Chính phủ tìm cách giải tỏa hàng hóa ùn tắc ở biên giới

25/02/2022 - 20:01

PNO - Chiều 25/2, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp trực tuyến với các bộ, địa phương bàn giải pháp xử lý hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu biên giới.

Theo báo cáo của Sở Công thương các tỉnh biên giới phía bắc, đến 8g ngày 24/2 có 3.728 xe chờ xuất khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, trong đó, tại Lạng Sơn là 1.764 xe, tại Quảng Ninh là 1.584 xe, tại Lào Cai là 300 xe, tại Cao Bằng là 80 xe.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết tình trạng ùn tắc chủ yếu do Trung Quốc kiên trì chính sách "Zero COVID", từ đó áp dụng các biện pháp mạnh chưa từng có để phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, tại thời điểm trước và sau tết Nguyên đán, năng lực bốc dỡ phía Trung Quốc cũng có phần hạn chế do công nhân bốc vác về quê ăn tết, số lao động đã trở lại thì vẫn trong thời gian cách ly.

Trong khi đó, mặc dù các bộ, ngành và các tỉnh biên giới đã liên tục khuyến cáo, lượng xe chở hàng hóa lên các cửa khẩu biên giới vẫn liên tục tăng.

Phó thủ tướng chủ trì họp trực tuyến với các bộ, địa phương, tìm cách giải quyết tình trạng hàng hóa ùn tắc ở biên giới - Ảnh: VGP
Phó thủ tướng chủ trì họp trực tuyến với các bộ, địa phương, tìm cách giải quyết tình trạng hàng hóa ùn tắc ở biên giới - Ảnh: VGP

Ông Trần Quốc Khánh đề xuất UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai có thể bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để tiến hành khử khuẩn cho hàng hóa và phương tiện cũng như lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho lái xe (trong trường hợp cần thiết) tại các bãi này.

"Các phương tiện và lái xe đã được hai bên xác nhận âm tính có thể đi thẳng qua biên giới để vào bãi sang tải, không phải qua khử khuẩn hoặc xét nghiệm lần 2 nữa", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Cùng với đó, các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa là tuyệt đối an toàn, theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, từ đó giúp các bên liên quan mở và duy trì bền vững việc mở lại các cửa khẩu. "Cần chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Một số ý kiến tại cuộc họp cho rằng, trước mắt, cần có quy trình hợp tác giao nhận mà hai bên cùng thống nhất, trên cơ sở tăng cường kiểm soát dịch bệnh bởi chỉ cần có ca dương tính COVID-19 là sẽ phải dừng toàn bộ hoạt động thông quan để tiến hành khử trùng cũng như các biện pháp phòng dịch. Điều này sẽ ảnh hưởng tới thời gian thông quan.

Theo Phó thủ tướng, những chính sách đã triển khai thời gian qua là kịp thời, nhưng chưa thực sự căn cơ, chưa giải quyết tận gốc của vấn đề, chưa khắc phục triệt để tình trạng ùn tắc hàng hóa, trong đó đa số là nông sản, tại các khu vực cửa khẩu.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc tích cực triển khai các giải pháp đã có như đẩy mạnh thông tin về tình trạng ùn tắc, chủ động hạn chế phương tiện dồn về cửa khẩu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan phía bạn để đẩy nhanh tốc độ thông quan, Phó thủ tướng nhất trí với đề xuất của Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương tại cuộc họp; yêu cầu UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai "khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ, phối hợp với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc để thiết lập mô hình vùng xanh chung của hai nước".

"Bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để cùng tiến hành khử khuẩn cho hàng hóa và phương tiện, cũng như lấy mẫu xét nghiệm cho lái xe", Phó thủ tướng nói rõ thêm. Các phương tiện và lái xe đã được hai bên xác nhận âm tính có thể đi thẳng qua biên giới để vào bãi sang tải, không phải qua khử khuẩn hoặc xét nghiệm lần 2. Đây là giải pháp được đánh giá phù hợp, có thể rút ngắn đáng kể thời gian thông quan so với hiện nay.

Về dài hạn, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Quốc phòng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương khẩn trương thành lập tổ nghiên cứu chính sách, trong vòng 15 ngày trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách quy định rõ về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu tiểu ngạch để thống nhất thực hiện; đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản hiện đang chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI