Cần thay đổi cách điều hành giá xăng dầu

11/04/2022 - 13:14

PNO - Mức thuế bảo vệ môi trường giảm 50% từ ngày 1/4 giúp giá xăng giảm 1.000 đồng/lít. Dù vậy, mức giảm này không đủ lực để hạn chế sự tăng giá hàng hóa.

Giá hàng hóa tiếp tục tăng 

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước được điều chỉnh tám lần với tổng mức tăng khoảng 6.500 đồng/lít, tổng mức giảm chỉ khoảng 1.600 đồng/lít. 

Giá xăng dầu tăng kéo theo giá nhiều hàng hóa cũng tăng đáng kể. Tại các chợ ở TPHCM, giá một số mặt hàng tiếp tục tăng so với 20 ngày trước. Chị Phương Hoa - chủ sạp tạp hóa Phương Hoa ở chợ Vườn Chuối, Q.3 - cho biết giá dầu ăn Neptune tiếp tục tăng thêm 1.500 đồng/lít, lên 61.000 đồng/lít; dầu ăn Cái Lân tăng 3.000 đồng/lít, lên 48.000-51.500 đồng/lít; dầu ăn Happi Koki tăng hơn 3.500 đồng/lít, lên 54.500 đồng/lít; dầu Simply từ 62.000 đồng/lít lên 64.000 đồng/lít. 

“Cứ 1-2 tuần, giá dầu ăn lại tăng thêm từ 1.000-3.000 đồng/lít. Tính từ tết Nguyên đán đến nay, giá dầu đã tăng khoảng 10.000 đồng/chai. Cách đây một năm, giá dầu ăn Cái Lân chỉ 28.000 đồng/lít, nay đã lên 48.000 đồng/lít. Giá dầu tăng nhanh nên sức mua yếu” - chị Phương Hoa cho hay. 

Mức giảm giá xăng dầu hiện nay chưa đủ để kéo giá hàng hóa giảm - ẢNH: QUỐC THÁI
Mức giảm giá xăng dầu hiện nay chưa đủ để kéo giá hàng hóa giảm - Ảnh: Quốc Thái

Giá các loại nước mắm cũng tăng thêm 10%, hiện giá nước mắm Chinsu là 57.000 đồng/chai 
720ml, nước mắm Nam Ngư 49.000 đồng/chai 900ml. Giá đường cát, sữa, thực phẩm khô, trứng, gạo không tăng so với nửa tháng trước nhưng so với trước tết Nguyên đán đã tăng thêm 10 - 20%. 

“Giá thành sản phẩm bao gồm giá nguyên vật liệu, nhân công, phí vận chuyển… Giá xăng vừa qua có giảm nhưng không tương xứng với mức giá tăng nên không đủ lực để làm giảm giá hàng hóa” - ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh, nói. 

Cách điều hành giá chưa hợp lý

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính - hiện nay, việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước được theo chu kỳ 10 ngày/lần. Việc điều chỉnh tăng giảm giá dựa vào mức trích từ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Vừa qua, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định giảm mức chi từ quỹ bình ổn giá cho xăng dầu dẫn đến việc giá xăng dầu giảm quá ít so với mức tăng. Đòi hỏi doanh nghiệp (DN) giảm chi phí kinh doanh để hỗ trợ giảm giá xăng dầu là không hợp lý bởi các DN kinh doanh xăng dầu đang lỗ. 

Để giảm giá xăng dầu, chỉ có thể giảm về thuế và xem xét các yếu tố khác. Hiện nay, thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng là 8 - 20% tùy hiệp định, đối với các loại dầu là 0 - 7%. Xăng dầu Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc với mức thuế nhập khẩu xăng là 8% và dầu là 0%. Mức này đã quá ưu đãi nên không thể giảm thêm. Có hai loại thuế có thể giảm là thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, do đó không nên đánh thuế TTĐB. “Nếu không thể bỏ thuế này thì nên giảm để cân đối lợi ích giữa nhà nước, DN và người tiêu dùng” - ông Ngô Trí Long đề xuất. 

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - giá xăng dầu tăng đã kéo theo cước vận tải tăng thêm 1,36%, chi phí đánh bắt xa bờ tăng 1,95 - 2,34%, chi tiêu đi lại hằng ngày của các hộ tăng 3,9%. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường vừa qua đã giúp hạ giá xăng dầu, nhưng về lâu dài, cần phải có giải pháp điều hành giá xăng dầu đúng với cơ chế thị trường. Nên bỏ việc định giá theo chu kỳ 10 ngày/lần vì như vậy là lấy giá thế giới bình quân của chu kỳ trước áp cho chu kỳ tiếp theo, nếu ngày điều hành giá rơi vào dịp nghỉ lễ thì lùi vào kỳ điều hành tiếp theo. Điều này khiến giá xăng dầu trong nước không bám sát đúng giá thế giới và khi điều chỉnh thì dễ tăng sốc theo kiểu bật lò xo. Cách điều hành này cũng khiến DN xăng dầu càng nhập nhiều càng lỗ, dẫn đến tình trạng đầu cơ, găm hàng, ngưng bán để chờ giá tăng. Còn khi giá xăng dầu của thế giới giảm thì xảy ra tình trạng xả hàng trước chu kỳ điều hành giá, làm cho thị trường rối loạn. 

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, giải pháp hiện nay là trao quyền cho DN tự định giá để hoạt động kinh doanh theo đúng nguyên tắc thị trường. Để tránh thiệt hại cho người tiêu dùng, Nhà nước không buông lỏng mà vẫn tiếp tục kiểm soát. DN chỉ định giá trong biên độ nhất định khi các yếu tố hình thành giá có biến động 7% như trong quy định, nếu có biến động cao hơn thì Nhà nước can thiệp. Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ kiểm tra xem DN định giá có đúng không, nếu tăng bất hợp lý thì “thổi còi”. Có như vậy mới tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh về giá theo tín hiệu khách quan của thị trường. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI