Cho học sinh trở lại trường: Không nên chần chừ nữa

07/02/2022 - 13:16

PNO - Mặc dù nhiều phụ huynh còn đắn đo, băn khoăn khi học sinh mầm non, tiểu học đi học trở lại, do độ tuổi này chưa được tiêm chủng. Song, các chuyên gia khuyến cáo, không nên chần chừ bởi trẻ đã ở nhà quá lâu và đối diện với nhiều rủi ro hơn so với việc có thể nhiễm COVID-19.

Phụ huynh vẫn còn tâm tư

Có hai con nhỏ đều đang học bậc tiểu học và mầm non, chị Hoàng Linh (huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội) “mừng rơn” khi nghe thông tin học sinh (HS) ở tất cả cấp học chuẩn bị đến trường trở lại. Bởi hơn một năm qua, gia đình chị luôn trong tình trạng “căng như dây đàn” do mọi lịch trình, sinh hoạt bị đảo lộn.

“Trong khi hai vợ chồng đều phải đi làm, không có ông bà hay người giúp việc, cậu con trai tôi phải ở nhà học một mình, tự xoay xở bữa trưa sau khi mẹ đã chuẩn bị sẵn một ít đồ ăn. Con thứ hai của tôi cũng phải gửi tới một nhóm trẻ tự phát. Tuy nhiên, mỗi khi lớp học có “sự cố” như xuất hiện F1, F0, chúng tôi lại phải thay nhau nghỉ làm để trông con, ảnh hưởng rất lớn tới công việc”, chị than thở. 

 

Trường tiểu học Thăng Long (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) được khử khuẩn, làm vệ sinh môi trường để chuẩn bị đón học sinh quay lại trường - ẢNH: BẢO KHANG
Trường tiểu học Thăng Long (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) được khử khuẩn, làm vệ sinh môi trường để chuẩn bị đón học sinh quay lại trường - Ảnh: Bảo Khang

Đặc biệt, giống như nhiều HS đang học online, dù mới học lớp Hai, song con trai chị đã bắt đầu nghiện chơi game cũng như các thiết bị vi tính. Dù đã lắp camera, cài các phần mềm theo dõi nhưng không ít lần, giáo viên cũng như gia đình phát hiện con chơi điện tử ngay trong giờ học. Nhiều môn học, con hoàn toàn không ghi chép, làm bài tập. Áp dụng đủ hình thức, từ nhẹ nhàng bảo ban tới răn đe, thậm chí kỷ luật, viết hàng trăm bản kiểm điểm... nhưng tới nay, gia đình chị vẫn không khỏi đau đầu vì chỉ cần chút lơ là, không theo sát camera, cậu con trai lại lập tức xem điện thoại, chơi game.

Theo thông tin mới nhất từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, từ ngày 10/2, toàn bộ HS tiểu học tại 18 huyện, thị ngoại thành đi học trở lại. 12 quận nội thành tiếp tục học theo hình thức trực tuyến. Như vậy, con của chị Linh cũng nằm trong danh sách HS được tới trường. Đây là một tin vui để gia đình chị có thể quay trở lại trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, chị cũng lo lắng, trong bối cảnh dịch bệnh của Hà Nội đang hết sức phức tạp, số ca mắc và tử vong liên tục đứng đầu cả nước, nguy cơ trẻ có thể lây nhiễm bệnh rất cao. Cùng với đó, việc học trực tiếp liệu có “bền vững” hay thường xuyên phải ở nhà vì xuất hiện các ca mắc trong trường học? 

Tại nhiều diễn đàn, đây cũng là vấn đề được đưa ra bàn cãi. Không ít phụ huynh khẳng định sẽ không cho con đi học vì lý do trẻ chưa được tiêm vắc xin. Nhiều phụ huynh đề xuất nên đợi Bộ Y tế triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ năm tuổi, sau đó mới tính tới phương án cho trẻ tới trường để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, có ý kiến lo lắng, sau thời gian nghỉ tết, người dân đi lại, tụ tập nhiều nên nguy cơ bùng phát dịch vô cùng lớn, do vậy, cần đợi thêm thời gian để đánh giá chính xác tình hình dịch, tránh việc lây lan dịch bệnh, trẻ vừa đi học đã phải nghỉ ở nhà. 

Không nên chờ tiêm vắc xin mới cho trẻ đi học

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, phó giáo sư - tiến sĩ (PGS - TS) Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng (Bộ Y tế), khẳng định quyết định cho trẻ em đi học trở lại, thay vì học online kéo dài như trước đây là điều cần thiết và không nên chậm trễ. Bởi theo ông, có ba lý do.

Thứ nhất, thực tế đã cho thấy, trường hợp trẻ em mắc COVID-19 thường nhẹ, triệu chứng không nặng, nhanh khỏi bệnh.

Thứ hai, Việt Nam hiện đã có kinh nghiệm về xử lý dịch, khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, sẽ không bắt buộc đóng cửa toàn bộ trường học mà xử lý theo quy mô của từng lớp, từ đó khiến việc học không bị gián đoạn, đồng thời không gây ảnh hưởng, tâm lý hoang mang cho HS, giáo viên và phụ huynh.

Thứ ba, chúng ta đã có đầy đủ hướng dẫn, phối hợp giữa nhà trường - gia đình - y tế để xử lý tốt hơn.

PGS - TS Trần Đắc Phu cũng lưu ý, lây nhiễm COVID-19 trong trường học không phải là yếu tố, nguy cơ duy nhất, cao nhất đối với trẻ bởi hiện nay phụ huynh đã đi làm, nhịp sống đang dần trở lại bình thường… nên trẻ có thể mắc từ nhiều nguồn khác nhau, lây nhiễm từ cha mẹ, người thân trong gia đình. Đặc biệt, như đã phân tích về ba yếu tố để có thể cho trẻ quay trở lại trường học, vị chuyên gia khuyên các bậc phụ huynh cần cân đối rủi ro giữa việc mắc COVID-19 và không cho trẻ tới trường.

“Thời gian qua, chúng ta đã phải đối mặt với rất nhiều hệ lụy từ việc trẻ không tới trường như trầm cảm, nghiện game, gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ COVID-19 của Việt Nam đã cao, những đối tượng nguy cơ như người già, người mắc bệnh nền đều đã và đang được bao phủ mũi ba… Do đó, có nhiều yếu tố để khi so sánh chúng ta thấy rằng, có nhiều rủi ro hơn nếu như cứ tiếp tục giữ trẻ ở nhà”, PGS - TS Trần Đắc Phu phân tích.

Hiện nay, Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ mua vắc xin COVID-19 cho trẻ, tuy nhiên, theo PGS - TS Trần Đắc Phu, sẽ còn cần thời gian, cần thêm dữ liệu để khẳng định mức độ an toàn. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mới đây cũng khẳng định, dù đã lên kế hoạch song không thể nóng vội, mà phải đi từng bước chắc chắn, đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ. Vì vậy, PGS - TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: “Phụ huynh không nên đợi chờ tiêm vắc xin mới cho trẻ đi học. Tới nay, chúng ta đã chậm mấy nhịp rồi”. 

Đồng quan điểm trên, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cũng cho rằng đã đến lúc để cho trẻ trở lại trường học mà không cần băn khoăn, lo lắng. Theo ông, do trẻ em là đối tượng bị tác động nhẹ khi mắc COVID-19 nên chỉ cần người lớn đã tiêm đủ ít nhất hai mũi vắc xin thì trẻ em có thể đến trường, không cần đợi bản thân các em phải được tiêm ngừa. 

Minh Quang
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI