Cha mẹ già bỗng… thích tiền

19/05/2025 - 18:00

PNO - Việc thích nhận tiền và cất giữ tiền phòng thân cũng là chuyện thường thấy ở người già chứ không phải cha mẹ đổi tính, sinh tật như em nghĩ.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Cha mẹ em năm nay ngoài 70 tuổi, tuy tuổi cao nhưng sức khỏe còn khá tốt, ăn uống được. Do không có điều kiện ở chung, vợ chồng em thường xuyên mua thuốc bổ, sữa, yến, nhân sâm biếu ông bà bồi dưỡng.

Ngày xưa, gia đình em rất khó khăn. Để nuôi mấy chị em khôn lớn, cha mẹ em phải vất vả nhịn ăn, nhịn mặc. Cho nên giờ đây, có món gì ngon em cũng mua, nấu hoặc đưa cha mẹ đi ăn nhà hàng, mong bù đắp những tháng ngày cực khổ xưa kia.

Nhưng khổ nỗi, em mua gì, nấu gì cha mẹ cũng chê dở, nói không vừa miệng, không thích ăn. Em mua quần áo, giày dép, túi xách, thắt lưng đẹp biếu cha mẹ cũng bị cự tuyệt phũ phàng. Điều đó khiến em rất buồn. Em trai em thấy vậy mới tiết lộ: cha mẹ giờ chỉ thích tiền, chị biếu tiền là ông bà ưng liền. Em ngạc nhiên làm thử thì… quả đúng như vậy. Cho bao nhiêu tiền cha mẹ cũng không từ chối, lại còn rất vui vẻ. Nhưng có tiền trong túi, ông bà cũng không chi ra đồng nào, không cho con cháu, cũng không mua sắm, vẫn ăn uống kham khổ, thiếu dinh dưỡng.

Có lúc nóng ruột quá, em cằn nhằn cha mẹ nhưng không thay đổi được gì. Không hiểu sao lúc trẻ ông bà đâu có ham giữ tiền, mà già thì lại đổi tính như vậy.


Gia Hân (TPHCM)

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet


Em Gia Hân thân mến,

Không biết em có từng nghe kinh nghiệm được nhiều chị em truyền tai nhau là mua đồ cho người già phải nói giá mua thấp hơn một nửa, thậm chí thấp hơn 2/3 giá trị thật của món hàng? Dĩ nhiên, “bí quyết” đó không phải áp dụng cho tất cả các ông bà già nhưng hàm ý người già hay tiếc tiền, tiếc của. Cảm giác tiếc của ấy còn lớn hơn niềm vui được nhận quà, khiến người già hay có tâm lý phủ nhận giá trị, công dụng của món đồ mà không biết điều đó vô tình khiến người tặng là con cháu, họ hàng… cảm thấy buồn lòng. Đôi khi, người già chỉ nghĩ đơn giản: “Chê dở, chê xấu để tụi nó khỏi tốn tiền mua” chứ không hẳn ghét người cho, ghét món đồ được biếu, tặng. Nghĩ ở góc độ đó, em sẽ cảm thông hơn với nỗi lòng cha mẹ.

Thêm vào đó, gia đình em từng khó khăn, cha mẹ em từng làm lụng vất vả để nuôi con khôn lớn. Nỗi khó nhọc mới làm ra đồng tiền khiến ông bà càng trân trọng giá trị đồng tiền. Có thể bây giờ các con làm ăn khấm khá muốn báo hiếu nhưng trong suy nghĩ của ông bà, việc chi tiêu cho đồ ngon, đồ bổ vẫn là hoang phí. Mấy chị em nên chia sẻ cho cha mẹ biết công việc làm ăn thuận lợi ra sao, thu nhập ổn định thế nào và khẳng định các em đủ khả năng chi trả cho những món quà biếu mà không ảnh hưởng tới chi tiêu cho con cái, gia đình.

Ngoài ra, giải thích, thuyết phục ông bà rằng với người cao tuổi, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng để sống vui, sống khỏe vẫn là giải pháp thông minh và tiết kiệm hơn so với khi bị bệnh phải uống thuốc, điều trị tốn kém. Tin rằng với những “dữ liệu đầy tính kinh tế” như thế, cha mẹ em sẽ chọn giải pháp có lợi hơn.

Riêng việc thích nhận tiền và giữ tiền phòng thân cũng là chuyện thường thấy ở người già chứ không phải cha mẹ đổi tính, sinh tật như em nghĩ. Khi không còn khả năng kiếm tiền, người già càng quý đồng tiền. Cha mẹ em không sống chung với con cháu, có lẽ là không muốn làm phiền các con. Có thể ông bà muốn giữ tiền để chủ động khi ốm đau, hữu sự mà không phải phụ thuộc người khác. Chuyện này cũng dễ xử, ví dụ như em định dành 10 đồng mua quà thì bây giờ có thể chia làm đôi: 5 đồng biếu cha mẹ; 5 đồng mua quà bánh, đồ bổ.

Quan trọng là tạo cho cha mẹ cảm giác thoải mái, vui vẻ, an tâm. Người chung một nhà chỉ cần lắng nghe nhau sẽ thấu hiểu và thương nhau nhiều hơn.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI