Chích vắc-xin thay thế Quinvaxem: Giá cả chênh, tư vấn rối

20/06/2013 - 07:29

PNO - PN - Một tháng rưỡi qua, sau khi Cục Quản lý dược, Bộ Y tế thông báo ngừng tiêm vắc-xin Quinvaxem trên toàn quốc, nhiều phụ huynh hoang mang tìm vắc-xin thay thế. Thế nhưng, tại TP.HCM, mỗi cơ sở y tế lại tư vấn cho phụ huynh một cách,...

Mỗi nơi tư vấn mỗi kiểu

Chiều 17/6, khi chúng tôi đưa con gái bốn tháng tuổi đi chích vắc-xin Quinvaxem (phòng năm bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan siêu vi B, viêm màng não do vi-rút Hib) thì được nhân viên Khoa Khám bệnh trẻ em lành mạnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - tư vấn: “Vắc-xin Quinvaxem chích miễn phí của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã ngưng sử dụng và chưa biết khi nào mới triển khai chích lại. Do đó, anh có thể thay thế bằng hai loại vắc-xin dịch vụ là dạng “5 trong 1” Pentaxim (ngừa năm bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib) hoặc dạng “6 trong 1” Infanrix-hexa (ngừa sáu bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B, viêm màng não mủ do Hib)".

Tuy nhiên khi chúng tôi tìm đến phòng khám nhi khoa Nancy (Q.5), nhân viên ở đây lại khuyên: “Anh cho cháu chích loại “6 trong 1” Infanrix-hexa, còn nếu chích loại Pentaxim thì phải chích thêm mũi vắc-xin ngừa viêm gan siêu vi B, mất thời gian. Hơn nữa, nếu chích loại “5 trong 1” mà chích thêm viêm gan siêu vi B thì số mũi tiêm nhiều hơn, rủi ro khi tiêm chủng sẽ cao hơn".

Trong khi đó, phòng tư vấn tiêm chủng của Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì từ chối chích vắc-xin dạng dịch vụ. BS ở đây giải thích: “Cách đây ba tuần, Bộ Y tế đã ra văn bản yêu cầu các cơ sở không chích vắc-xin dịch vụ cho các bé đã từng chích ngừa Quinvaxem. Trường hợp con của anh đã chích hai mũi Quinvaxem, bây giờ muốn chích mũi thứ ba thì phải chờ đến khi có vắc-xin Quinvaxem trở lại. Trong trường hợp, phụ huynh khai dối là trẻ chưa bao giờ chích Quinvaxem thì chúng tôi sẽ chích lại từ đầu ba mũi vắc-xin dịch vụ, nhưng nếu có rủi ro thì phụ huynh đó phải tự chịu trách nhiệm. Vì nếu đã chích Quinvaxem rồi mà chích thêm ba mũi vắc-xin dịch vụ nữa thì liều lượng tăng cao, có thể gây ra phản ứng thuốc”.

Chị Lê Thị Huệ (ngụ Q.Thủ Đức) lo lắng: “Đến ngày chích vắc-xin miễn phí nhưng cô y tá ở P.Bình Thọ thông báo hết thuốc. Tôi đưa con lên Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức thì nơi này cho biết không có vắc-xin chích ngừa cho trẻ. Gần hết nửa ngày, chúng tôi lại đưa con sang Trung tâm Y tế dự phòng Q.Thủ Đức thì nơi này cho biết, chỉ chích duy nhất loại “6 trong 1” thay thế”. Trường hợp của chị Trần Thị Ái Phương (ngụ Q.1) cũng tương tự. Khi ở phường thông báo không có vắc-xin phòng ngừa, chị đã đưa con lên Bệnh viện đa khoa Sài Gòn tiêm chủng, nhưng nhân viên y tế cho biết, cơ sở này không thực hiện chích ngừa và hướng dẫn sang Viện Pasteur TP.HCM (Q.3).

Chich vac-xin thay the Quinvaxem: Gia ca chenh, tu van roi

Phụ huynh đóng tiền chích vắc-xin cho con

Nhân viên y tế cũng rối

Có một thực tế: vắc-xin dịch vụ Pentaxim và Infanrix-hexa mỗi nơi mỗi giá. Hầu hết các cơ sở y tế công lập đều niêm yết giá rõ ràng cho khách tham khảo, trong khi nhiều cơ sở tư thu phí rất cao lại không niêm yết bảng giá. Nếu như tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định giá một mũi vắc-xin “6 trong 1” chỉ 600.000đ, Trung tâm Y tế Dự phòng Q.9 là 644.000đ, Bệnh viện Q.Bình Thạnh là 650.000đ thì tại phòng khám Nhi khoa Nancy lên đến 740.000đ. Riêng loại vắc-xin “5 trong 1” đã được nhiều cơ sở điều chỉnh, ở BV Từ Dũ là 572.000đ (trước đây là 555.000đ), Bệnh viện Nhi Đồng 2 là 577.000đ (trước là 560.000đ), Trung tâm Dinh dưỡng là 622.000đ (trước là 603.000đ).

BS Tống Thanh Sơn, Khoa Khám bệnh trẻ em lành mạnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, với những trẻ đã chích ngừa vắc-xin miễn phí của Chương trình tiêm chủng mở rộng, nếu muốn chuyển sang chích mũi tiếp theo bằng vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” hoặc “6 trong 1” vẫn không ảnh hưởng đến sức khỏe. Thời gian vừa qua, nhiều phụ huynh đã đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 chích ngừa vắc-xin dịch vụ thay cho Quinvaxem. Phụ huynh cũng có thể chọn phương án chờ chích lại vắc-xin Quinvaxem, vì mũi tiêm Quinvaxem kế tiếp có thể gián đoạn đến vài tháng, vẫn không làm giảm hiệu quả của vắc-xin.

Một bác sĩ chuyên về y tế dự phòng cho rằng, không chỉ có người dân mà ngay cả nhân viên y tế cũng rối khi tư vấn tiêm ngừa. Nguyên nhân do quy định chích hay ngừng vắc-xin dịch vụ và vắc-xin Chương trình tiêm chủng mở rộng lại thuộc hai cơ quan quản lý khác nhau. Theo quy định trong ngành, Cục Y tế dự phòng quản lý về vắc-xin dịch vụ; trong khi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương quản lý vắc-xin Chương trình tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, vào ngày 14/5 qua, khi ông Nguyễn Trần Hiển, Trưởng ban Quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương gửi văn bản yêu cầu “các cơ sở y tế không sử dụng vắc-xin khác thay thế vắc-xin Quinvaxem và chờ đợi hướng dẫn tiếp tục của Bộ Y tế và Dự án tiêm chủng mở rộng” thì nhân viên của Chương trình tiêm chủng mở rộng đã không tiêm vắc-xin khác cho trẻ. Do đó, nếu nhân viên Bệnh viện Nhi Đồng 1 không cho người bệnh chích vắc-xin dịch vụ cũng không sai.

 Văn Thanh - Ngọc Huệ

Theo BS Tống Thanh Sơn, ngay sau khi chích vắc-xin, phụ huynh phải để trẻ ở lại cơ sở tiêm ngừa 30 phút để theo dõi các phản ứng sau tiêm. Nếu về nhà, trẻ có biểu hiện cấp tính sau chích như: tím tái, khó thở, co giật, ói nhiều, nổi đỏ ở da toàn thân. Hoặc trẻ bỏ ăn hơn ba giờ, sốt trên hai ngày hay gặp những bất thường khác phải đưa trẻ trở lại bệnh viện.

Dự kiến hôm nay (19/6), Hội đồng tư vấn chuyên môn về vắc-xin và tiêm chủng của Bộ Y tế sẽ họp để quyết định có sử dụng lại vắc-xin Quinvaxem hay không.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI