Cấp cứu sân khấu cho thiếu nhi: Bây giờ hoặc không bao giờ

24/05/2019 - 06:48

PNO - Liệu sẽ đến một ngày TP.HCM không còn SK cho thiếu nhi, thiếu nhi sẽ quên mất có một loại hình nghệ thuật? Rất có thể, nếu chúng ta không có những giải pháp “cấp cứu” ngay từ bây giờ.

TP.HCM hiện có 1,4 triệu trẻ em, nhưng chương trình Ngày xửa ngày xưa chỉ phục vụ được khoảng 10.000 khán giả nhí/năm. Chương trình của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam và các suất diễn không định kỳ của vài đơn vị tư nhân dành cho thiếu nhi cũng chỉ phục vụ thêm được khoảng 20.000 - 30.000 em/năm. Tính ra, số trẻ em được xem biểu diễn sân khấu chỉ chiếm tỷ lệ hơn 2%.

Nghịch lý ở chỗ, trẻ thơ không có sân khấu (SK) để thưởng thức nghệ thuật, nhưng những người làm SK cho thiếu nhi lại đang thoi thóp thở và gần như sắp hụt hơi. Liệu sẽ đến một ngày TP.HCM không còn SK cho thiếu nhi, thiếu nhi sẽ quên mất có một loại hình nghệ thuật? Rất có thể, nếu chúng ta không có những giải pháp “cấp cứu” ngay từ bây giờ.

Cap cuu san khau cho thieu nhi: Bay gio hoac khong bao gio
Chỉ hơn 2% trẻ em TP.HCM được thưởng thức nghệ thuật sân khấu

Sự thờ ơ lạ lùng

Trong buổi trò chuyện bàn tròn chủ đề Bỏ rơi sân khấu thiếu nhi -  Trách nhiệm của ai? diễn ra tại Báo Phụ Nữ TP.HCM, sáng 22/5, những người tham dự đều xác nhận: TP.HCM không thiếu cơ sở vật chất cho những chương trình biểu diễn nghệ thuật dành cho thiếu nhi, nhưng hầu hết đều không được khai thác một cách hiệu quả.

24 quận, huyện thuộc TP.HCM đều có nhà thiếu nhi (NTN). Trong số đó, nhiều NTN được xây mới trong những năm gần đây có hội trường, nhà hát rất khang trang, khán phòng có sức chứa trên dưới 400 khán giả. Nhưng đến nay, vẫn chưa có nơi nào xây dựng được thành một điểm diễn sân khấu thiếu nhi (SKTN). Ngay cả NTN TP.HCM, nơi trước đây SK Hoàng Thái Thanh đã gầy dựng thành địa chỉ của khán giả nhí mỗi khi hè về, với những vở kịch thiếu nhi đầy màu sắc, thì sau khi xây dựng mới và đưa vào hoạt động tháng 4/2017, điểm đến này đã không còn. Câu hỏi được đặt ra là: nhà hát, hội trường của các NTN được xây dựng nhằm mục đích gì, phục vụ cho ai?

Bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM - khẳng định: TP.HCM có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư, chăm lo cho thiếu niên nhi đồng; riêng những hoạt động hè cho thiếu nhi đã là một khoản chi không nhỏ.

47.000đ/trẻ em (ngoại thành) và 40.000đ/trẻ em (nội thành) cho đợt sinh hoạt 3 tháng hè là con số được Phó chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM - Nguyễn Ngọc Nhung - xác nhận.

“Có lẽ số tiền đó được chi cho những hoạt động đối ngoại như liên hoan, hội thi… mà quên việc tìm kiếm những món ăn tinh thần hấp dẫn, bổ ích, phục vụ thiếu nhi mùa hè”. Cách nói của ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc công ty Sân khấu - Nghệ thuật Thái Dương, một trong những người đã “khai sinh” chương trình Ngày xửa ngày xưa của SK Idecaf - nghe hóm hỉnh nhưng ẩn chứa nỗi xót xa với sự lãng quên SKTN của những người có trách nhiệm.

Cap cuu san khau cho thieu nhi: Bay gio hoac khong bao gio
Buổi tọa đàm của Báo Phụ Nữ TP.HCM là dịp để nhà quản lý, người làm nghề lắng nghe nhau và cùng tìm những giải pháp thực chất, khả thi cho sân khấu thiếu nhi

“Bít cửa” ở các NTN quận, huyện; lối đi vào trường học của SKTN cũng cực hẹp. Học sinh luôn hào hứng với các buổi biểu diễn kịch, nhưng giáo viên lại thờ ơ, thậm chí tỏ thái độ không hài lòng khi phải quản lý học sinh trong suốt thời gian xem kịch.

Nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM - ông Lê Ngọc Điệp - cũng thừa nhận, nhiều ban giám hiệu và giáo viên rất miễn cưỡng khi cho học sinh xem kịch, vì nhiều lý do: việc quản lý học sinh ở sân trường khó khăn hơn, giờ xem kịch ít nhiều ảnh hưởng đến lịch giảng dạy đã được phân bổ. Tất cả lý do đó “xuất phát từ việc ngành giáo dục không quan tâm nhiều đến giáo dục thẩm mỹ cho học sinh”.

Một điều đáng để những người có trách nhiệm với thiếu nhi ở TP.HCM suy nghĩ: năm 2014, khi dự án kịch lịch sử dành cho học sinh của SK Idecaf vừa ra mắt, Kiên Giang và An Giang đã trực tiếp liên hệ với ông Huỳnh Anh Tuấn, mời đem vở Trần Quốc Toản ra quân về phục vụ thiếu nhi địa phương. Vậy mà, ở ngay TP.HCM, nhiều vở diễn được dàn dựng với đầy tâm huyết, sự hào hứng và cả tình yêu dành cho trẻ thơ của những đơn vị tư nhân, phải ngậm ngùi cất kho sau vài suất diễn, vì không tìm được sự hỗ trợ, phối hợp từ những ban, ngành, đơn vị có liên quan đến thiếu nhi.

Các đơn vị tư nhân loay hoay tìm cách đưa sản phẩm tiếp cận thiếu nhi. Trong khi đó, các đơn vị nghệ thuật công lập lại “ngó lơ” lĩnh vực này. Thực tế, nhiều chương trình lớn dành cho thiếu nhi, có liên quan đến đơn vị công lập, là của tư nhân đầu tư hoặc thực hiện bằng nguồn hỗ trợ từ tổ chức quốc tế. Từng có thời gian dài làm việc tại Nhà hát Kịch TP.HCM và tham gia dàn dựng, tổ chức nhiều chương trình thiếu nhi, đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết, Nhà hát kịch TP.HCM chỉ được cấp kinh phí dựng vở và tổ chức biểu diễn phục vụ người lớn. Muốn làm SKTN, phải tìm nguồn kinh phí khác.

Cap cuu san khau cho thieu nhi: Bay gio hoac khong bao gio

Dù có cả múa rối - loại hình nghệ thuật vốn rất gần gũi với thiếu nhi, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam cũng chỉ được cấp kinh phí biểu diễn phục vụ ngoại thành và nông thôn mới, không có kinh phí riêng để phục vụ thiếu nhi. Nhu cầu của thiếu nhi ở các huyện ngoại thành rất lớn, nhưng Giám đốc Nhà hát - NSƯT Lê Đức Thế - cho biết, cũng chỉ tổ chức được khoảng 10 suất diễn cho các em mỗi năm. Năm nay, do bắt đầu thực hiện dự án SK học đường, số suất diễn cho thiếu nhi mới tăng thêm, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng nổi nhu cầu của các em.

Có ý kiến cho rằng, SKTN gặp khó do trẻ con bây giờ không thích xem SK. Có lẽ đúng, nhưng chưa đủ. Quả thật, một bộ phận thiếu nhi ngày nay không còn hứng thú với SKTN, mà mê mẩn những tên tuổi các diễn viên hài mới nổi, thậm chí thuộc lòng từng câu thoại hài hước, vô bổ. Làm sao khác được, khi các em chưa một lần được xem những vở kịch dành cho lứa tuổi của mình mà chỉ xem game show hài, kịch hài trên YouTube, truyền hình…

Những việc cần làm ngay

Khẳng định vai trò quan trọng của SKTN trong việc hình thành, phát triển nhân cách và góp phần mang lại những cảm xúc đẹp trong tâm hồn trẻ thơ, bà Thi Thị Tuyết Nhung yêu cầu: “Sắp tới, khi xây dựng kế hoạch tài chính cho năm 2020, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM nên đề xuất tăng ngân sách các suất diễn phục vụ thiếu nhi các quận, huyện. Nếu lý giải hợp lý, kế hoạch rõ ràng, tôi tin chắc, việc đầu tư chăm lo cho thiếu nhi sẽ được UBND TP.HCM ủng hộ. Bên cạnh đó, HĐND cũng sẽ có ý kiến với UBND TP.HCM thực hiện ngay giải pháp trước mắt này, để thiếu nhi được tiếp cận nhiều hơn với SK, đồng thời hỗ trợ cho các đơn vị thực hiện SKTN”.

Nhìn nhận trong thời gian qua, Thành Đoàn TP.HCM còn thiếu chủ động trong việc tìm kiếm “món ngon tinh thần” cho thiếu nhi, bà Nguyễn Ngọc Nhung cho biết, sẽ đặt vấn đề về việc phối hợp với SK Idecaf, tổ chức cho thiếu nhi xem biểu diễn SK trong mùa hè này, ở buổi họp sắp tới với Ban chấp hành Thành Đoàn.

Nhiều hy vọng với việc biến những giải pháp trước mắt ở buổi trò chuyện thành hiện thực, nhưng các đại biểu cũng thống nhất quan điểm đầu tư và phát triển SKTN cần có kế hoạch, chiến lược lâu dài và sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành và các đơn vị nghệ thuật.

Cap cuu san khau cho thieu nhi: Bay gio hoac khong bao gio

Cũng theo đề nghị của bà Thi Thị Tuyết Nhung, Sở Văn hóa - Thể thao, Sở GD-ĐT và Thành Đoàn cần ngồi lại bàn bạc, xây dựng đề án, tham mưu cho UBND. Vài ý kiến lo ngại, nếu Sở GĐ-ĐT “viện lý do” lệ thuộc vào việc phân bổ chương trình của Bộ GD-ĐT, ông Lê Ngọc Điệp khẳng định, việc tổ chức biểu diễn SK cho học sinh không khó, nếu linh động đưa vào các giờ học ngoại khóa. Thực tế cũng cho thấy, có thể đưa SK vào trường học hay không phụ thuộc rất nhiều vào “ý chí” của người quản lý. Một số trường tiểu học từng phối hợp với Idecaf tổ chức rất tốt những buổi cho học sinh xem kịch lịch sử.

Giải pháp được đạo diễn Hoàng Duẩn đặt ra cũng rất được quan tâm - “Nên chăng xây dựng Nhà hát kịch TP.HCM thành nhà hát thiếu nhi. So với các SK kịch người lớn khác ở thành phố, hoạt động của Nhà hát kịch đã thua kém. Rạp hát chủ yếu cho các đơn vị tư nhân thuê mướn, rất ít suất diễn. Tốn kinh phí tiền tỷ mỗi năm chỉ để biểu diễn cầm chừng và cho thuê mướn rạp thì có cần phải giữ không? Tuy nhiên, xây dựng nhà hát thiếu nhi không có nghĩa “xây nhà để vào hát”. Nhà hát thiếu nhi phải là nơi có những người chuyên trách, được đào tạo bài bản về SKTN. Các vở diễn cần được xây dựng phù hợp với tâm lý, tình cảm và khả năng nhận thức ở từng độ tuổi”.

TP.HCM không thiếu những quản lý SK tư nhân và những người làm SK rất “nặng lòng” và nhiều tâm huyết với SKTN. Họ vẫn chưa thôi kỳ vọng sẽ được tiếp sức, để cùng chăm lo đời sống tinh thần cho những khán giả tương lai của SK và cũng là những chủ nhân tương lai của thành phố. 

Nhóm PV VHVN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI