Chạy đua với thời gian để bảo vệ tường cổ 400 tuổi

02/08/2020 - 07:07

PNO - Một bức tường cổ 400 tuổi chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử tại Jakarta đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ vì nhiều tác động.

Nỗ lực giữ nhân chứng lịch sử

Năm ngoái, nhà khảo cổ học Candrian Attahiyat hoảng hốt khi nghe tin chính quyền thành phố Jakarta lên kế hoạch mở rộng dòng sông Ciliwung,

Một phần của dòng sông chảy qua khu vực di sản Jakarta. Phần mở rộng của con sông sẽ tạo nên tuyến đường thuỷ rộng 15 mét, đe doạ bức tường cổ do Công ty Đông Ấn Hà Lan xây dựng hồi năm 1620. Hiện chỉ còn khoảng 500m trên tổng số 4,6km chiều dài bức tường còn tồn tại.

Một phần bức tường vẫn trong hiện trạng tốt, những phần khác chịu tác động của sụt lún, con người xâm hại… Ở một đoạn, 2/3 của bức tường cao 8m đã chìm hẳn dưới mực nước biển. Jakarta là một trong những khu vực có tỉ lệ sụt lún tồi tệ nhất trên thế giới do khai thác quá mức mạch nước ngầm. 

Nhà khảo cổ học Candrian Attahiyat đi dọc theo một phần bức tường vẫn còn tồn tại
Nhà khảo cổ học Candrian Attahiyat đi dọc theo một phần bức tường còn tồn tại

Nhưng mối đe doạ lớn nhất của các bức tường là sự phát triển của đô thị hiện đại. Trong suốt chiều dài lịch sử, bức tường đã bị phá huỷ để nhường chỗ cho nhà ở, cao ốc, đường sắt, đường bộ có thu phí...

Ông Candrian Attahiyat cho biết đang cùng một số nhà khảo cổ khác chạy đua với thời gian để phần còn lại của bức tường được công nhận là khu vực cần bảo tồn.

“Hiện tại, chúng tôi tác động để tạm dừng một số dự án có thể làm ảnh hưởng đến bức tường. Tuy nhiên, điều chúng tôi cần nhất là bức tường được công nhận là địa điểm di sản, bởi chính quyền trong tương lai có thể không quá quan tâm đến sự tồn tại của chúng” - ông nói với Channel News Asia.

Nhiều phần của bức tường đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của thiên nhiên và tác động của con người
Nhiều phần của bức tường bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của thiên nhiên và con người

Sau một năm lên tiếng, hiện các nhà khảo cổ chỉ có thể tác động chính quyền tạm hoãn kế hoạch mở rộng sông Ciliwung, chứ không thể huỷ bỏ. Ông Candrian Attahiyat cho biết sẽ sớm kết thúc nhiệm kỳ làm cố vấn văn hoá cho Thống đốc Jakarta - ông Anies Baswedan. Vị trí này đã giúp ông có đòn bẩy để giữ cho những phần còn lại của bức tường được nguyên vẹn.

Ông cho rằng khi được công nhận là di sản, bức tường sẽ vẫn tồn tại dẫu cho chế độ hay các chính sách thay đổi. 

“Cuộc chiến” không dễ dàng

Bức tường này là một phần lịch sử của Jakarta (hay Batavia, một thị trấn nhỏ ven biển với diện tích không quá 1,3km2). 

Công ty Đông Ấn Hà Lan từng có ý định biến Batavia trở thành thủ phủ của mình cùng nhà cửa, cao ốc… với quy hoạch được mô phỏng giống như ở Hà Lan. Sau những cuộc đối đầu với người dân bản xứ và những nước láng giềng, công ty này đã quyết định xây dựng bức tường phòng thủ vào năm 1620, hoàn thành năm 1650.

Toàn cảnh tường thành được vẽ lại
Toàn cảnh tường thành được vẽ lại trong một tờ bản đồ vào thế kỷ 17

Công ty này muốn Batavia chỉ là khu vực sinh sống của người châu Âu, các thương nhân Ả Rập và Trung Quốc. Người dân bản xứ bị đuổi ra khỏi khu vực này và phải chịu cảnh sống tồi tàn. Những người bản địa được vào đây chỉ gồm nô lệ, lính đánh thuê và những người bị hành quyết. Những ai xâm phạm bên trong thị trấn sẽ bị xử phạt rất nặng. Ông Candrian Attahiyat nói, nếu người dân tiến lại gần bức tường cũng có thể bị bắn.

“Bức tường như một lời nhắc nhớ về sự phát triển của thành phố, cuộc đấu tranh của người dân sống bên ngoài bức tường và một cuộc sống mới được tái thiết sau đó. Bức tường cần được bảo tồn, giữ gìn để các thế hệ sau này biết đến” - ông nói thêm.

Bức tường có chiều cao từ 6 - 8m, với độ dày khoảng 1,5 - 1,8m, có các lối đi bộ ra - vào để binh lính tuần tra, canh gác. Một hệ thống mương, hào được đào xung quanh để tăng cường khả năng phòng thủ.

Bức tường kết nối với 27 pháo đài được trang bị đại bác, nhằm bắt giữ kẻ thù cũng như bảo vệ các lối đi vào. Hiện tại, chỉ còn 2 pháo đài tồn tại.

Nhiều phần của bức tường đã bị chôn vùi hoặc bị xây dựng thay thế
Nhiều phần của bức tường đã bị chôn vùi hoặc bị xây dựng thay thế

Batavia với kiến trúc và quy hoạch theo kiểu Hà Lan không phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Indonesia. Thị trấn thường xuyên bị ngập lụt và hệ thống thoát nước không được xây dựng để xử lý nước mưa.

Đến năm 1790, Batavia gần như bị bỏ rơi khi nhóm người châu Âu di chuyển ra vùng ngoại ô để xây dựng biệt thự với sân vườn, bãi cỏ rộng lớn. Khi Công ty Đông Ấn Hà Lan ngừng hoạt động năm 1799 do gặp tai ương về tài chính, chính phủ Hà Lan đã nắm quyền kiểm soát nơi này. Nhà cai trị mới không quan tâm đến việc giữ gìn Batavia như một thị trấn nhỏ tách biệt mà muốn có một thủ đô thuộc địa thịnh vượng.

Từ năm 1808 đến 1811, tất cả các tòa nhà hành chính quan trọng của Batavia được di dời xa hơn về phía Nam, nơi hiện là trung tâm thành phố Jakarta. Để tiết kiệm chi phí, phần lớn các bức tường kiên cố đã được tháo dỡ để làm vật liệu cho những tòa nhà mới.      

Nhà khảo cổ cho biết chính phủ Hà Lan chỉ giữ lại những đoạn bức tường nơi có kho chứa hàng hoá. Những kho hàng này tập trung chủ yếu ở phía Bắc bờ biển Batavia. Trong 34 năm qua, ông đã cố gắng tìm kiếm nền móng của những bức tường bị phá huỷ nhưng phát hiện được rất ít.

Hiện tại, những nhà kho 400 tuổi bị bỏ hoang, và những bức tường bảo vệ chúng đang sụp đổ. 

Nhiều nơi việc sụt lún đã chôn vùi bức tường
Nhiều nơi, việc sụt lún đã chôn vùi bức tường

Phần được bảo vệ tốt nhất của bức tường dài khoảng 155m, ở phía bắc của Bảo tàng Hàng hải Indonesia, và một đoạn dài khoảng 70m bao quanh một tháp canh được xây dựng vào thế kỷ 19. Các bức tường ở khu vực này vẫn tồn tại tốt là do hai công trình này đã được công nhận là di sản văn hoá. Tuy nhiên, nguy cơ từ việc sụt lún cũng đang de doạ những nhân chứng lịch sử này.

Tại Bảo tàng Hàng hải Indonesia, chỉ có một nửa của bức tường cao 8m được nhìn thấy. Các hào nước xung quanh đã được lấp đất và lát đá từ lâu. Độ lún trung bình hàng năm của Jakarta là 1,15cm. Có một số nơi, độ lún lên đến 25cm/năm. 9% các vùng ven biển của Jakarta có thể chìm dưới nước biển vào năm 2050, trong đó có một phần của Batavia.

Sự sụt lún làm ảnh hưởng nghiên trọng đến các bức tường ở phía tây của bảo tàng. Trong đó có 184m tường đã bị chôn vùi hoàn toàn, có nơi còn nhô ra khoảng 1-2m. Tuy nhiên, mặc dù bị lún, ngập nhưng các bức tường vẫn còn tồn tại tốt trong khi các nhà kho đã đổ nát.

Các mảng tường ở phía tây, phía đông đã bị thay thế bởi nhà cửa, cao ốc, đường sá… Nhưng một bức tường dài 50m vẫn còn tồn tại ở một thị trấn cổ, bị kẹp giữa một khu đông dân cư và bãi xe đầy bùn đất. Do không bị sụt lún nên hiện tại, đây là khu vực có thể đánh giá bức tường phòng thủ lớn và vững chắc như thế nào.

Một mảng tường lớn còn được giữ lại
Một mảng tường lớn còn được giữ lại

Một phần khác của bức tường đã bị phá huỷ vào năm 1992 để nhường chỗ cho một con đường thu phí. Việc xây dựng lều tạm bợ gắn vào bức tường hoặc lấy gạch lộ thiên để làm vật liệu xây dựng của người dân cũng khiến bức tường bị ảnh hưởng.

Ông Candrian Attahiyat cho biết, hiện tại việc giúp bức tường được công nhận di sản là vấn đề khó bởi không thể xác định ai, đơn vị nào làm chủ sở hữu các nhà kho. Trong khi đó, nhiều nhà kho thuộc sở hữu của các đơn vị không còn tồn tại. Chính quyền cần tra khảo lại các tài liệu liên quan để xác định quyền sở hữu của những công trình này. Ông nói: “Quá trình này có thể chậm nhưng chúng tôi sẽ làm hết sức để bảo vệ các bức tường”.

Trung Sơn (theo Channel News Asia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI