Cán bộ đặc thù

01/07/2022 - 06:22

PNO - Những bất cập, vướng mắc trong việc cơ cấu số lượng, trợ cấp cho cán bộ xã, phường đang gây áp lực cho cán bộ cơ sở, làm giảm chất lượng phục vụ người dân.

Lúc 10g20 ngày 30/6, khu vực giải quyết thủ tục hành chính của UBND quận Bình Tân, TPHCM chật kín người nên cán bộ làm việc không ngơi tay. Hình ảnh này được truyền trực tiếp về Sở Nội vụ TPHCM. Đây là hoạt động giám sát công vụ thông qua hệ thống camera, đang được TPHCM triển khai ở hầu hết các đơn vị nhà nước.

Người dân chờ làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa khu vực 3, TP. Thủ Đức, TPHCM - Ảnh: Sỹ Đông/ TNO
Người dân chờ làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa khu vực 3, TP. Thủ Đức, TPHCM - Ảnh: Sỹ Đông/ TNO

Một cán bộ ở Sở Nội vụ TPHCM nói với chúng tôi rằng, hệ thống camera chủ yếu để giám sát thái độ ứng xử của cán bộ với dân chứ hầu như không thể có cảnh cán bộ “ngồi chơi xơi nước” bởi khối lượng công việc mà mỗi cán bộ phải đảm trách quá nhiều. Mặt khác, nếu so sánh về mức lương và thu nhập với các ngành nghề khác thì cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền rất thiệt thòi. 

“Gần đây, nhiều y, bác sĩ xin nghỉ việc do thu nhập thấp. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng nếu so ra thì thu nhập của công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền còn thấp hơn y, bác sĩ rất nhiều” - vị cán bộ này nói.

Hiện nay, TPHCM có hơn 14.000 công chức, chiếm 5,65% công chức của cả nước. Trong khi đó, nếu tính dân số không có hộ khẩu thường trú và tạm trú dài hạn (KT3), TPHCM hiện có khoảng 14 triệu dân, chiếm 14% dân số của cả nước. Nếu tính theo số dân, một công chức ở TPHCM phục vụ số dân đông gấp ba lần so với trung bình cả nước. Đó là chưa kể, với vị trí “đầu tàu kinh tế” như TPHCM, khối lượng công việc của công chức lớn hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành khác. 

Do đó, nếu áp số lượng công chức theo đơn vị hành chính thì rất khó để đảm bảo chất lượng công tác quản lý nhà nước ở TPHCM. Đơn cử, nếu so với TP. Đà Nẵng thì dân số TPHCM nhiều gấp tám lần nhưng biên chế công chức chỉ gấp 5,6 lần.

Một công chức phụ trách lĩnh vực địa chính - xây dựng ở một xã đông dân của huyện Bình Chánh cho biết, đợt rồi, anh không được hưởng thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND của HĐND TPHCM do chỉ được xếp loại “hoàn thành nhiệm vụ”.

Anh tâm sự: “Địa bàn rộng, dân đông, một mình quản lý 4-5 ấp với trên 40.000 dân nên chỉ riêng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đã không xuể, làm sao giám sát chặt địa bàn. Chỉ cần địa bàn xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng là mình bị xếp loại thấp, thu nhập cũng thấp theo”.

Một nữ cán bộ từ đơn vị chuyên môn cấp quận vừa về làm lãnh đạo cấp phường ở TPHCM cũng cho biết, gần nửa năm về địa phương, công việc vận hành khá trôi chảy, được cấp trên đánh giá cao, khen thưởng ở một số lĩnh vực. Thế nhưng, chị tự nhận khuyết điểm là bản thân “chưa thật sự gần dân”. 

Chị tâm niệm rằng, để phục vụ dân tốt, cán bộ phải thường xuyên đi thực tế để tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân. Nhưng nửa năm qua, chị xoay vần với công việc chuyên môn và các cuộc họp nên chưa thể đến hết các địa bàn thuộc phường mà mình quản lý. Sắp tới, chị còn phải choàng gánh thêm công việc cho phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực đô thị bởi vị này đang quá tải công việc. Theo chị, nếu phường đông dân được có thêm một phó chủ tịch thì lãnh đạo UBND phường như chị mới có thời gian đi thực tế, gần dân hơn.

Từ những câu chuyện trên, có thể thấy sự bất cập trong cơ cấu số lượng cán bộ cấp xã, phường, thị trấn ở TPHCM. Địa bàn TPHCM rất đặc thù, có đến 41 phường, xã, thị trấn có dân số vượt gấp ba lần quy định về quy mô dân số theo tiêu chuẩn phường thuộc quận. Trong đó, rất nhiều xã, phường có dân số tương đương một huyện, thậm chí là nửa tỉnh vùng cao. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các phường, xã này vẫn chỉ được bố trí 36-37 cán bộ như các xã, phường có quy mô dân số 15.000 người. Như ở xã Vĩnh Lộc A và B của huyện Bình Chánh, mỗi cán bộ đang phải phụ trách trên 4.500 dân.

Những bất cập, vướng mắc trong việc cơ cấu số lượng, trợ cấp cho cán bộ xã, phường đang gây áp lực cho cán bộ cơ sở, làm giảm chất lượng phục vụ người dân. Để giải quyết vấn đề này, TPHCM cần được áp dụng cơ chế đặc thù cho các xã, phường, thị trấn đông dân. Số lượng cán bộ được bố trí cho các địa phương cần tương ứng với số lượng dân cư, đồng thời cần có chính sách trợ cấp, phụ cấp đủ để cán bộ an tâm công tác, phục vụ người dân. 

Chất lượng phục vụ nhân dân cần phải tỷ lệ thuận với chất lượng sống của cán bộ, công chức, viên chức.

Nhật Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI