu đã tăng gấp ba lần, từ 27 tỷ tấn lên 92 tỷ tấn.

Khối lượng thương mại gia tăng với tốc độ nhanh hơn khối lượng các nguồn tài nguyên khai thác kể từ những năm 1950, qua đó cho thấy nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc nhiều vào thương mại vật liệu. Khoảng một phần ba trong số 92 tỷ tấn vật chất khai thác từ Trái đất vào năm 2017 được dùng để trực tiếp sản xuất hàng hóa cho thương mại.

Ngoài ra, quá trình sử dụng nguyên liệu thô - bao gồm khai thác, chế biến, sử dụng và thải bỏ các tạp chất - ảnh hưởng sâu sắc đến khí hậu của hành tinh.

Hoạt động khai thác bên trong mỏ đồng Codelco El Teniente, mỏ đồng ngầm lớn nhất thế giới gần khu vực Machali, Rancagua, Chile.
Hoạt động khai thác bên trong mỏ đồng Codelco El Teniente, mỏ đồng ngầm lớn nhất thế giới gần khu vực Machali, Rancagua, Chile

Vì vậy, thương mại có thể gây tổn hại đến môi trường bằng cách mở rộng sản xuất và sử dụng tài nguyên tổng thể, chuyển sản xuất sang các nước có luật pháp môi trường ít nghiêm ngặt hơn, đồng thời gia tăng sử dụng năng lượng và ô nhiễm liên quan đến vận chuyển hàng hóa.

Theo báo cáo, nhu cầu khoáng sản ngày càng tăng khi nhiều quốc gia chuyển sang trở thành nhà nhập khẩu ròng, với "rất ít" nước trở thành nhà xuất khẩu ròng. Úc và Nga là 2 quốc gia có lượng xuất khẩu tài nguyên lớn nhất thế giới trong năm 2017, đứng thứ ba là Mỹ; nhưng bản thân Mỹ cũng nằm trong top 3 nhà nhập khẩu tài nguyên nhiều nhất, cùng với Nhật và Trung Quốc.

Để bảo vệ Trái đất, các tác giả khuyến nghị thực hiện thế giới nên các chính sách như tăng cường liên kết giữa thương mại quốc tế và các khuôn khổ pháp lý về môi trường, đảm bảo rằng các hiệp định thương mại tiến tới một nền kinh tế khéo kín, bao gồm các nước đang phát triển và chủ động sử dụng các hiệp định thương mại khu vực để giảm nhu cầu về nguyên liệu thô sơ cấp.

Tấn Vĩ (theo ABC, UN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI