Căn bệnh kỳ lạ khiến người phụ nữ đổ vỡ hôn nhân

26/01/2021 - 21:16

PNO - Nhiều năm sống trong đau khổ, hôn nhân đổ vỡ, chị N.T.H. 56 tuổi, không hay biết mình sinh ra không có âm đạo như những người con gái khác.

 

Bệnh viện E tiến hành phẫu thuật, tạo hình âm đạo cho người phụ nữ 56 tuổi
Bệnh nhân được các bác sĩ Bệnh viện E phẫu thuật, tạo hình âm đạo 

Ngày 26/1, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết vừa tiếp nhận một phụ nữ 56 tuổi suốt nhiều năm chung sống với việc khiếm khuyết bộ phận sinh dục mà không hề hay biết.

Chị N.T.H. kể, khi chị 15-16 tuổi, gia đình thấy con gái mãi không có kinh nguyệt nên đưa đi khám. Bác sĩ kết luận chị không có kinh nguyệt, khó có con. Biết bộ phận sinh dục của mình bất thường nhưng chị hoàn toàn không được giải thích về chuyện không có âm đạo.

Năm 23 tuổi, chị lập gia đình. Lúc đầu, trông mãi vẫn không mang thai, vợ chồng chị nghĩ do hiếm muộn. Tuy nhiên, chuyện "vợ chồng" gặp nhiều khó khăn, cộng với áp lực sinh con khiến hôn nhân của chị đổ vỡ. Từ đó, chị không muốn "đi thêm bước nữa".

Mới đây, đọc báo thấy nhiều phụ nữ trẻ bị khiếm khuyết âm đạo được Bệnh viện E phẫu thuật, tạo hình thành công, chị H. tìm tới bệnh viện này để được thăm khám và tư vấn.

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh cho biết, bệnh nhân N.T.H. được chẩn đoán mắc hội chứng bất sản ống Muller (không có âm đạo bẩm sinh). Không chỉ không có âm đạo, bệnh nhân còn không có tử cung, các chỉ số hormone, nội tiết thiếu hụt do thiểu sản buồng trứng.

Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật tạo hình âm đạo cho bệnh nhân bằng niêm mạc môi bé (hoặc cả phần môi lớn phì đại). Phương pháp này vừa giúp tạo hình âm đạo, vừa giúp làm đẹp vùng tầng sinh môn cho bệnh nhân.

Đặc biệt, các bác sĩ tự chế tạo khuôn nong âm đạo bằng vật liệu silicon y học cho bệnh nhân. Khuôn nong này không những đảm bảo về chất lượng mà còn an toàn và tiết kiệm chi phí cho người bệnh. Bệnh nhân sẽ sử dụng ống nong trong 3-6 tháng.

Theo y văn thế giới, hội chứng bất sản ống Muller khiến âm đạo, tử cung không phát triển. Bệnh nhân vẫn có 2 buồng trứng, các hormone giới tính trong giới hạn bình thường. Các bộ phận khác trên cơ thể bé gái mắc bệnh vẫn phát triển nhưng lại không có cơ quan sinh dục.

Tình trạng nữ giới không có âm đạo chiếm tỷ lệ khoảng 1/4.000 tới 1/10.000 ca, nghĩa là, cứ 4.000 trẻ em gái sinh ra thì có 1 bé không có âm đạo.

Bác sĩ Minh khuyến cáo mọi bất thường ở cơ quan sinh sản cần được khám và điều trị kịp thời. Ví dụ, bé gái tuổi dậy thì nhưng không có kinh nguyệt, không quan hệ tình dục được khi trưởng thành… đều phải thăm khám sớm. Hầu hết các dị tật "vùng kín" đều có thể phát hiện bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thông thường như: siêu âm, CT scan, chụp X-quang; riêng MRI được áp dụng trong những ca bệnh khó xác định.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI