Cách “cứu” trẻ nghiện thiết bị điện tử

21/10/2021 - 06:09

PNO - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trẻ buộc phải học online và phụ huynh không thể cấm trẻ sử dụng thiết bị điện tử. Tuy nhiên, nếu trẻ không được dạy cách sử dụng thiết bị điện tử một cách “thông minh” thì trẻ dễ dẫn đến không kiểm soát và bị nghiện.

Nguy cơ về sức khỏe tinh thần

Nhận được tin nhắn của cô giáo cho biết con không làm bài tập đầy đủ, chị N.T. (ở quận Tân Bình, TPHCM) hết sức giận dữ và “ra tối hậu thư” với con nếu tái phạm sẽ không cho học online nữa và cấm luôn việc sử dụng laptop.

Chị T. kể: “Buổi sáng, con mở máy tính học đến gần 11 giờ. Sau khi ăn cơm xong, con lại cầm điện thoại để xem. Đến 13 giờ, con tiếp tục mở laptop. Tối con lại mở máy thêm một lần nữa. Hỏi đến, con đều nói đang học. Vậy mà, các cô luôn than phiền con học không tập trung và thường xuyên không nộp bài cô giao”. 

Trẻ cần được học kỹ năng để tránh bị nghiện thiết bị điện tử khi học online - ẢNH: GIA NHI
Trẻ cần được học kỹ năng để tránh bị nghiện thiết bị điện tử khi học online - Ảnh:  Gia Nhi

Trong khi đó, em D.N. và các bạn cùng lớp Bốn tại một trường ở quận Tân Phú (TPHCM) lập nhóm chat trên Zalo để nói chuyện sau ba tiếng học online với nhau. Cứ 5 - 10 phút, D.N. lại mở iPad xem các bạn nhắn gì với mình. Ngoài ra, em còn kết bạn ở các trường học khác để nói chuyện thông qua trang web học toán trực tuyến mà em đang vào học.

Em cũng dùng iPad để chơi game giải trí mỗi ngày. Hôm nào, bị cha mẹ phạt không cho sử dụng iPad thì em thấy khó chịu trong người. Gần đây, D.N. còn hay cáu gắt khi nói chuyện với em trai… 

Chuyên gia tâm lý học đường Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng được tổ chức ngày 16/10 rằng, nhiều thầy cô cho biết họ phát hiện học sinh bật máy lên học online, nhưng lại thu nhỏ màn hình và mở một cửa sổ khác để chơi game, hoặc lướt web. Nhiều học sinh bị phát hiện truy cập vào các web bạo lực. So với các năm học trước, thành tích học tập của học sinh học online thấp hơn.

Chuyên gia tâm lý này cho biết có nhiều phụ huynh liên hệ xin tham vấn cho con họ vì chúng nghiện điện thoại và các nền tảng khác trên mạng. 

Bác sĩ chuyên khoa II Lâm Hiếu Minh, Đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho hay có rất nhiều trẻ được đưa đến đơn vị tâm lý cũng như các khoa tâm lý tại nhiều bệnh viện khác tư vấn do nghiện thiết bị thông minh. Đây là xu hướng của thời đại vì hiện tại trẻ buộc phải sử dụng thiết bị thông minh để học online.

Ngoài ra, ngày càng nhiều phụ huynh đưa thiết bị điện tử cho con sử dụng nhưng không có biện pháp kiểm soát, cũng không có hướng dẫn cho con. Khi trẻ bị đam mê, bị lệ thuộc rất nhiều, dẫn đến những vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Trẻ dưới sáu tuổi bị nghiện thiết bị thông minh dẫn đến rối loạn hành vi và mất ngủ. Nhiều trẻ có thể tấn công cả cha mẹ và tự cào cấu bản thân nếu không được cho dùng điện thoại. Khi sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều, trẻ dễ bị chậm nói.

Đối với trẻ học tiểu học trở lên, nghiện thiết bị thông minh gây rối loạn giấc ngủ và rối loạn hành vi đi kèm kém tập trung chú ý, sa sút học tập, có vấn đề trong mối quan hệ bạn bè và thầy cô. Vì vậy, ngăn ngừa và giúp các cháu sử dụng đúng là rất quan trọng. 

Dạy trẻ cách kiểm soát

Theo lời khuyên của bác sĩ Lâm Hiếu Minh, cha mẹ nên là tấm gương trong việc sử dụng thiết bị điện tử hợp lý. Nhiều cha mẹ cũng nghiện thiết bị thông minh, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19. Vì vậy, cha mẹ phải thay đổi hành vi trước khi sửa hành vi của con.  

“Để con không bị nghiện thiết bị thông minh, con cần những thứ khác hấp dẫn và thu hút như thiết bị thông minh. Cha mẹ có thể thiết kế những góc và giờ chơi, đọc sách với con trong nhà hoặc đi công viên, đi bơi. Cha mẹ dành thời gian để chơi với con nhằm giúp con không nghiện thiết bị thông minh.

Dành thời gian cho con quan trọng không chỉ ngăn ngừa nghiện thiết bị thông minh mà còn ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe tinh thần. Nhiều trẻ bây giờ bị căng thẳng và gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống. Có nhiều trẻ có mấy trăm bạn ảo nhưng lại không có bạn thật”, bác sĩ Lâm Hiếu Minh chia sẻ thêm.

Ngoài ra, cha mẹ phải biết cách kiểm soát nội dung trên thiết bị điện tử đồng thời phải nói chuyện rõ với con. Cha mẹ giao con iPad để học và xem thì trách nhiệm của con là gì. Cha mẹ và con thỏa thuận với nhau về những gì con được xem và không được xem. Khi con học trên máy tính thì con chỉ tập trung học và không mở các chương trình khác. Sau khi học xong thì con được phép xem giải trí trong một khoảng thời gian nhất định.

Nếu con không làm theo thỏa thuận thì cha mẹ sẽ không cho sử dụng iPad trong một khoảng thời gian. Cha mẹ cũng không nên cho con xem quá khuya.  

Chuyên gia tâm lý học đường Phan Thị Cẩm Giang cho rằng: Trẻ cần được giáo dục cảm xúc xã hội để hiểu biết và quản lý tốt bản thân. Chẳng hạn như biết lên mạng bao nhiêu giờ là đủ, sử dụng mạng liên tục có tác hại gì? 

“Khi được giáo dục cảm xúc, trẻ sẽ tích cực hơn với bản thân và người khác, nhận thức được cái gì nên và không nên làm”, cô Phan Thị Cẩm Giang nhận định. Điều này rất có ích cho trẻ khi trở lại trường. Cô đề xuất các trường nên đưa giáo dục cảm xúc xã hội vào chương trình giảng dạy, bởi trẻ cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Trẻ cần được dạy để hình thành những kỹ năng quan hệ xã hội, nhận thức xã hội và đưa ra vấn đề có trách nhiệm. 

Khi nào cần cho trẻ đi khám tâm lý?

Khi cha mẹ thấy mỗi ngày nếu con sử dụng thiết bị điện tử liên tục trong hai giờ, không thể tách rời thiết bị điện tử trong khi ăn, khi học và cả khi vào nhà vệ sinh; các con khó ngủ, nằm mơ, chất lượng giấc ngủ kém, sức khỏe tinh thần sa sút, khả năng tập trung kém, kết quả học tập kém và không thích gì khác ngoài thiết bị điện tử thì cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ tâm lý. 

Trẻ chậm nói, rối loạn phát triển, và cảm xúc thì phụ huynh cũng nên đưa đến cơ sở y tế khám để các bác sĩ trò chuyện với trẻ và cả cha mẹ nhằm giúp trẻ cách sử dụng thiết bị thông minh mà không bị lệ thuộc vào chúng.

 Gia Nhi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI