Chồng chê vợ... yếu thần kinh

03/11/2020 - 15:58

PNO - Anh nói em mắc bệnh “tăng động hại thần kinh”. Làm như đời này... toàn kẻ cắp đang lởn vởn xung quanh vậy.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Thời buổi thông tin tràn ngập mà em thấy chồng em rất... lạ. Ảnh “chai lì” trước các tin tức nóng bỏng trên truyền thông và mạng xã hội. Lại còn bảo em “tăng động hại thần kinh” khi em đem nhiều tin tức hay và lạ về phổ biến cho cả nhà.

Có nhiều bữa em chỉ đem tin hay, tin phấn khởi về, ảnh cũng bảo em hãy... mặc kệ, lo việc của mình đi. Anh còn nói em hay đi chùa, nghe giảng pháp mà tâm lúc nào cũng bận rộn thế thì tu tập làm gì cho mất công. Khi có tin tức dịch bệnh, trộm cắp lừa đảo kiểu mới, em lo kiểm tra cửa nẻo, nhắc nhở bạn bè, người thân phòng tránh thì anh bảo em sao cái gì cũng... sợ, thần kinh yếu.

Anh hay phê bình em là “mắc bệnh sang chảnh”, bệnh lo chuyện bao đồng ngoài xã hội - trong nhà vẫn bình thường chứ có gì đâu mà lúc nào em cũng lo. Làm như đời này... toàn kẻ cắp đang lởn vởn xung quanh vậy.

Hôm rồi em bàn với ảnh gia cố cái cổng nhà cho chắc thì anh không đồng ý, bảo làm thế nó xấu hẳn ngôi nhà. Rồi lại quay sang chê cái bệnh “sang chảnh” của em. Mà khu nhà em ở còn khá vắng, rộng bao la, đất xung quanh đã có chủ nhưng chỉ xây tường bao chứ chưa có người đến ở. Tối đến là em lại sợ chị ạ. Nhiều khi lo âu, em còn khóc một mình mà không thể chia sẻ với anh.

Không lẽ em cứ ôm mối lo một mình sao chị?

Phạm Kim Ngân (Đồng Nai)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Kim Ngân thân mến,

Cẩn thận kẻo bạn mắc căn bệnh “rối loạn lo âu xã hội”.

Nhiều người hay lo sợ quá mức trước các sự kiện, hiện tượng mà với người khác thì rất bình thường, nhưng họ lại bị ám ảnh. Các nhà khoa học còn phân tích rằng, những người như thế thường thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh - gọi nôm na là “hoóc-môn hạnh phúc”.

Nói vậy để bạn tìm hiểu thêm - vì tôi không phải bác sĩ - chứ không có ý làm bạn… sợ hơn. Tôi chỉ nhắc bạn về một căn bệnh người ta gọi là “rối loạn lo âu xã hội”. Bởi cuộc sống ngày nay có quá nhiều mối lo. Bệnh dịch COVID-19 là một yếu tố không chỉ tác động đến kinh tế, chính trị, xã hội mà còn làm tăng những căn bệnh rối nhiễu tâm lý.

Bạn đang theo đuổi các hoạt động như đi chùa, nghe giảng pháp, điều đó rất tốt. Đây cũng là một cách “tự sửa mình”, an dưỡng tâm hồn và cảm xúc một cách khoa học, chứ không chỉ là niềm tin tôn giáo như nhiều người nghĩ. Hãy xem những lời chê bai của anh ấy như một sự nhắc nhở, vì bạn đang thực hiện “thiếu hiệu quả” - bằng chứng là vẫn cứ lo âu.

Người ta thường khuyên cách tốt nhất và khoa học nhất để trị bệnh lo âu là nên chơi thể thao, tập trung vào mối quan tâm thấu hiểu của bản thân, sử dụng các giác quan, làm những điều mình yêu thích như nghe nhạc, nấu ăn… Nhưng có lẽ bạn nên tiết chế mối quan tâm đọc, nghe, đặc biệt là những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.

Để chồng đồng cảm và chia sẻ cùng bạn những điều bạn đang quan tâm, hãy lựa lúc vợ chồng bên nhau, tâm sự với anh về mối lo của bạn, hỏi anh có thể lý giải mối lo ấy như thế nào, vì sao anh không sợ điều bạn đang sợ, anh có bí quyết gì để vượt qua nỗi sợ đó, anh có cách gì để giúp bạn không còn nỗi sợ đó nữa…

Nếu không phải “tranh cãi”, mà chỉ là bạn muốn giãi bày nỗi lo - như một hiện tượng sức khỏe của bản thân, muốn được nương tựa an ủi, thì có lẽ anh ấy sẽ dễ dàng thông cảm với bạn hơn. Còn nếu để anh thấy nỗi lo của bạn là vớ vẩn, thì vợ chồng bạn sẽ rất dễ tiếp tục cãi nhau hoặc bỏ mặc, vì anh ấy không thấy có vấn đề gì phải bận tâm.

Chúc bạn bình tĩnh và bớt lo lắng.

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchianhungnoiniemvi /strCate=chianhungnoiniem

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchuyenphongthevi /strCate=chuyenphongthe
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhototamsuvi /strCate=nhototamsu