Cả gia đình cùng… giải cứu thực phẩm

14/02/2023 - 07:05

PNO - Nhận thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm thực phẩm trong thời buổi kinh tế khó khăn sau đại dịch, không ít gia đình đã chủ động lên kế hoạch “giải cứu thực phẩm” và không ngừng lan tỏa việc làm ý nghĩa này đến mọi người.

 

Bà Karen Yip và chồng - ông David Taylor - giải cứu những hộp thực phẩm chế biến sẵn mà họ dự định phân phát qua ứng dụng GoodHood.SG - ẢNH: CAN/MARCUS MARK RAMOS
Bà Karen Yip và chồng - ông David Taylor - giải cứu những hộp thực phẩm chế biến sẵn mà họ dự định phân phát qua ứng dụng GoodHood.SG - Ảnh: CAN/Marcus Mark Ramos

Biến giải cứu thực phẩm thành công việc hằng ngày và sở thích

Đối với gia đình Taylor, nhiệm vụ giải cứu thực phẩm gần như được thực hiện hằng ngày. Bà Karen Yip thường thu gom thức ăn khoảng 9 lần/tuần - nhiều đến mức việc giải cứu đã trở thành một sở thích.

Bà Yip - sống ở khu dân cư Ang Mo Kio (Singapore) - bắt đầu tiết kiệm thực phẩm từ tháng 4/2022. Trong lúc dọn dẹp nhà cửa và sử dụng một ứng dụng để cho đi những thứ không dùng đến, bà tình cờ gặp một người đang tìm tình nguyện viên tham gia nhóm giải cứu thực phẩm. "Tôi đã tận dụng cơ hội này để tìm hiểu về việc giải cứu thực phẩm" - bà nói.

Chồng bà - ông David Taylor - là người cùng bà tham gia trong các chuyến đi giải cứu. Emily - con gái họ - phụ giúp khâu hậu cần. “Con bé giúp chúng tôi sắp xếp các món đồ và lên kế hoạch trao tặng cho những người cần” - bà Yip nói. 

Một lần, vợ chồng ông Taylor đến một tòa nhà công nghiệp ở Woodlands để giải cứu 2 kệ thực phẩm đóng gói từ một nhà nhập khẩu. Emily không thể đi chung vì xe không còn chỗ. Sau 1 giờ đồng hồ, cặp đôi này tiếp tục đến một nhà kho ở Jurong - nơi có 120 thùng sữa yến mạch sô-cô-la đã quá hạn sử dụng. Do xe quá tải nên vợ chồng họ chỉ chở được 60 thùng. Bà Yip đã liệt kê các mặt hàng trên GoodHood.SG - ứng dụng mà những người thuộc nhóm giải cứu thực phẩm Divert for 2nd Life (D2L) thường sử dụng để phân phát hàng hóa.

Do có nhiều mặt hàng thực phẩm cần được giải cứu, bà Yip tổ chức một "ngôi nhà mở" - nơi những người cần hỗ trợ, thông qua ứng dụng, có thể thoải mái đến nhận phần thực phẩm cần thiết; riêng đối với những sản phẩm phổ biến như cà phê bột, bắp rang và bánh quy bơ thì giới hạn về số lượng. 

Hầu hết các mặt hàng trên đều đã qua hạn sử dụng tốt nhất. Tuy vậy, điều này không quan trọng đối với bà Tan Siew Geck - một trong những người đến nhận thực phẩm hôm đó. Bà nhanh chóng chất đầy chiếc xe đẩy với bánh hạnh nhân, bánh gạo, bột quinoa, mì và bắp rang. "Chúng vẫn còn ăn được. Tại sao phải vứt bỏ thức ăn ngon? Đó là lý do Yip và gia đình dành nhiều công sức cho cuộc giải cứu thực phẩm " - bà Tan chia sẻ.

Người nội trợ này cho biết sẽ mang thức ăn về nhà ở Bishan để phân phát lại cho người già, hàng xóm và bạn bè. 

Khi được hỏi về việc có khuyến khích các gia đình khác tham gia giải cứu thực phẩm hay không, bà Yip nói: "Tôi muốn nói là có... nhưng tôi nghĩ rằng việc giải cứu thực phẩm không dành cho mọi người vì nó cần nhiều thời gian. Việc này phụ thuộc vào giờ làm việc của một doanh nghiệp và có thể kéo dài từ đầu giờ chiều đến tận đêm khuya".

Bà Yip cho biết mình sẽ tiếp tục công việc này chừng nào còn đủ sức khỏe. 

Bà Evelyn Loh cùng 4 người con của mình thực hiện 3-4 cuộc giải cứu thực phẩm mỗi tuần ẢNH: CAN/MARCUS MARK RAMOS
Bà Evelyn Loh cùng 4 người con của mình thực hiện 3-4 cuộc giải cứu thực phẩm mỗi tuần - Ảnh: CAN/Marcus Mark Ramos

Trẻ em không đứng ngoài cuộc

Bà Evelyn Loh cùng 4 người con thực hiện 3-4 cuộc giải cứu bánh mì, bánh ngọt, trái cây và rau quả mỗi tuần. Bà bắt đầu công việc này từ tháng 6/2022. 

Bà Loh - sống ở khu dân cư Choa Chu Kang (Singapore) - bắt đầu kết nối với một số người cần giải cứu thực phẩm gần khu vực bà sinh sống. "Tôi muốn trò chuyện, giúp đỡ nhiều người khó khăn sau thời gian giãn cách do COVID-19 bằng nguồn thực phẩm tôi quyên góp được” - bà nói. 

Thông qua việc giải cứu, bà Loh mong muốn giáo dục các con về việc lãng phí thực phẩm và cách “ứng xử” với thực phẩm thừa. 

Cậu con trai 10 tuổi là người đầu tiên tham gia. Sau khi đi theo mẹ trong một chuyến giải cứu thực phẩm, cậu bé bắt đầu tò mò, muốn biết nhiều hơn về công việc này. 2 người con khác của bà - 8 tuổi và 14 tuổi - cũng giúp mẹ mang thức ăn và cập nhật hình ảnh thực phẩm lên ứng dụng GoodHood.SG vào cuối tuần hoặc ngày nghỉ. Khi bà Loh bận rộn chăm sóc con út mới 3 tuổi, 3 con lớn của bà sẽ thay mẹ phân phát thức ăn.

Một lần, vào tối thứ Năm, bà Loh và người con lớn Ting En (14 tuổi) rời căn hộ của họ sau 21g để đi lấy bánh ngọt còn sót lại từ một cửa hàng Delifrance ở Jurong. Họ đi tàu điện ngầm và mang theo 1 chiếc túi tote, 1 cái hộp lớn để đựng bánh ngọt. Có 12 chiếc bánh ngọt được “giải cứu” trong chuyến đi này. Bà đã ký vào biên nhận trước khi rời đi. Trở về nhà, bà chia bánh thành 4 túi, mỗi túi 3 cái. Tất cả đều được trao cho những người cần vào lúc 11g tối hôm đó.

Sau 2 tháng, giảm hơn 2,5kg rác thải sinh hoạt

Sau 2 tháng, gia đình bà Persechino đã  giảm được hơn 2,5kg rác thải sinh hoạt ẢNH: GLOBALNEWS
Sau 2 tháng, gia đình bà Persechino đã giảm được hơn 2,5kg rác thải sinh hoạt - Ảnh: Globalnews

Tháng 11/2022, thành phố Laval, Quebec, Canada đã khuyến khích người dân giảm rác thải sinh hoạt. Đây là một phần của dự án thí điểm nhằm nghiên cứu cách các gia đình có thể giúp thành phố đạt được mục tiêu không rác thải vào năm 2035. Dự án triển khai đối với 25 gia đình trong khoảng thời gian 6 tháng.

Sau 2 tháng, gia đình bà Persechino đã giảm được hơn 2,5kg rác thải sinh hoạt. “Trong đại dịch, chứng kiến rõ hơn lối sống của gia đình thông qua những đứa cháu, chúng tôi quyết định tham gia dự án để có thể hành động giúp cuộc sống tốt hơn. Chúng tôi muốn tạo ra sự thay đổi cho các thế hệ tương lai và chúng tôi yêu hành tinh này” - Persechino nói.

Philippe Vaillancourt - người đứng đầu bộ phận quản lý vật liệu dư thừa của Laval - cho biết, chính quyền thành phố cố gắng đưa ra một số hoạt động cụ thể, dễ thực hiện để nhiều gia đình ở Laval có thể áp dụng. Mục tiêu của thành phố đặt ra là mỗi gia đình giảm 25% lượng rác thải sinh hoạt. 

Persechino cho biết mục tiêu có thể đạt được bằng cách thay đổi những thói quen xấu. “Tôi thường nấu rất nhiều món vào mỗi bữa ăn rồi cất chúng vào tủ lạnh khi không thể ăn hết. Đến lúc thức ăn không còn dùng được nữa, tôi vứt vào thùng rác. Vì thế, tôi đã lên kế hoạch cho những bữa ăn và cố gắng tái sử dụng những gì từng vứt đi. Bằng cách suy nghĩ nhiều hơn về những thứ bỏ vào thùng rác, chúng ta sẽ giảm được lượng rác thải” - bà nói. 

Một số cách để ngăn chặn lãng phí thực phẩm

Tất cả thực phẩm chúng ta lãng phí có thể được xem là một bữa ăn bổ dưỡng cho những người có nhu cầu. Giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm là một phần thiết yếu trong việc xây dựng cộng đồng lành mạnh hơn. Chúng ta có thể giảm lãng phí thực phẩm bằng cách:

- Tránh mua số lượng lớn.

- Lên kế hoạch ăn uống.

- Cố gắng tiết kiệm thức ăn thừa.

- Bảo quản thực phẩm đúng cách.

- Thử cấp đông thực phẩm.

- Đừng đánh giá sản phẩm qua vẻ ngoài.

- Chia sẻ thực phẩm cho những người cần.

- Hiểu rõ về hạn sử dụng trên bao bì sản phẩm.

- Làm phân hữu cơ từ thức ăn thừa.

Thụy Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI