Chồng tôi vào tuyến đầu chống dịch

11/04/2020 - 16:30

PNO - Chồng tôi làm việc ở Trung tâm Quản lý cửa khẩu Lao Bảo. Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chồng tôi vắng nhà biền biệt.

Sáng đầu tuần, chồng tôi vẫn đi làm sớm như bình thường. Đến giữa trưa, tôi nhận được tin nhắn: “Anh đi cuối tháng mới về”. Nếu như mọi lần, tôi sẽ cáu kỉnh khó chịu với kiểu thông báo đột ngột thế này. Vì lịch làm việc có trước, sao không nói từ sáng mà đợi đến khi ra khỏi nhà mới báo tin. Nhưng lần này, tôi biết anh có lý do để làm vậy, anh sợ tôi biết trước rồi lo lắng cuống quýt cả lên. 

Chồng tôi làm việc ở Trung tâm Quản lý cửa khẩu Lao Bảo. Tùy yêu cầu công việc, mỗi tuần anh lên đó vài ngày rồi về làm việc ở trụ sở cơ quan gần nhà. Nhưng từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chồng tôi vắng nhà liên tục.

Cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 sẽ còn kéo dài và cần sự đồng lòng của mọi người
Cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 sẽ còn kéo dài và cần sự đồng lòng của mọi người

Anh không kể với tôi về việc tham gia chống dịch, chỉ đến khi tôi nhìn thấy hình ảnh đồng nghiệp gắn thẻ trên Facebook của chồng mới biết. Cơ quan anh phối hợp với hải quan, biên phòng để đón người về nước tránh dịch.

Nhìn cảnh cả ngàn người đợi chờ nhập cảnh, các lực lượng làm việc thâu đêm, tôi không ngủ được vì chồng mình đang ở đó. Cuối tuần, anh về nhà nhưng không ôm hôn chơi đùa với con như trước. Anh tự dọn đồ sang phòng nhỏ bên cạnh, mọi tiếp xúc đều giữ khoảng cách với cả nhà. 

Và đến bây giờ thì anh đi lâu hơn, ở hẳn trên đó để không ảnh hưởng đến gia đình. Tôi hiểu, anh sợ vợ biết lại hoảng hốt, chuẩn bị đùm đề đủ thứ nên cứ đi làm như bình thường. Và giờ thì những bữa cơm gia đình vắng anh trở nên lạc lõng, giữa đêm khuya một tiếng động nhỏ cũng làm ba mẹ con tôi giật mình. Tôi sống trong thấp thỏm, một nỗi lo mơ hồ cứ len lỏi trong tâm trí khi theo dõi tin tức về diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên toàn thế giới. 

Tôi không dám hỏi anh nhiều, chỉ nhắn tin dặn dò chồng cẩn thận. Anh bảo tôi lo xa quá, thỉnh thoảng lại gửi vài tấm hình để vợ biết tình hình trên đó thế nào. Lạ kỳ thay, xem những hình ảnh chồng gửi, tôi lại thấy những điều mình đang trải qua chẳng thấm vào đâu.

Hình ảnh bà mẹ trẻ ngồi bên lề đường cho con bú giữa đống hành lý ngổn ngang trong khi đợi xe chở về khu cách ly khiến tôi cay xè đôi mắt. Đứa bé đó chắc bằng tuổi con tôi nhưng đang phải cùng mẹ vượt hàng trăm cây số từ nước bạn về quê hương tránh dịch. Để về đến được cửa khẩu, hẳn hai mẹ con đã phải đón xe nhiều chặng.

Tôi không biết người mẹ đã phải xoay xở ra sao khi vừa bế con vừa mang hành lý nặng trĩu như thế. Từng hàng người xếp hàng dài lộ rõ sự mệt mỏi giữa trưa nắng của vùng biên để chờ làm thủ tục nhập cảnh rồi nhận cơm nước, khẩu trang từ lực lượng hỗ trợ.

Những người làm công tác chống dịch trong bộ đồ bảo hộ vẫn tích cực làm việc liên tục từ sáng đến tối khuya, từ hỗ trợ việc ăn uống, nắm danh sách sắp xếp xe về khu cách ly, xịt khử trùng các khu vực. Họ tranh thủ ngả lưng nghỉ ngơi ở ghế đá sau khi xe chở người nhập cảnh về khu cách ly xuất phát.

Những phút nghỉ mệt của lực lượng chức năng ở cửa khẩu

Trong số họ, nhiều người không về nhà trong một thời gian dài, một phần vì công việc, phần nữa để đảm bảo an toàn cho người thân. Chỉ khi nhìn thấy những hình ảnh đó, tôi mới thấm thía sự căng thẳng của việc phòng chống dịch bệnh COVID-19, nỗi vất vả chung của rất nhiều người.

Hằng ngày, tôi gửi những hình ảnh sinh hoạt của ba mẹ con, thường xuyên gọi điện video để cả nhà nói chuyện. Khác với những lần đi công tác trước của chồng, câu chuyện không còn những câu mè nheo đòi hỏi: “ba nhớ mua quà nhé”, “anh về sớm nghe”, thay vào đó là lời dặn dò “anh giữ gìn sức khỏe”, “ba cẩn thận nhé”…

Tôi hiểu cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 sẽ còn kéo dài và anh có thể xa nhà lâu hơn. Sống qua những ngày này, tôi mới thấm thía hạnh phúc chính là có cuộc sống bình yên thường ngày. Đó chỉ đơn giản là mỗi bữa cơm đầy đủ các thành viên, mỗi buổi sáng thức dậy cả nhà đều khỏe mạnh. Và đừng bao giờ cho mình khổ hơn người khác khi ở ngoài kia còn biết bao người lặng thầm ở tuyến đầu chống dịch. 

Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI