Cha mẹ và gánh nặng nuôi dạy trẻ ngày càng tăng

05/09/2022 - 10:37

PNO - Việc nuôi dưỡng và dạy dỗ một đứa trẻ từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành vốn đã rất khó khăn đối với các bậc cha mẹ giờ lại càng khó khăn hơn trước áp lực lạm phát và cả vấn đề thiếu hụt nhân lực trong ngành giáo dục.

Chi phí nuôi dạy trẻ tăng cao

Theo ước tính của Viện Brookings (Mỹ), chi phí nuôi dạy một đứa trẻ từ nhỏ cho đến hết cấp III ở nước này đã vượt qua mốc 300.000 USD do áp lực từ tốc độ lạm phát cao nhất trong bốn thập kỷ qua. Cụ thể, một cặp vợ chồng với thu nhập trung bình, vừa có con vào năm 2015 sẽ phải chi 310.605 USD để nuôi dạy con cho đến khi đứa trẻ tròn 17 tuổi. Isabel Sawhill - một thành viên cấp cao tại Viện Brookings - cho biết: “Nhiều người sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi có đứa con đầu lòng hoặc đứa con tiếp theo vì mọi thứ đều trở nên tốn kém hơn. Họ sẽ phải làm việc nhiều hơn”. 

Giá cả tại cửa hàng tạp hóa tăng cao đã khiến Jennifer Smith - một người mẹ có năm con tại Raleigh, bang Bắc Carolina - tìm cách xoay xở xây dựng thực đơn cho gia đình. Thứ Hai không có thịt và thứ Năm “dọn tủ lạnh” là những bổ sung mới cho thực đơn hằng tuần. Jennifer chia sẻ: “Bọn trẻ của chúng tôi đang cần được mua sắm chuẩn bị cho mùa tựu trường. Mọi thứ đều tăng giá”.

Giáo viên đang trao đổi với học sinh trong một lớp học quốc tế tại Trường Max-Ernst ở Cologne, Đức - ẢNH: AFP
Giáo viên đang trao đổi với học sinh trong một lớp học quốc tế tại Trường Max-Ernst ở Cologne, Đức - Ảnh: AFP

Tại Trung Quốc, một báo cáo công bố vào tháng 2/2022 của Viện Nghiên cứu dân số YuWa cho thấy chi phí nuôi dạy một đứa trẻ từ nhỏ đến năm 18 tuổi là 485.000 nhân dân tệ (76.556 USD) vào năm 2019, gấp 6,9 lần GDP bình quân đầu người của Trung Quốc. Con số này thậm chí cao hơn nhiều quốc gia bao gồm Pháp, Đức và Nhật Bản. Chi phí nuôi dạy con cao là một trong những yếu tố chính ngăn cản các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ xem xét việc có nên sinh con hay không.

Đối với Hàn Quốc, nghiên cứu của Viện YuWa cho thấy chi phí nuôi dạy một đứa trẻ từ nhỏ cho đến 18 tuổi cao gấp 7,79 lần GDP bình quân đầu người. Đó cũng là một trong các lý do khiến tỷ lệ sinh của Hàn Quốc hiện thấp nhất thế giới, chỉ đạt 0,84 vào năm 2020 và 0,81 trong năm 2021. Mức lương điển hình cho một nhân viên trông trẻ tại nhà trong 5 ngày/tuần là khoảng 3,5 triệu won (2.600 USD) mỗi tháng; chiếm hơn một nửa thu nhập trung bình (5,9 triệu won) của một hộ gia đình hai người vào thời điểm cuối tháng 6/2022. Tình trạng này khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ ở Hàn Quốc không dám sinh con vì không thể kiếm đủ tiền để trang trải chi phí chăm sóc con cái. Nhằm giải quyết vấn đề này, từ năm 2023, Hàn Quốc sẽ bắt đầu trả “trợ cấp nuôi dạy con cái” từ 350.000-700.000 won mỗi tháng cho các hộ gia đình có trẻ sơ sinh từ 0-12 tháng tuổi.

Thiếu nhân lực cho ngành giáo dục

Khi năm học mới bắt đầu, tình trạng thiếu giáo viên trở nên nghiêm trọng ở nhiều quốc gia. Hiện cuộc khủng hoảng tuyển dụng giáo viên đang bao trùm hầu hết châu Âu. 4.000 vị trí giáo viên trống trong các trường học ở Pháp dù đáng lo ngại nhưng vẫn còn ít tệ hơn so với tình hình ở các nước láng giềng.  

Ở Đức, học kỳ mới bắt đầu vào tháng Tám với sự thiếu hụt hơn 5.000 giáo viên. Ở Ý - một quốc gia có nguồn nhân lực giảng dạy già đi đáng kể - 150.000 vị trí hiện được lấp đầy bởi giáo viên thời vụ. Tại Thụy Điển, Cơ quan Giáo dục Skolverket dự đoán rằng quốc gia sẽ phải đào tạo 153.000 giáo viên vào năm 2035 để bù đắp cho số người đã nghỉ hoặc thay đổi nghề nghiệp. 

Bên kia bờ Đại Tây Dương, nước Mỹ cũng lâm vào cảnh thiếu hụt giáo viên trầm trọng cho năm học mới. Ở tuổi 26, chỉ sau bốn năm dạy học, Diane D’Costa biết mình phải nghỉ việc. “Tôi đã làm công việc của năm người”, cô nói về công việc của mình tại một trường bán công ở Washington D.C. Trong nhiều thập kỷ, thứ duy nhất giữ hàng trăm ngàn giáo viên Mỹ ở lại lớp học chính là niềm vui dạy trẻ. Nhưng hai năm đại dịch đầy khắc nghiệt, những bài giảng trực tuyến triền miên, các vụ xả súng nhắm vào trường học… đã làm nhiều thứ thay đổi.

Một cuộc thăm dò của Tổ chức Tư vấn Gallup vào tháng 2/2022 cho thấy, những giáo viên ở các cấp phổ thông là bộ phận nhân lực bị bào mòn nhiều nhất trong lực lượng lao động Mỹ. Kết quả, họ chọn rời đi.

Một nghiên cứu của Trung tâm Thống kê giáo dục quốc gia (NCES) vào tháng 3 cho thấy 44% các trường công lập đang thiếu giáo viên. Theo tính toán của LinkedIn, số giáo viên nghỉ việc vào tháng 6/2022 cao hơn 41% so với một năm trước. Nhiều khu vực nhất là ở nông thôn đang gặp khó khăn lớn trong việc tìm kiếm giáo viên. Một số trường học thậm chí còn cho phép các cựu chiến binh và những người lao động không có chứng chỉ sư phạm tham gia với tư cách là giáo viên. Trong những trường hợp tệ hơn, các trường phải chấp nhận giảm ngày học xuống còn 4 ngày mỗi tuần. 

Linh La (theo WSJ, Global Times, Le Monde, Bloomberg)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI