Chống sốc cho học sinh đầu cấp

16/09/2022 - 06:42

PNO - Cùng với học sinh lớp 10, học sinh lớp 1 và 6 cũng học theo chương trình mới.

Có con học lớp 1, chị Nguyên Thảo (quận Bình Thạnh, TPHCM) khá lo lắng bởi mới sang tuần thứ hai của năm học mà con chị đã phải tập viết từ ghép. Ở lớp lá, bé chưa rành mặt chữ, mặt số do có một thời gian ở nhà để phòng, chống dịch COVID-19. Khi vào lớp 1, cô dạy khá nhanh nên bé theo không kịp. Bé chưa kịp quen mặt chữ đã phải học ghép vần, tập viết từ đơn, từ ghép. Bé cũng thường xuyên bị cô chê viết chậm, không đúng nét, sai ô ly. Sau khi học 2 buổi ở lớp, buổi tối, bé lại phải tiếp tục tập viết nên tâm trạng uể oải, không thích đi học. 

Học sinh đầu cấp thường bỡ ngỡ, vì thế phụ huynh không nên gây áp lực mà cần tạo tâm lý thoải mái, không để các em sợ hãi việc học (trong ảnh: Học sinh lớp Một Trường tiểu học Bình Phước, cơ sở Bà Xán (H.Cần Giờ), năm học 2022-2023) - ẢNH: TAM NGUYÊN
Học sinh đầu cấp thường bỡ ngỡ, vì thế phụ huynh không nên gây áp lực mà cần tạo tâm lý thoải mái, không để các em sợ hãi việc học (trong ảnh: Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Bình Phước, cơ sở Bà Xán (huyện Cần Giờ), năm học 2022-2023) - Ảnh: Tam Nguyên

Cô Trần Thảo Nguyên - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận 5, TPHCM) - cho hay đa số học sinh lớp 1 đều bỡ ngỡ trong giai đoạn đầu, khi chuyển từ môi trường vui chơi sang môi trường học tập nghiêm túc. Do đó, phụ huynh cần ở bên cạnh hỗ trợ các em. Để chống sốc cho học sinh lớp 1, mỗi dịp hè, nhà trường đều tổ chức chương trình “Ngôi trường tiểu học của em” cho học sinh lớp lá để các em làm quen với trường, lớp; giáo viên cũng yêu cầu phụ huynh chủ động trang bị một số kiến thức, kỹ năng cho học sinh. 

Theo cô Trần Thảo Nguyên, với những học sinh chưa theo kịp bạn bè trong giai đoạn đầu, phụ huynh không nên gây áp lực mà cần tạo tâm lý thoải mái, không để các em sợ hãi việc học. Để tạo hứng thú và giúp học sinh bớt bỡ ngỡ, giáo viên dạy lớp 1 có nhiều phương pháp như cho học sinh xem video kỹ năng sống, bố trí góc sáng tạo riêng cho các bé trong giờ ra chơi như tô màu, chơi tranh cát, chơi xếp gỗ, chơi lắp hình, lắp chữ. Chương trình lớp 1 mới tuy khá nặng so với chương trình cũ nhưng nếu giúp học sinh chuẩn bị trước những kiến thức cơ bản, kỹ năng cá nhân thì chỉ sau một tháng đầu, các em có thể nắm bắt rất nhanh.

Đối với học sinh lớp 6, thầy Nguyễn Vi Tường Thụy - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TPHCM) - cho rằng đây là năm thứ hai thực hiện chương trình giáo dục mới đối với lớp 6 nên nhà trường và thầy cô đã có kinh nghiệm tổ chức, giảng dạy. Tuy nhiên, đối với học sinh, đây vẫn là năm đầu tiên học theo chương trình và cách giảng dạy mới. Chưa kể, các em còn chuyển từ cấp tiểu học sang THCS với rất nhiều thay đổi: trường mới, bạn mới, học với nhiều thầy cô bộ môn. Do đó, nhà trường bố trí những giáo viên trẻ, tâm huyết làm chủ nhiệm lớp Sáu. Giáo viên hỗ trợ các em về nhiều mặt để các em hòa nhập tốt nhất trong giai đoạn đầu cấp.

Phạm Luận

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI