Cây hoàng đàn vươn đến những vì sao

23/02/2020 - 06:27

PNO - Để phục dựng lại cuộc đời của Vincent Van Gogh một cách trung thực và ít hư cấu nhất, ngoài tư liệu điền dã được Irving Stone thu thập trong hơn 6 tháng chu du khắp châu Âu, tác giả còn dựa vào sáu, bảy trăm lá thư trao đổi giữa Vincent và Theo.

 

Những người yêu tranh cho rằng cây hoàng đàn trong bức The Starry Night (Đêm đầy sao) được Van Gogh vẽ trong nhà thương điên là hiện thân của tâm hồn ông. Trong bầu trời đêm màu lục sẫm, ngọn cây vươn lên mạnh mẽ, chạm đến các vì sao để đón lấy tia sáng của hy vọng dù mong manh. Ví von này hoàn toàn có cơ sở nếu khám phá quyển Khát vọng sống của Irving Stone.

Là danh họa nổi tiếng bậc nhất thế giới nhưng sinh thời, tranh của Vincent Van Gogh không được ưa chuộng bởi lối vẽ của ông đi ngược với thị hiếu xã hội đương thời - khi thì quá u tối và thô; lúc lại quá chói chang, gắt gỏng. Ông cũng chưa bao giờ chịu hạ bút vẽ tranh cho giới lắm tiền nhiều của.

Thay vào đó, ông vẽ những người lao động bình dị, những người cùng khổ như nông dân, thợ mỏ… Trong mắt người đương thời, ông là một kẻ “loser” (thất bại thảm hại), kể cả với gia đình ông, những người gắn liền với nghiệp buôn tranh, sở hữu phòng tranh có tiếng, ngoại trừ Theo - em trai và là người bạn tri âm tri kỷ của ông, người đã chu cấp tài chính và cổ vũ ông theo đuổi hội họa, luôn bày tỏ niềm tin vào anh trai.

Van Gogh là một trong rất ít những họa sĩ vĩ đại mà không có nền tảng hội họa từ nhỏ. Ông bắt đầu sự nghiệp khi gần 30 tuổi, sau khi đã trải qua nhiều nghề nghiệp khác nhau. Khát vọng sống khắc họa lại cuộc đời Vincent từ lúc ông còn là một người truyền giáo tại Borinage - vùng mỏ than nghèo túng và khốc liệt ở Bỉ. Cuộc sống khốn quẫn của vùng đất ấy đã khiến Vincent mất đức tin và kiệt quệ cả về thể xác cũng như tinh thần. Nhưng cũng chính vào thời khắc đó, hội họa đã cứu rỗi đời ông và thổi bùng lên niềm khao khát mới, dẫu ngay cả với hội họa, Van Gogh cũng là một kẻ “bị lưu đày”.

Để phục dựng lại cuộc đời của Vincent Van Gogh một cách trung thực và ít hư cấu nhất, ngoài tư liệu điền dã được Irving Stone thu thập trong hơn 6 tháng chu du khắp châu Âu, tác giả còn dựa vào sáu, bảy trăm lá thư trao đổi giữa Vincent và Theo.

Cuốn sách là sự hòa hợp của tình yêu và khát khao được sống, được vẽ của Van Gogh. Ngay cả khi không được đáp đền, ông vẫn không ngừng hiến dâng. Cuộc đời càng bi kịch, càng tăm tối, tranh Van Gogh càng rực rỡ và nhiều sắc màu như chính cây hoàng đàn ông chọn thêm vào tranh. Chính nghị lực sống mạnh mẽ ấy đã cổ vũ tinh thần cho rất nhiều người chẳng may rơi vào hố sâu cùng quẫn của cuộc sống. Chừng nào còn sống thì trái tim Van Gogh vẫn vang lên nhịp đập yêu thương, dù nhịp đập ấy ngây thơ, yếu mềm và chẳng hề toan tính.

Lạ lùng thay, Khát vọng sống cũng chìm nổi như cuộc đời Van Gogh. Trải qua 17 lần bị từ chối, mãi đến năm 1934, sách mới được nhà xuất bản Longmans, Green & Company đồng ý in ấn và phát hành. Bản tiếng Việt do dịch giả Vũ Đình Bình chuyển ngữ từ phiên bản tiếng Nga, Đông A biên tập theo nguyên tác tiếng Anh, Lust for Life, gồm 9 phần được đặt tên tương đương với những địa điểm mà Vincent đã sống và làm việc trong suốt gần hai thập niên trước khi tự kết liễu đời mình năm 37 tuổi. Ở một vài trang cuối, quyển sách giới thiệu đôi bức tranh của danh họa được in màu.

Khát vọng sống gồm hai phiên bản bìa cứng và bìa mềm. Một quyển sách đáng đọc để suy ngẫm, để thấu hiểu và yêu thương nhiều hơn, từ một cuộc đời tài hoa, bĩ cực nhưng chưa khi nào oán than, trách móc con người hay cuộc đời.

Văn Khoa
Ảnh: Quỳnh Coca

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI