Cân nhắc khi rút tiền để gửi nơi có lãi suất cao hơn

03/11/2022 - 05:51

PNO - Khi một số ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên 11%/năm, nhiều người đã vội tất toán khoản tiền đang gửi để chuyển sang ngân hàng khác có lãi suất cao hơn. Một số người còn mạo hiểm rút tiền tiết kiệm từ ngân hàng để gửi vào các tổ chức không có chức năng nhận tiền gửi.

Đua nhau mời gửi tiết kiệm lãi suất cao 

Các ngân hàng đang liên tục ra mắt sản phẩm tiền gửi tiết kiệm với lãi suất rất cao. Chẳng hạn, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Nam Á (Nam A Bank) có sản phẩm tiền gửi hưởng lãi suất 11%/năm cho kỳ hạn ba tháng, mức cao nhất trên thị trường hiện nay; Ngân hàng Quốc Dân (NCB) có lãi suất tiền gửi là 10,5%/năm cho khoản gửi từ 500 tỷ đồng trở lên và lần lượt 8,75%, 8,85%, 8,89%/năm với các khoản gửi dưới 500 tỷ đồng các kỳ hạn 12 tháng, 15-18 tháng và 24-60 tháng. 

Đang có rất nhiều quảng cáo thu hút tiền gửi với lãi suất cao của các tổ chức, quỹ đầu tư… trên mạng. Các chuyên gia khuyên người dân chỉ nên gửi tiền cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng có chức năng nhận tiền gửi - ẢNH: T.H
Đang có rất nhiều quảng cáo thu hút tiền gửi với lãi suất cao của các tổ chức, quỹ đầu tư… trên mạng. Các chuyên gia khuyên người dân chỉ nên gửi tiền cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng có chức năng nhận tiền gửi - ẢNH: T.H

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) niêm yết mức lãi suất 9,3%/năm cho các kỳ hạn 15, 18 và 24 tháng nếu gửi online. Lãi suất tiền gửi ở Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) là 8,7%/năm, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là 8,6%/năm, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) là 8,5%/năm. 

Anh V.D.H. (TPHCM) cho biết, anh vừa gửi tiết kiệm 5 tỷ đồng vào Ngân hàng N. với lãi suất là 8,8%/năm thì được nhân viên Ngân hàng P. mời gửi với lãi suất 10%/năm. Trước đó, lãi suất mà Ngân hàng P. công bố trong tháng 10/2022 cao nhất chỉ là 6,85%/năm. “Tôi thấy chênh lệch tiền lãi mấy chục triệu đồng/năm nên đang tính tới chuyện tất toán trước hạn ở Ngân hàng N. để chuyển sang gửi ở Ngân hàng P.” - anh H. nói. 

Lãi suất tiền gửi ở Ngân hàng K. là 8,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng nhưng qua mạng xã hội Facebook, chúng tôi được nhân viên tên H. của ngân hàng này mời gửi online kỳ hạn ba tháng với lãi suất 9,5%/năm, kỳ hạn sáu tháng là 11,4%/năm, 12 tháng là 11,7% với điều kiện số tiền gửi từ 100 triệu đồng. “Cả TP.HCM chỉ có một chi nhánh ở Q.3 có sản phẩm này. Chị có thể đến trực tiếp chi nhánh để được tư vấn cụ thể hơn” - H. nói.

Tương tự, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng được Ngân hàng V. niêm yết trên trang web là 7%/năm nhưng một nhân viên của chi nhánh ngân hàng này mời chào gửi tiền với lãi suất 8,5%/năm cho kỳ hạn từ 6-18 tháng, áp dụng cho khoản gửi từ 100 triệu đồng. 

Gần đây, nhiều người tự xưng là nhân viên các quỹ tài chính cũng liên tục dụ khách hàng rút tiền tiết kiệm từ ngân hàng để gửi vào các quỹ này với lãi suất cao hơn. G. - nhân viên quỹ FiBo Capital - nói, nếu gửi kỳ hạn một tháng thì lãi suất là 4,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng thì lãi suất 12%/năm và 24 tháng là 15%/năm. G. khuyên chúng tôi nên rút tiền gửi từ ngân hàng rồi gửi quỹ này để hưởng lãi suất cao hơn. 

Nhân viên Công ty cổ phần Lendbiz cũng kêu gọi khách gửi tiết kiệm kỳ hạn 1-12 tháng với lãi suất cao (11,5%/năm nếu gửi trên 500 triệu đồng). Nhân viên Công ty cổ phần Đầu tư tài chính PFS còn rao lãi suất lên đến 36%/năm. 

Phải cân nhắc về rủi ro 

Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng, việc các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm là điều dễ hiểu sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành. Lãi suất huy động của ngân hàng tăng sẽ kích thích khách hàng gửi tiền vào. Việc người dân chọn gửi ở nơi có lãi suất cao hơn cũng là điều bình thường bởi họ sẽ được lợi hơn. 

Việc rút tiền từ ngân hàng này để gửi vào ngân hàng kia có thể gây xáo trộn cho các ngân hàng nhưng không ảnh hưởng đến hệ thống tài chính. Điều đáng lo ngại là người dân không tiếp tục gửi vào ngân hàng khác mà vì ham lãi cao nên gửi tiền vào các tổ chức không có chức năng huy động tiền gửi. Với những người tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng, ông khuyên nên chọn kỳ hạn sáu tháng để chủ động nguồn tiền và mức lãi suất kỳ hạn này đang hợp lý. 

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - cho rằng, khi rút tiền gửi trước hạn, người gửi sẽ không được hưởng lãi suất như đã thỏa thuận với ngân hàng, chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn nên sẽ bị ảnh hưởng lợi ích. Khách hàng cần cân nhắc, tính toán kỹ khi muốn rút tiền gửi trước hạn ở ngân hàng này để gửi sang ngân hàng khác bởi quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cũng như mức lãi suất bình quân chung của thị trường hiện nay không tạo ra nhiều sự khác biệt lớn về lợi ích cho người gửi tiền nếu rút và gửi theo cách trên.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cũng cảnh báo, người dân không nên mạo hiểm rút tiền gửi trước hạn từ ngân hàng để gửi cho tổ chức không có chức năng nhận tiền gửi. Hiện chỉ có các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng được phép huy động vốn, nhận tiền gửi theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Ông nói: “Mọi hành vi huy động vốn, nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân không được pháp luật cho phép đều là sai phạm và bị xử lý nghiêm. Khi gửi tiền cho các tổ chức, cá nhân này, khả năng mất tiền là rất lớn. Vì vậy, người dân không nên tin vào những thông tin quảng cáo không chính xác, thông tin có tính chất lừa đảo”. 

Ông Lâm Minh Chánh - chuyên gia tài chính cá nhân - khuyên, khi muốn đầu tư, người dân cần hiểu rõ mình đang đầu tư vào công cụ, tài sản nào và nếu không hiểu rõ bản chất của công cụ, tài sản đó thì không “xuống tiền”. Nhân viên ngân hàng có thể cũng không hiểu hết bản chất sản phẩm, nhất là các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu lãi suất cao đang được quảng cáo lập lờ như sản phẩm tiền gửi tiết kiệm thông thường. Cũng có nhân viên hiểu nhưng vẫn cố tình chạy theo doanh số. Nếu người dân không tìm hiểu kỹ, tin nhân viên ngân hàng thì khi xảy ra rủi ro, bản thân sẽ lãnh hậu quả. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI