Cá lóc nướng có gì tốt mà mùng 10 người Sài Gòn hay ăn?

03/02/2020 - 07:04

PNO - Cá lóc (cá tràu, cá chuối, cá quả…) là giống cá nước ngọt, sinh sống tự nhiên hoặc được nuôi với số lượng lớn và được nhiều người dân mua ăn vào ngày vía Thần tài mùng 10 Tết.

 

Theo Đông y, cá lóc có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ khí huyết, gân xương, trừ đàm (dùng tốt cho những trường hợp bị các bệnh phổi), giúp sản phụ tăng lượng sữa sau sinh, bồi bổ cho người mới khỏi bệnh vì đường tiêu hóa dễ hấp thu. Vì lẽ đó, cá lóc không chỉ được dùng làm thực phẩm mà còn hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho người bệnh.

Tại Sài Gòn, bà con thường ăn cá lóc vào mùng 10 - ngày vía Thần tài để cầu mong một năm sung túc.

Dưới đây là một số món ăn bổ dưỡng và trị bệnh từ cá lóc:

Chữa cảm lạnh

Cá lóc (500g) làm sạch, luộc hoặc nướng gỡ lấy thịt, xào hành mỡ cho thơm. Gạo tẻ ngon (200g) nấu nhừ sau đó cho cá vào nấu sôi lên. Khi ăn múc ra tô cho thêm gừng, hành, tiêu, nước mắm, bột ngọt vừa đủ. Ăn nóng cho ra mồ hôi.

Các vị trên phối hợp thành món cháo ngon bổ tỳ vị, giải phong hàn. Món ăn này rất tốt với người bị cảm lạnh, sợ gió, đau đầu nghẹt mũi, ho đờm nhiều.

Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp

Cá lóc làm sạch, luộc lấy thịt: 100g, rau cần ta: 150g, gia vị gồm gừng, hành, tiêu, mắm muối, nấu canh ăn vài lần/tuần.

Đây là món canh ngon bổ âm dưỡng huyết, thanh hỏa, rất tốt với người có bệnh tăng huyết áp, đau đầu chóng mặt, ù tai khó ngủ. Ngoài ra, cá lóc nấu với hoa lý, rau đắng, ăn đều tốt.

Hỗ trợ điều trị thận hư nhiễm mỡ

Cá lóc 1 con (250g) bỏ ruột, nấu với 200g đậu đỏ cho nhừ. Ăn hết một lần. Dùng 10 ngày là một liệu trình.

Bổ nguyên khí, thông tiểu

Cá lóc: 400g, đông quỳ tử: 24g, hồng sâm: 9g, hoài sơn: 30g, sinh hoàng kỳ: 30g. Lấy vải mỏng bọc đông quỳ tử, hồng sâm thái phiến. Cho nước vừa đủ cùng các nguyên liệu trên. Nấu lửa nhỏ trong 2 giờ là ăn được. 10 ngày là một liệu trình.

Cháo cá lóc

Thanh nhiệt, điều hòa dạ dày, tiêu thũng: Cá lóc: 250g, đậu đỏ: 50g, vỏ bí đao: 30g.

Cho vỏ bí đao vào bụng cá rồi nấu với đậu đỏ đã nấu chín, sau 30 phút là dùng được. Ngày dùng 2 lần, ăn cả cái lẫn nước. Dùng liên tục 5 ngày.

Chữa tiểu rắt, nước tiểu ít và vàng

Cá lóc: 500g, giá đỗ: 150g, cà chua: 100g, me: 70g, gia vị vừa đủ.

Thịt cá lóc thái mỏng ướp gia vị; phần đầu và xương luộc lấy nước bỏ bã, nấu chung với các thứ trên. Trái me hoặc lá me giã nhuyễn lấy nước cho vào canh. Nấu chín, thêm gia vị, ăn với cơm. Ngày ăn 2 lần trong 1 - 2 tuần.

An thần, sinh tân nhuận phế, kiện tỳ, dưỡng trí

Cá lóc: 500g, táo đỏ: 10 quả, táo tây vỏ đỏ: 2 quả, gừng tươi: 2 lát, gia vị, dầu thực vật.

Cá rán với gừng cho thơm. Táo tây gọt bỏ vỏ, hạt, thái miếng nhỏ. Táo đỏ bỏ hạt. Nấu nước sôi rồi cho tất cả vào, tiếp đến là táo. Nước phải ngập nguyên liệu trên. Đậy kín, nấu 2 tiếng. Cho gia vị, ăn nóng. 10 ngày là một liệu trình.

Chữa trĩ

Cá lóc 250g, bạch cập 5g, ít tỏi. Nấu canh ăn.

Chữa thận hư nhiễm mỡ phù nề

Cá lóc 1 con 250g, bỏ ruột nấu với 200g đậu đỏ cho nhừ. Ăn hết 1 lần.

Bác sĩ Trần Văn Năm - nguyên Viện phó Viện Y Dược học dân tộc TPHCM

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI