Các chuyên gia cảnh báo ngừng chính trị hóa K-pop

21/10/2020 - 12:45

PNO - Trong những năm gần đây, K-pop không chỉ đơn thuần là âm nhạc mà còn ảnh hưởng tích cực đến ngoại giao giữa Hàn Quốc và các nước trên thế giới.

Gần đây, BTS đã phải đối mặt với sự tranh cãi gay gắt sau khi 7 chàng trai nhà Big Hit nhận được giải thưởng từ tổ chức phi lợi nhuận The Korea Society có trụ sở tại Hoa Kỳ, vì những đóng góp cho mối quan hệ Hàn Quốc-Mỹ. 

Trong bài phát biểu nhận giải, trưởng nhóm RM đã đề cập đến Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953: "Chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ lịch sử đau thương mà hai quốc gia chúng ta (Mỹ từng hỗ trợ Hàn Quốc trong quá khứ) đã chia sẻ cùng nhau, sự hy sinh của vô số đàn ông và phụ nữ".

Những nhận xét tưởng vô thưởng vô phạt của RM đã khiến hàng triệu người dùng mạng xã hội Trung Quốc phẫn nộ, họ cho rằng BTS đã bỏ qua những hy sinh của người Trung Quốc. Làn sóng tranh cãi lớn đến mức buộc các tập đoàn hàng đầu như Samsung Electronics và Hyundai Motor phải xóa các sản phẩm, quảng cáo có chủ đề BTS khỏi các trang web của họ ở xứ Trung.

BTS gây tranh cãi vì phát biểu liên quan đến Chiến tranh Triều Tiên.
BTS gây tranh cãi vì phát biểu liên quan đến Chiến tranh Triều Tiên.

Trong những năm gần đây, K-pop liên tục đối diện với những khó khăn khi vấn đề ngoại giao giữa Hàn Quốc với các nước láng giềng ảnh hướng tiêu cực đến sự phát triển và mở rộng thị trường. Do đó, các chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy sự tách biệt giữa văn hóa và chính trị.

"Khi nói đến các vấn đề ngoại giao hoặc lịch sử, xung đột là điều khó tránh khỏi, thậm chí không thể giải quyết được. Tôi nghĩ BTS đã làm những gì họ có thể làm trong tình huống nhất định, và người đáng trách là những người cố gắng đóng khung nó với chủ nghĩa dân tộc" - nhà phê bình văn hóa Jung Duk-hyun nói với The Kores Herald.

Nhà phê bình văn hóa nhấn mạnh: "ĐIều quan trọng nhất ở đây là chúng ta nên để văn hóa phục vụ mục đích tốt nhất của nó là thúc đẩy sự giao lưu giữa người dân các nước với nhau, vượt qua các rào cản về ngôn ngữ và lịch sử".

Lee Gyu-tak, giáo sư tại Đại học George Mason Hàn Quốc, cũng đưa ra cảnh báo về những tranh cãi tương tự sẽ gia tăng trong tương lai khi K-pop mở rộng sự hiện diện của mình trên phạm vi toàn cầu.

Trước BTS, vào tháng 8, nữ ca sĩ Lee Hyori cũng bị tấn công sau khi đề xuất "Mao" làm nghệ danh trong chương trình thực tế Hangout with Yoo của đài MBC. Ngay lập tức, vô số những bình luận tiêu cực của khán giả Trung Quốc để lại dưới tài khoản cá nhân Instagram của cô, cho rằng Lee Hyori đã coi thường nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông của họ.

"Tôi tin rằng tốt nhất nên cho phép các thành viên nhóm nhạc K-pop tự do bày tỏ ý kiến và tập trung vào sự nghiệp, thay vì phản ứng thái quá hay châm ngòi tranh cãi bởi một số phát biểu, trừ khi có liên quan đến phân biệt chủng tộc, giới tính hoặc các vấn đề đạo đức" - giáo sư Lee Gyu-tak cho biết.

Chung Thu Hương (theo Korea Herald).

Từ khóa BTSK popLee Hyori
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI