Cá ơi!

18/07/2020 - 16:12

PNO - Cho dù đã trải qua không biết bao nhiêu mùa hè và bao nhiêu con trăng, dù đã xa con đường cát nhỏ với hàng xương rồng hai bên không biết bao mùa, tiếng gọi “cá ơi” vẫn cứ ở đó, như một tiếng nhắc, để kết nối và níu giữ những đứa con vùng biển miền Trung trở về.

1. Hôm kia, tự dưng mẹ tôi buộc miệng: thèm cá cơm kho rúc quá. Cá cơm kho rúc, chao ơi là nhớ! Có lần tôi trò chuyện với một đứa bạn Sài Gòn, nó hỏi “kho rúc là kho gì?” và tôi không thể định nghĩa được, cũng không biết còn nơi nào khác gọi bằng tên này như ở quê mình không. Mẹ tôi bảo, người miền quê thường gọi tên những thứ xung quanh mình bằng diễn từ âm thanh, chữ “rúc” ở đây là âm thanh của nồi cá sôi trên lửa lớn - nồi cá kho có nhiều nước, rất khác loại kho keo (còn gọi là kho khô) thường thấy. 

Đong chén cá cơm tươi roi rói để đó, phi dầu phộng với củ nén cho thơm rồi đổ nước vào nồi, nêm nếm thật đậm đà, đợi nước sôi lên đổ chén cá cơm vào, ra sau hè bẻ trái ớt hiểm trên cây, quăng vào nồi cá đang sôi. Kiểu kho này rất khác với cách kho cá truyền thống, gồm nhiều bước ướp, gia vị cầu kỳ của miền Trung. Thành phẩm là nồi cá cơm kho thơm phức, hăng hăng mùi ớt và còn nhiều nước, “để chan cơm” - như cách mẹ tôi lý giải.

Thật ra với bọn tôi, cá cơm kho rúc tuyệt vời nhất không phải để ăn cùng cơm, mà là xúc với bánh tráng (bánh đa) nướng cho buổi xế hoặc tối khuya, khi cả đám đứa nào cũng ngót bụng sau vài tiếng ngồi tán dóc trên đống lá dừa mát lạnh hoặc sau vài trận kéo co, chơi tù u dưới trăng. Bẻ miếng bánh tráng nướng giòn rụm, thơm mùi gạo mà nhà ai cũng có sẵn, xúc cá cơm trong nồi vừa kho xong còn ấm nóng cho vào miệng, mùi gạo nướng, mùi cá lẫn mùi củ nén hòa vào nhau, là một thứ thành phẩm tuyệt hảo. 
Đám trẻ con bọn tôi, hầu như ngày nào cũng vậy, học bài xong xuôi, là tập trung tại chái hè hoặc đống lá dừa của nhà một đứa nào đó trong nhóm, nằm hóng gió mùa hè tám chuyện xóm trên xóm dưới. Những đêm từ tháng Ba đến tháng Năm âm lịch, gần như mỗi đêm, tầm 7g tối chúng tôi sẽ nghe tiếng rao “cá khônggggg” vọng lại từ xa. Kế tiếp đó sẽ là dáng một người phụ nữ bưng thúng cá neo một bên hông, xuất hiện cuối con đường nhỏ với những bước chân thoăn thoắt. Cứ vài bước, bà sẽ “cá khônggggg” một lần. Ai muốn mua sẽ bước ra cổng rào, gọi “cá ơi” và bà ghé lại. 

Đó là những con cá cơm vừa được kéo dưới ghe lên trong tối, lớp da còn sáng trong. Dân quê ngày ấy không có tủ lạnh để bảo quản, mà cá cơm lại là loại rất nhanh ươn, thế nên khi những ông chồng ngư dân bước từ ghe vào nhà ngồi châm điếu thuốc cũng là lúc những bà vợ đổ cá ra thúng nhỏ, bỏ vào đó một cái chén ăn cơm, bê đi với tiếng rao vang vọng khắp ngõ xóm. Giá bán cá khi này cũng rẻ hơn ở chợ sáng một chút, đủ để đám trẻ bọn tôi hùn tiền quà vặt của mình lại, mua vài chén.

Tưởng ít người mua nhưng không, sau “cá khônggggg” là lịch kịch những tiếng mở cổng. Đó là những nhà muốn có nồi cá kho lúc 4g sáng để ăn cùng chén cơm nóng dằn bụng cho kịp ra đồng quần quật một ngày, là những thanh niên hay lũ trẻ nít rủ nhau tán dóc hay bày trò chơi vừa kịp đói bụng. Mà thật ra, đói thì ít, vui vì cùng nhau lăng xăng kho cá, xúc cá thì nhiều. Ở quê thời ấy, cân là một dụng cụ xa lạ, dân quê định lượng mọi thứ bằng chén, bằng lon. Chúng tôi 4-5 đứa, mua hai chén cá là vừa bụng. Thổi bếp lửa lên, 10 phút sau là đã có nồi cá kho rúc tuyệt hảo. 

Trong đêm khuya, khi mọi thanh âm của nhịp sống đã vắng dần, bỗng vang lên tiếng rao cá vòng vọng, như một viên sỏi nào đó vừa khuấy nhẹ mặt hồ mùa đông. Rồi tiếng lách cách mở cửa đáp lời, tiếng đong đong đếm đếm, tiếng chào hỏi “nay ghe đi được nhiều không?”, “mai chị đi cấy cho nhà nào?”… nối tiếp - thanh âm đó trở thành nhịp điệu chạy dài suốt tuổi thơ chúng tôi, khuấy dềnh lên những cuộn sóng nhớ suốt những tháng năm sau này. 

2.Với bọn trẻ chúng tôi ngày ấy, cá cơm còn gắn với một trò trêu chọc thật đặc biệt. Không nhiều người biết vảy trên da cá cơm có một lớp như lân tinh. Cá càng tươi, lớp lân tinh càng dày. Với mớ cá được mẹ mua trong buổi chợ sáng, chúng tôi rửa cá và cố ý khều nhẹ lớp da đó, rồi chắt những gì lóng dưới thau nước rửa đem để ngoài nắng. Nắng làm nước bốc hơi, để lại một lớp bột mịn mịn màu trắng nhờ, là tế bào da cá. Những đêm tối trời, khi những ngọn đèn dầu trong nhà đã tắt, người đứng cách người chỉ một mét cũng không nhìn thấy nhau, chúng tôi bôi lên mười đầu ngón tay mình lớp bột da cô đặc - chất lân tinh đó, rồi giơ lên không trung hoặc vẽ những nét như một khung sọ lên mặt mình. Tôi không nhớ đã có bao nhiêu chị, bao nhiêu cô trong xóm hét lên, bật khóc, thậm chí suýt ngất vì bỗng dưng có những đốm sáng mang hình hai bàn tay, xương sọ nhảy múa trước mặt trong bóng tối đặc quánh. 

Mà, chẳng hiểu sao chúng tôi lại đam mê kỳ lạ với trò trêu chọc “ác ôn” (từ của chị hàng xóm) đó nữa. Lúc nào cả đám cũng phá ra cười, bỏ chạy. Không có nạn nhân nào nhìn thấy mặt đứa “ác ôn” vì đêm quá tối nhưng qua tiếng cười, chúng tôi bị nhận diện khá chính xác, để rồi sau đó là trận đòn nhừ tử từ mẹ. Vậy mà cứ nhà đứa nào hôm đó mua cá cơm tươi, nhiều thì cả đám lại thì thì thào thào với nhau, bàn bàn tính tính… 

Mãi hơn 20 năm sau, gặp lại nhau ở Sài Gòn, chị hàng xóm còn nhìn tôi đầy “thù dai”: “Hồi đó tao… tè ra quần vì bọn mày!”. Chị mắng rồi kể, sau một lần trở thành nạn nhân, lúc nào bước ra vườn vào những đêm tối chị cũng không rời chiếc đèn dầu, kèm một cái roi dài, hòng sẽ quất cho mỗi đứa vài roi thật đau nếu còn dám nhát ma chị.

Tôi thì, chẳng khác người mẹ đã 70 tuổi của mình là mấy, cứ mỗi khi vô tình bắt gặp mặt trăng tròn treo trên cao vào mỗi mùa hè, dù chẳng cảm nhận được ánh sáng của nó nơi đô thị, tôi lại nhớ mình của những đêm chạy bật ra cổng rào, gọi “cá ơi” da diết. Nhớ tiếng sôi “rúc rúc” của nồi cá trên lửa, nhớ tiếng bẻ bánh tráng nướng trong đêm tĩnh, nhớ đám bạn gái trai gì cũng mày - tao ráo trọi… Tôi khỏa nỗi nhớ của mình bằng việc nhờ chị gái ở quê mua vài ký cá cơm, đông lạnh rồi gửi vào. Lần nào cũng vậy, bắc nồi nước kho xong tôi gọi vài cuộc điện thoại cho đám bạn tuổi thơ: “Tối nay nhà tao có cá cơm kho rúc”. Đứa hét ầm lên rồi ghen tị và thèm thuồng, đứa ngay lập tức phi xe chạy đến… Sài Gòn này, nơi thứ gì cũng có, chỉ có ký ức là phải tự kiến tạo. Đám bạn ngày nào, giờ có đứa mỗi ngày ký vài hợp đồng trị giá tiền tỷ; có đứa nói tiếng Anh như gió với các chuyên gia đến từ Úc, Mỹ… vậy mà ngồi đó, hít hà và nâng niu con cá cơm bé tí, xuýt xuýt xoa xoa, như trước mắt mình là hảo vật thế gian. 

Thôi thì, nếu có thể kiến tạo lại ký ức, dù chỉ một góc nhỏ xíu thôi, dù tiếng “cá ơi” chẳng thể nào còn nữa, cũng đã quý cho một đời 
tha hương… 

Chinh Hàn

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI