Chăn dắt trẻ ăn xin giữa mùa dịch

10/06/2021 - 06:52

PNO - Ban ngày, hai phụ nữ mập mạp, khỏe mạnh thường ở trong nhà nhưng tối đến, lại dắt nhau ra lảng vảng ở sòng bài, tụ tập với đám thanh niên ở góc chợ. Sau nhiều ngày điều tra, phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM phát hiện hai người này sống bằng “nghề” chăn dắt trẻ ăn xin với thủ đoạn rất tinh vi.

Xem clip:

Tiếng khóc ở ngã tư

Cái nắng trưa tháng Năm khiến nhiều người đi đường có cảm giác bỏng rát da, ngột ngạt. Nhiều người tranh thủ nấp dưới bóng cây ở công viên Văn Lang (quận 5, TPHCM) để tránh cái nắng như đang thiêu đốt. Thế nhưng, cách đó chỉ vài chục mét, ngay ngã tư Ngô Quyền - Hồng Bàng, một đứa trẻ vẫn đang ngồi phơi mình dưới nắng trưa để xin tiền người đi đường.

Cậu bé chừng 10 tuổi, chỉ được mặc một chiếc quần đùi, bế theo một đứa bé khoảng ba tuổi xin ăn. Thỉnh thoảng, đứa bé nhỏ xíu lại khóc thét, nước mắt giàn giụa càng khiến người đi đường xót xa.

Khoảng 8g30 hằng ngày, Cu Lỳ phải bồng em ra ngã tư chìa nón xin tiền Ả NH: SƠN VINH
Khoảng 8g30 hằng ngày, Cu Lỳ phải bồng em ra ngã tư chìa nón xin tiền

Khoảng 12g trưa 17/5, một phụ nữ chạy xe tay ga dừng ở giao lộ Ngô Quyền - Hồng Bàng hỏi thăm và ngỏ ý muốn đưa chiếc áo khoác trong cốp xe để bé trai 10 tuổi chống nắng, nhưng bé chần chừ rồi từ chối: “Con mặc vầy quen rồi”. Người phụ nữ bèn móc vội tờ tiền mệnh giá 20.000 đồng bỏ vào chiếc nón mà đứa bé đang chìa ra rồi rồ ga.

Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi được biết, cậu bé 10 tuổi nói trên có tên thường gọi là Cu Lỳ. Trước đây, Lỳ thường ngồi ở gần Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện 7A, Bệnh viện An Bình… Khoảng hai tháng nay, Lỳ bồng theo em nhỏ đến bám trụ ở giao lộ Ngô Quyền - Hồng Bàng để xin tiền.

Khu vực này có lưu lượng xe đông đúc, gần nhiều bệnh viện nên có khá nhiều người cho tiền. Ông K. - bán hàng gần Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho hay: “Thấy hai anh em nó đáng thương nên người ta cho tiền nhiều lắm. Có hôm, tôi thấy người ta cho hẳn tờ 500.000 đồng”.

Tiếp xúc với chúng tôi, Lỳ tỏ ra khá lễ phép. Cậu cho biết, cha mẹ là dân lao động, rất khó khăn nên hằng ngày Lỳ phải bồng em ra đường kiếm tiền giúp cha mẹ. Nhà Lỳ cũng ở quận 5 nên em thường đi bộ ra giao lộ Ngô Quyền - Hồng Bàng.

Chúng tôi hỏi: “Ngồi ăn xin, không sợ người ta đem xe tới đưa vô trung tâm bảo trợ xã hội à?”. Như đã được huấn luyện từ trước, cậu bé 10 tuổi vội vàng móc ra vài tờ vé số cất trong chiếc túi ni-lông, nói: “Con bán vé số mà, còn vài tờ nữa thôi rồi con về. Chú đừng kêu người ta bắt con nha”.

Vài tấm vé số như một “chứng chỉ” để đứa bé 10 tuổi chứng minh không hành nghề ăn xin. Chắc chắn một đứa trẻ 10 tuổi sẽ không nghĩ ra cách để “né” cơ sở bảo trợ xã hội như vậy.

Cu Lỳ lưng trần ngồi phơi nắng xin tiền ở giao lộ Ngô Quyền - Hồng Bàng
Cu Lỳ lưng trần ngồi phơi nắng xin tiền ở giao lộ Ngô Quyền - Hồng Bàng

Sau nhiều ngày quan sát, chúng tôi chỉ thấy Lỳ chìa nón xin tiền chứ không hề bán vé số. Đứa bé lưng trần dầm mưa dãi nắng, cùng với tiếng khóc xé lòng của đứa trẻ nhỏ khiến không ít người đi đường rút ví cho tiền. 

Thế nhưng, cuộc mưu sinh của hai đứa trẻ không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Những ngày vừa qua, dịch COVID-19 bùng phát cộng thêm những trận mưa xối xả khiến người dân ít ra đường hơn, người dừng xe cho tiền vì vậy giảm hẳn.

Một ngày cuối tháng Năm, hai đứa trẻ ngồi co ro trong mưa hơn hai giờ. Cánh tay của đứa bé 10 tuổi nhiều lần chìa ra nhưng không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào. Nhìn cảnh tượng này, chúng tôi không khỏi xót xa. Gần khuya, mưa dứt, Lỳ xé một túi bánh ăn tạm vài miếng rồi canh ô tô dừng đèn đỏ để chạy ra gõ cửa, xin tiền. Gần 23g, Lỳ bồng em ra một góc đường khuất gần đó rồi nhanh chóng “biến mất”.

Hai kẻ chăn dắt “ngồi đồng” ở sòng bài

Sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi phát hiện, hằng ngày, Lỳ và cháu bé được một phụ nữ chở đến ngã tư Ngô Quyền - Hồng Bàng để ngồi xin tiền. Thông thường, khoảng 10g sáng, hai đứa trẻ sẽ có mặt và ngồi đến tận khuya mới được đón về, bất kể hôm đó mưa hay nắng. 

Trong những ngày TPHCM giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, lượng người ra đường ít hơn, hai đứa trẻ cũng bị đẩy ra đường xin tiền sớm hơn. Trong ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, hai đứa trẻ bị chở đến ngồi ở lề đường từ 8g30 cho đến tận khuya mới được đón về. Ngồi dầm mưa dãi nắng cả ngày thấm mệt, Cu Lỳ ôm đứa em ngủ thiếp đi. Thế nhưng, chỉ được vài phút, tiếng còi xe đã buộc đứa trẻ phải đứng dậy, lê từng bước mệt nhọc ra đường mưu sinh. Cha mẹ bé ở đâu trong những lúc này?

Khoảng 19g30 ngày 1/6, lúc hai đứa trẻ đang vật vạ ngồi xin tiền, một phụ nữ khoảng 35 tuổi, dáng người to khỏe chạy xe máy tới, đậu cách chỗ Lỳ khoảng 10m. Nhận được tín hiệu, Lỳ vội vàng bồng em chạy đến. Hỏi han vài câu, người phụ nữ vét sạch số tiền hai đứa bé kiếm được rồi phóng xe đi mất. Cu Lỳ lại bồng đứa bé quay về chỗ cũ.

T. “mập” chạy đến chỗ Cu Lỳ để vét toàn bộ số tiền xin được
T. “mập” chạy đến chỗ Cu Lỳ để vét toàn bộ số tiền xin được

Chúng tôi quyết định bám theo người phụ nữ nói trên. Sau khi lướt qua nhiều tuyến đường, người này chạy xe vòng ra mái hiên phía sau chợ An Đông. Tại đây, về khuya, một sòng bài kiểu “dã chiến” được một nhóm khoảng mười người dựng lên để sát phạt. Người phụ nữ ngồi ở chỗ sòng bài hồi lâu, đưa tiền cho một người đàn ông khoảng 45 tuổi rồi ra ngồi cạnh đó, thong dong hút thuốc, cười nói với một số thanh niên đang ngồi vật vạ sau chợ. Theo một số người dân ở gần chợ An Đông, người phụ nữ này được gọi là T. “mập”. 

Vài tháng nay, mỗi buổi tối, T. “mập” thường xuất hiện sau chợ An Đông cùng một nhóm khoảng 20 người. Ngoài đánh bài, nhóm người này thường ngồi tụ tập trong các góc tối, thậm thà thậm thụt đến tận khuya. Có hôm, thấy lực lượng chức năng đi tuần ngang qua, nhóm người này vội vàng tản ra.

Như đã được lập trình, trong đêm, cứ khoảng 2 giờ một lần, T. “mập” lại rời đám đông, chạy đến chỗ Cu Lỳ để thu vét tiền. Sau đó, T. “mập” vội vàng quay về chỗ tụ tập đánh bài ở chợ An Đông. Có hôm, do trời mưa, số tiền Cu Lỳ xin được không nhiều, T. “mập” lộ ra vẻ mặt không vui, cằn nhằn khiến đứa trẻ 10 tuổi này có vẻ sợ sệt.

Nếu buổi tối, T. “mập” làm nhiệm vụ thu gom “chiến lợi phẩm” thì vào buổi sáng, một phụ nữ khác khoảng 30 tuổi làm nhiệm vụ chở hai đứa trẻ đến điểm xin tiền. 

Gần 9g ngày 28/5, người phụ nữ khoảng 30 tuổi điều khiển xe máy biển số 53V2 - 763.47 chở Cu Lỳ đến giao lộ Ngô Quyền - Hồng Bàng rồi chạy một mạch đến khu chợ An Đông. 10 phút sau, người này chạy xe máy đến đường An Bình mua thuốc lá và cơm rồi chạy về căn nhà số 39-41 Bùi Hữu Nghĩa, phường 5, quận 5. Lúc này, trên căn phòng ở lầu 2, T. “mập” vẫn đang ngồi chờ người kia mang cơm về ăn sáng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, căn nhà số 39-41 Bùi Hữu Nghĩa có rất nhiều phòng cho thuê. Trong đó, T. “mập” thuê một căn phòng ở lầu 2, sống với người phụ nữ khoảng 30 tuổi và ba đứa trẻ. Ngoài Cu Lỳ, còn có hai đứa trẻ khác, một bé khoảng ba tuổi và bé còn lại chỉ khoảng hơn một tuổi. 

Hằng ngày, Cu Lỳ và đứa bé khoảng ba tuổi được T. “mập” cho ra đường để xin tiền. Riêng hai phụ nữ và đứa bé hơn một tuổi thường ở nhà vào ban ngày. Thỉnh thoảng, một trong hai phụ nữ chạy đến chỗ hai đứa trẻ xin tiền, lấy “chiến lợi phẩm”. Tối đến, họ lại ra chợ An Đông tụ tập lập sòng bài. 

Sau khi lấy tiền từ Cu Lỳ, T. “mập” thường chạy đến sòng bài phía sau chợ An Đông
Sau khi lấy tiền từ Cu Lỳ, T. “mập” thường chạy đến sòng bài phía sau chợ An Đông

Một người ở gần căn nhà số 39-41 Bùi Hữu Nghĩa cho biết, qua giao tiếp hằng ngày, đứa bé 10 tuổi được xác định là con của T. “mập”, nhưng không rõ hai đứa trẻ và người phụ nữ còn lại có quan hệ thế nào. Cu Lỳ đang ở độ tuổi đến trường nhưng từ ngày đến đây sinh sống, người dân chưa từng thấy bé được đến trường.

“Hai người phụ nữ để mấy đứa nhỏ sống rất bầy hầy, nhếch nhác. Họ rất ít giao tiếp với xung quanh. Sáng ra, họ chở bọn trẻ đi xin tiền, đến khuya mới về. Đời sống của họ rất phức tạp, kết giao với những người trông rất đáng sợ” - một hàng xóm của T. “mập” tiết lộ.

Theo đại diện UBND phường 5, quận 5, người phụ nữ và nhóm trẻ em nói trên chỉ mới đến thuê trọ ở lầu 2 căn nhà số 39-41 Bùi Hữu Nghĩa một thời gian. Căn nhà này ngăn nhiều phòng cho thuê. Do người cho thuê chưa khai báo tạm trú, chưa cung cấp thông tin về những người nói trên nên địa phương chưa nắm được cụ thể về gia cảnh của họ. 

Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc

Căn cứ vào tài liệu do Báo Phụ Nữ TPHCM cung cấp, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định, hai phụ nữ nói trên đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo điều 23 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, bà T. “mập” và người phụ nữ còn lại có thể bị xử phạt hành chính đến 10 triệu đồng và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính (nếu có). 

Cũng theo luật sư Trần Minh Hùng, nếu đối tượng lợi dụng trẻ em để trục lợi có hành vi đánh đập, gây thương tích, bắt làm việc trong môi trường độc hại mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội tương ứng (tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, tội “hành hạ người khác”, tội “làm nhục người khác” hoặc tội “vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi”).

Nếu hai phụ nữ nói trên là mẹ, cô, dì, người giám hộ có một số hành vi như đánh đập con tàn nhẫn, bắt con đi ăn xin lúc nửa đêm, dọa bỏ rơi, không cho con ăn uống đầy đủ, không cho con đi học, có thể bị xem xét truy cứu về tội “ngược đãi hoặc hành hạ con, cháu” theo quy định tại điều 185, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

“Hành vi của hai phụ nữ trên có dấu hiệu bóc lột, ngược đãi trẻ em. Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để xử lý hành vi vi phạm, đồng thời có biện pháp bảo vệ những đứa trẻ trên khỏi cảnh bị bóc lột, ngược đãi” - luật sư Trần Minh Hùng nói.

Nhiều trẻ bị người lớn dùng làm “công cụ mưu sinh”

Theo quan sát của chúng tôi, có rất nhiều em nhỏ bị người lớn đẩy ra đường ở TPHCM làm “công cụ mưu sinh”, dù đang trong thời dịch bệnh. 

Tại giao lộ Hồng Bàng - Ngô Gia Tự (quận 5), khoảng 20g hằng ngày, có một trẻ khoảng chín tuổi đứng ở vạch dừng đèn đỏ chờ xin tiền người đi đường, được một người đàn ông chở đến và đón về lúc khuya.

Tại ngã tư Võ Văn Kiệt - An Dương Vương (quận 8, TPHCM), gần đây, xuất hiện một nhóm trẻ chờ đèn đỏ để lao ra chặn đầu xe xin tiền người đi đường.

Tại giao lộ Võ Văn Kiệt - Hồ Học Lãm (quận 8), khoảng một tháng nay, có một phụ nữ dắt theo hai đứa trẻ khoảng 10 tuổi và 3 tuổi bán vé số. 

Tại giao lộ Nguyễn Tri Phương - Hùng Vương (quận 5), một người đàn ông để hai đứa trẻ ngồi lên xe ba gác rồi cùng bán vé số…

Tháng 6/2021 là Tháng hành động vì trẻ em, với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”. Cục Trẻ em vừa có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ trong đại dịch.

Yêu cầu ngăn chặn nạn chăn dắt trẻ em ăn xin để trục lợi

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa ký văn bản gửi Sở LĐTB&XH các địa phương về tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch.

Theo đó, Cục Trẻ em đề nghị Sở LĐTB&XH các địa phương cần phối hợp các ngành, các đơn vị chức năng tại địa phương để tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho trẻ em cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt quan tâm phòng, chống nguy cơ xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em, phòng ngừa sang chấn và hỗ trợ ổn định tâm lý cho trẻ em.

Ngoài ra, cần phổ biến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh cấp xã, mạng xã hội và phân phát tờ rơi, tờ gấp, áp phích… đến từng địa bàn giãn cách, cơ sở cách ly các nội dung hướng dẫn về bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em trong đại dịch COVID-19. Sử dụng các sản phẩm truyền thông mẫu đã được Cục Trẻ em phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và các tổ chức quốc tế xây dựng, sản xuất.

Liên hệ với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) để được hướng dẫn, tư vấn về: an toàn cho trẻ em; chăm sóc, ổn định tâm lý, phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý những sang chấn tâm lý của trẻ em trong bối cảnh cách ly, giãn cách xã hội; hỗ trợ, can thiệp, xử lý khẩn cấp để bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em.

Thường xuyên thông tin, báo cáo về tình hình trẻ em ảnh hưởng bởi COVID-19, việc hỗ trợ cho trẻ em hoặc các vấn đề phát sinh, trường hợp khẩn cấp liên quan đến đối tượng trẻ em cho các cấp, cơ quan có thẩm quyền tại địa phương và cho Cục Trẻ em để có giải pháp xử lý, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.

Trước đó, Sở LĐTB&XH TPHCM cũng có văn bản gửi Phòng LĐTB&XH các quận, huyện yêu cầu chủ động rà soát, kịp thời phát hiện các đối tượng, ngăn chặn tình trạng chăn dắt, lợi dụng các đối tượng yếu thế đi ăn xin để trục lợi.

Sở LĐTB&XH TPHCM yêu cầu các địa phương chủ động rà soát, kịp thời phát hiện các đối tượng, ngăn chặn tình trạng chăn dắt, lợi dụng các đối tượng yếu thế đi ăn xin để trục lợi; tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, hành động của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình trong việc chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, không để tình trạng lợi dụng, ép buộc, dụ dỗ lang thang ăn xin; kịp thời phát hiện và giải quyết các trường hợp xin ăn, sinh sống nơi công cộng, đặc biệt là những đối tượng người cao tuổi, nhằm bảo vệ tốt tính mạng, sức khỏe cho người dân. 

Ngoài ra, Sở LĐTB&XH còn yêu cầu các Phòng LĐTB&XH đảm bảo khẩu trang phát cho đối tượng ngay khi được tập trung; thực hiện khai báo y tế và phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn kiểm tra, làm rõ sức khỏe đối tượng, đảm bảo chắc chắn không nhiễm virus SARS-CoV-2; phát hiện sớm các trường hợp ho, sốt, khó thở để tổ chức cách ly kịp thời. Phòng LĐTB&XH phải tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn thực hiện tốt công tác xác minh nơi cư trú và giải quyết hồi gia đối với đối tượng có địa chỉ cư trú trên địa bàn… 

Sơn Vinh

Nhóm Phóng viên

 

 

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI