Cần nghiêm khắc chấn chỉnh tình trạng âm nhạc dung tục

26/06/2021 - 06:35

PNO - Gần đây, các sản phẩm âm nhạc có ca từ, hình ảnh dung tục lại xuất hiện, khiến dư luận xáo động. Phải làm gì để tình trạng đáng lo ngại này không tái diễn?

Tục từ ca từ đến hình ảnh

MV Hâm nóng của Emily hiện đang khiến dư luận phản ứng mạnh vì trong đó, nữ ca sĩ ăn mặc phản cảm, nhiều động tác gợi dục. Trước đó, Big Daddy cũng cho ra mắt MV Mẩy thật mẩy dung tục từ ca từ đến hình ảnh, đầy những hình ảnh vũ công ăn mặc thiếu vải, một số động tác của ca sĩ và vũ công được cho là mô phỏng việc quan hệ tình dục. Nhạc của anh của Andree cũng có những hình ảnh tương tự. Lời ca khúc mang nhiều từ ngữ thô tục, khơi gợi chuyện phòng the. Mời anh vào team em của Chi Pu cũng từng khiến dư luận dậy sóng vì xuất hiện quá nhiều hình ảnh hở hang, dung tục, tuy là sau đó đã kịp cắt khỏi MV.

Việc tự đưa ra cảnh báo sản phẩm chỉ phù hợp với người trưởng thành, động thái đổi lời cho sản phẩm trước khi được đưa lên sóng truyền hình chứng tỏ các ca sĩ này biết sự dung tục là có thật trong sản phẩm của mình, chứ không chỉ là phản ứng vô căn cứ của khán giả.

Emily trong MV Hâm nóng
Emily trong MV Hâm nóng

Những hình ảnh dung tục trong các MV hoàn toàn vô nghĩa và không hề hỗ trợ cho ca khúc, trở thành vết đen với ngành giải trí nước nhà, thực sự là mối nguy hại với khán giả trẻ. Ca sĩ và các ê-kíp có nhiều lý do để phủ sự dung tục lên sản phẩm.

Thứ nhất, là cách truyền thông bẩn, lợi dụng phản ứng đám đông để được chú ý. Thứ hai, sự dễ dàng của phương thức phát hành, không chịu sự kiểm duyệt. Thứ ba, sự phát triển của những ý tưởng “nổi loạn”, vượt chuẩn mực văn hóa. Chúng còn được dung dưỡng bởi một bộ phận không nhiều khán giả tung hô hết lời. Không ít lần báo chí, dư luận lên tiếng, nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn. 

Hàn Quốc: Đài truyền hình cấm cửa sản phẩm bẩn

Mới đây, ca khúc Switch it up của ca sĩ JayB bị đài KBS cấm cửa khi chứa nhiều từ ngữ quá táo bạo, phản cảm. Bobby (iKON) và Mino (Winner) của YG từng cùng lúc bị các đài cấm ba ca khúc là Holup!, BodyFull House vì có tên thương hiệu, ca từ khiến giới trẻ suy nghĩ tiêu cực. Knock out của GD&TOP bị cả ba đài truyền hình KBS, MBC và SBS cấm cửa vì sử dụng tiếng lóng, nội dung không phù hợp đại chúng…

Trong một cuộc phỏng vấn, Big Daddy và Emily cho biết, họ mong phụ huynh sẽ kiểm soát việc con em xem gì, trước phản ứng trái chiều về sản phẩm của họ. Người làm ra sản phẩm là nghệ sĩ, nhưng trách nhiệm lại giao cho người khác, liệu có hợp lý? Thậm chí, Tiên Cookie (người đứng đầu dự án với sự tham gia của Emily, Big Daddy) cho rằng toàn thể nghệ sĩ trong công ty có phúc cùng hưởng, có “ăn chửi” thì cùng đọc bình luận, và nhấn mạnh đây là “chuyện nhỏ”.

Thuốc đắng mới mong dã tật

Với thực tế này, cơ quan quản lý về văn hóa sẽ là người có khả năng tác động mạnh nhất để tạo ra sự thay đổi. Tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có quy định về hành vi cấm sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn, hành vi trái với thuần phong mỹ tục, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội. Đây là căn cứ để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.

Cần có
Cần có cần có sự nghiêm khắc chấn chỉnh những hình ảnh, ca từ dung tục trong các MV ca nhạc

Cần chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi lệch chuẩn

Mỗi nhạc sĩ khi viết ra một bài hát đều phải vươn tới sự hoàn mỹ từ nội dung, giai điệu, ca từ, ý nghĩa, thậm chí đến cả tựa bài hát cũng phải đẹp.

Một bài hát có thể hay hoặc chưa hay, có thể dở hoặc không hợp thời, có thể mang tính thị trường hay mang chất học thuật, nhưng tuyệt đối không được vô sỉ, dung tục. Vì đó là đứa con tinh thần, đại diện cho tâm hồn và phông văn hóa của người nhạc sĩ.

 Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung

Tuy nhiên, trong cuộc họp phổ biến nghị định này tại TP.HCM vào tháng Tư vừa qua, điều khiến không ít cơ quan quản lý tại địa phương băn khoăn chính là khái niệm “trái thuần phong mỹ tục” sẽ được hiểu như thế nào cho chính xác, và có căn cứ nào để xử lý nghệ sĩ khi có dấu hiệu vi phạm? Thời điểm đó, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể để địa phương thực hiện.

Trong một cuộc trò chuyện gần đây với Báo Phụ Nữ TP.HCM, NSND Kim Cương chia sẻ: “Không phải không có lý do để nghệ sĩ được gọi là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Bởi đây là lực lượng giúp lan tỏa những điều tốt đẹp cho xã hội, giúp con người sống chuẩn mực, có văn hóa, biết cổ vũ những điều tốt, bài trừ cái xấu. Người làm văn hóa xấu có thể giết chết một thế hệ”.

Đã đến lúc cơ quan quản lý về văn hóa cần có sự nghiêm khắc chấn chỉnh. Thuốc đắng mới mong dã tật. 

Thực trạng này không chỉ thể hiện sự tầm thường trong nghệ thuật, coi nhẹ những giá trị nghệ thuật dành cho xã hội, mà còn cho thấy sự dễ dãi trong thị hiếu của khán giả, yếu kém trong định hướng phát triển nghệ thuật của các cơ quan quản lý nhà nước. 

Nghệ thuật chỉ có ý nghĩa khi đóng vai trò tích cực và phục vụ cuộc sống. Chúng ta có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam. Những bài hát, câu chuyện, bài thơ, bộ phim thậm chí một bức tranh… đều mang thông điệp quan trọng về triết lý sống. Vì vậy trong sáng tạo nghệ thuật, nghệ sĩ luôn cần ý thức về trách nhiệm công dân, nghĩa vụ đạo đức đối với người khác, để từ đó, các tác phẩm nghệ thuật của họ đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Bên cạnh giáo dục về nhận thức thì cần chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi lệch chuẩn.

Phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI