Cây trong khu dân cư ngã la liệt, sai lầm từ đâu?

20/08/2020 - 16:33

PNO - Trong trận mưa chiều 14/8, hàng chục cây xanh trong khu dân cư Park Riverside (đường Bưng Ông Thoàn, phường Phú Hữu, quận 9, TPHCM) bị ngã, gãy la liệt. Trước đó, tối 9/6, người dân ở chung cư Thới An (quận 12, TPHCM) cũng một phen náo loạn khi nhiều cây xanh bật gốc, ngã đè nhiều ô tô, xe máy. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều nơi khác, nhưng người dân không biết trách nhiệm thuộc về ai.

 

 Cây xanh trong khu dân cư Park Riverside (quận 9, TPHCM) ngã, gãy la liệt chỉ sau một trận mưa khiến người dân lo lắng về nguy cơ tai nạn
Cây xanh trong khu dân cư Park Riverside (quận 9, TPHCM) ngã, gãy la liệt chỉ sau một trận mưa khiến người dân lo lắng về nguy cơ tai nạn

Tai họa chực chờ

Anh Duy Hưng - người dân sống trong khu dân cư Park Riverside - cho biết, chiều hôm đó, mưa gió không quá lớn nhưng có đến mấy chục cây xanh bị quật ngã, tét nhánh. Đặc biệt, có những cây kích cỡ lớn, tán lá rộng nhưng khi bật gốc thì lộ ra bộ rễ ăn rất nông. “Đây là khu dân cư mới nên cây xanh hầu hết mới được trồng. Đáng nói, trên vỉa hè đường nội bộ, tôi thấy người ta trồng cây sò đo cam, sa la, là những loại cây hạn chế trồng trên vỉa hè vì dễ ngã, gãy” - anh Hưng nói.

Người dân ở khu dân cư Park Riverside cho biết, đã từng kiến nghị với chủ đầu tư, đơn vị quản lý thay mới cây xanh để bảo đảm an toàn, nhưng không được đáp ứng. Trong khi đó, người dân cũng không biết đơn vị nào quản lý lĩnh vực này để phản ánh. “Mùa mưa bão đang tới, nếu cứ để như vầy, sẽ rất nguy hiểm” - một người dân bức xúc. 

Nhiều năm nay, cư dân một khu dân cư ở cửa ngõ phía tây TPHCM thường xuyên sống chung với nỗi lo cây xanh gãy đổ. Theo người dân, trong khu dân cư này, có rất nhiều cây bàng Đài Loan, là loại cây phát triển nhanh, tán lá rộng, rợp bóng mát nhưng rễ cây nổi lên trên mặt đất, làm hư hỏng vỉa hè và nhà cửa, dễ đổ ngã, gây mất an toàn cho các hộ dân và người đi đường; vào mùa mưa, lá và quả rụng rất nhiều, gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước. 

Chị Nguyễn Thị Hằng - sống nhiều năm tại khu dân cư nói trên - cho biết, tại đây, từng xảy ra vụ cây ngã làm hư hỏng ô tô và suýt đè người đi đường, nhưng nhiều năm trôi qua, vẫn không thấy đơn vị nào bảo dưỡng, chăm sóc cây. “Sau mấy vụ cây ngã, đến đầu mùa mưa năm nay, ban quản lý chung cư có tổ chức mé nhánh những cây bàng Đài Loan, nhưng đây là loài cây dễ ngã, không nên trồng. Vì thế, nếu không thay đổi chủng loại cây, tai nạn do cây ngã vẫn chực chờ”.

Bộ rễ của các cây bị ngã khá nhỏ, không cân xứng với thân
Bộ rễ của các cây bị ngã khá nhỏ, không cân xứng với thân

Trồng cây ầu ơ, lửng lơ trách nhiệm

Qua hình ảnh chúng tôi cung cấp, tiến sĩ Đinh Quang Diệp - chuyên gia về cây xanh đô thị - nhận định, nguyên nhân cây ngã, gãy nhiều ở các khu dân cư nói trên là do cây trồng không đảm bảo các điều kiện kỹ thuật: “Quan sát những cây bị bật gốc, tôi thấy chúng đã cao lớn nhưng bầu đất (phần đất bọc bộ rễ) quá nhỏ, không cân đối với chiều cao và kích thước cây”.

Theo tiến sĩ Diệp, phần lớn cây xanh ở những khu dân cư nói trên được bứng về trồng khi cây đã cao lớn, không phải là cây con được ươm trồng đúng kỹ thuật, nên khó đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa gió. Do đó, cần phải kiểm tra và có biện pháp chèn chống phù hợp để tránh tình trạng cây tiếp tục ngã, gãy, gây tai nạn. Hiện chưa có những quy định cụ thể về chủng loại cây trồng trong khu dân cư.

Tuy nhiên, trước khi trồng, chủ đầu tư, đơn vị có trách nhiệm nên tìm hiểu để tránh chọn những loại cây có độc tính hoặc những loài cây rụng lá nhiều gây mất vệ sinh. “Tốt nhất, nên thuê những đơn vị có chuyên môn tư vấn và trồng cây để đảm bảo cây phát triển tốt, không bị gãy đổ nhiều” - tiến sĩ Diệp khuyến nghị.

Trao đổi với chúng tôi về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với cây xanh trong các khu dân cư, nhất là các khu dân cư mới, một cựu lãnh đạo phụ trách lĩnh vực cây xanh của Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, trước đây, sở này quản lý công tác duy tu, chăm sóc cây xanh nhưng chỉ quản lý cây xanh trên các tuyến đường chính và các công viên lớn.

Công tác bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh ở các khu dân cư gần như bị bỏ ngỏcông tác bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh ở các khu dân cư gần như bị bỏ ngỏ

Đối với cây xanh ở các tuyến đường nhỏ, cây trong hẻm và cây xanh trong các khu dân cư, theo Quyết định số 199/2004 của UBND TPHCM, trách nhiệm quản lý thuộc UBND quận, huyện. Theo đó, đối với cây xanh trong khu dân cư, UBND quận, huyện sẽ phân cấp cho phường, xã quản lý.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, một vị cựu chủ tịch UBND phường cho rằng, do không có kinh phí nên công tác bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh ở các khu dân cư gần như bị bỏ ngỏ. “Với các khu dân cư mới, trước khi đưa vào sử dụng, chủ đầu tư sẽ bàn giao mảng xanh cho chính quyền địa phương quản lý, nhưng địa phương lại không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động bảo dưỡng, chăm sóc cây” - vị này nói. 

Đang rà soát vướng mắc về quản lý mảng xanh

Từ đầu tháng 8/2020 đến nay, Sở Xây dựng TPHCM đã tổ chức một số buổi kiểm tra hiện trạng cây xanh ở các quận, huyện. Dự kiến, việc kiểm tra sẽ kéo dài đến hết tháng 9/2020.

Việc kiểm tra này nhằm rà soát công tác quản lý, duy tu công viên cây xanh do UBND quận, huyện quản lý để từ đó, sở và UBND các quận, huyện sẽ phối hợp giải quyết các vướng mắc, hạn chế liên quan đến mảng xanh.

Được biết, kể từ tháng 11/2018, UBND TPHCM đã có quyết định chuyển giao nhiệm vụ quản lý lĩnh vực cây xanh từ Sở Giao thông Vận tải sang Sở Xây dựng. Đến tháng 12/2019, Sở Xây dựng đã quyết định phân cấp cho UBND các quận, huyện quản lý công viên, mảng xanh, cây xanh trên địa bàn.

Hoàng Lâm - Lê Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI