Chồng khó sống với cách vợ chống dịch

17/08/2020 - 16:15

PNO - Từ ngày có dịch COVID-19, tôi bị vợ kiểm soát đến mức thấy… “khó sống” quá.


Kính gửi chị Hạnh Dung,
Vợ em mắc “bệnh sạch” từ xưa rồi, từ ngày có dịch COVID-19, cả nhà càng “bị kiểm soát” đến mức thấy… “khó sống” quá.

Suốt ngày cô ấy quần quật làm vệ sinh nhà cửa, tuyệt đối không cho chồng con ăn hàng quán gì nữa. Đi xe buýt, taxi cô kêu “cái hộp kín không được đi”. Giày dép về đến nhà là đem phơi nắng hết.

Thấy em đi làm, con đi học về là cô bắt rửa tay, giặt ngay khẩu trang vải đem phơi nắng. Không được đi ăn cưới giỗ chạp gì ở nhà ai nữa. Thực phẩm đi mua ở chợ về cô cũng rửa kỹ, nấu nhừ. Cô buộc các con ở nhà, bỏ hết các lớp học kỹ năng, hội họa, nghệ thuật.

Em bảo, chống dịch là tốt, là đúng, nhưng còn nơi nào an toàn thì nơi đó phải lo làm việc gấp đôi để bù cho những vùng bị đóng cửa cách ly. Nhà nước cũng kêu gọi vừa chống dịch vừa chống suy thoái kinh tế, chứ nếu như cô ấy, co lại hết thì chưa chết vì dịch bệnh đã chết vì đói.

Cô ấy nói em chủ quan, “chúa ẩu” và “không biết lo”. Thấy em bình tĩnh cô ấy bảo “vô cảm thấy ghét”.

Rồi ngày nào đến bữa ăn là cả nhà lại nghe giảng “y học thường thức” mệt quá! Cô ấy còn xem Facebook của bạn (là trí thức hẳn hoi - khuyên nên mua trữ thuốc Hydrochloroquine gì đó) và bảo em đi mua đề phòng xa.

Cứ kệ như không nghe hay là nói cô ấy bớt lại cho cả nhà nhờ hả chị? Vì đến bữa tụi nhỏ có đứa lấy đồ ăn rồi đem bát vào phòng ăn, chứ không chịu ngồi chung bàn ăn với cả nhà. Được ngày nghỉ thì cả nhà phải lao động dọn dẹp mệt đứt hơi.

Phạm Thy (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Suốt ngày vợ quần quật làm vệ sinh nhà cửa. Ảnh minh họa


Gửi anh Phạm Thy,

Vì bây giờ cả loài người còn chưa tìm ra thuốc chữa lẫn vắc-xin - báo The Guardian còn có bài lấy tít Chúng ta đang chiến đấu với một… con ma - nghĩa là sau hơn nửa năm, việc chiến thắng COVID-19 còn rất mong manh - nên tất cả chúng ta phải thận trọng. Các biện pháp vệ sinh chưa bao giờ được chú ý và cần thiết như lúc này.

Vì vậy nên hoan nghênh cô ấy đã dọn dẹp, giữ vệ sinh cũng rất mệt và tốn công sức, không phải ai cũng làm được. Nhưng chúng ta cũng phải “cảnh giác” với nỗi lo sợ thái quá - như cách đọc Facebook để tin tưởng và học theo ai đó đi mua thuốc trữ.

Xung quanh thuốc “sốt rét” đã nảy ra nhiều cuộc tranh cãi, thậm chí có quốc gia nam Mỹ nhận được hỗ trợ từ Mỹ hơn hai triệu liều thuốc sốt rét đó, đã quyết định đem hủy. Điều này cho thấy, khi chưa có kết luận chính xác thì chúng ta không nên mạo hiểm dùng.

Giữ vệ sinh theo khuyến cáo của ngành y tế như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, vệ sinh ăn uống và chú ý giãn cách - đó là tất cả những gì loài người thực hành hiện nay.

Cái gì thái quá cũng không tốt. Ngay câu “ở bẩn sống lâu” nghe rất phản khoa học, mà người ta cũng còn xem xét nó dưới khía cạnh khả năng “miễn dịch” kiểu như con em vùng nghèo khó, miền sâu vùng xa trong các hoàn cảnh vệ sinh không tốt, nó lại có sức chống đỡ tốt hơn các “cậu ấm cô chiêu” được úm quá kỹ trong các gia đình giàu có.

Ta vẫn thấy ngày rét như cắt, trẻ miền núi phong phanh vẫn cầm cự tốt hơn cậu ấm mặc áo dày cui nhưng ra gió một tí là viêm họng. (Xin đừng hiểu theo nghĩa chúng ta biểu dương sự phong phanh).

Vì vậy, ngay chính sách nhà nước là ở đâu còn yên ổn thì cố giữ phòng, chống và làm việc tích cực, sản xuất, học hành, đừng để đất nước kiệt quệ.

Đừng chê bai hay phản ứng gì cô ấy. Hãy nghĩ ra những hoạt động hợp lý, vừa sức và điều quan trọng nhất là cùng sống trong tình thương mến. Sự bình an về mặt tinh thần cũng là “thuốc phòng bệnh” rất hiệu quả. 

Tôi nghĩ chính cô ấy cũng hiểu và cũng cần được bình an trong tư duy tích cực.
Chúc cả nhà an vui.

HẠNH DUNG

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI