Ca ghép phổi "cực hiếm" cứu người đàn ông mắc ung thư giai đoạn cuối

26/03/2022 - 14:23

PNO - Albert Khoury (54 tuổi, không hút thuốc) bị ung thư phổi giai đoạn cuối đã trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài bảy giờ để nhận được lá phổi mới vào tháng 9/2021. Trường hợp này đã mang lại hy vọng cho những người mắc bệnh giai đoạn nặng.

Vào đầu năm 2020, Albert Khoury đang làm công việc tại công ty xi măng ở thành phố Chicago, Mỹ bắt đầu cảm thấy bị đau lưng, đau ngực, hắt hơi, ớn lạnh và ho ra máu. Ban đầu, ông cho rằng mình bị nhiễm COVID-19 nhưng sau đó được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn 1.

“Bác sĩ phát hiện ra bệnh ung thư phổi của tôi giai đoạn 1, nhưng do đại dịch COVID-19, tôi không thể bắt đầu điều trị ngay lập tức”, ông Albert Khoury kể.

Albert Khoury (ảnh), 54 tuổi - một người không hút thuốc - hiện đã khỏi ung thư 6 tháng sau khi được ghép phổi đôi đã cứu sống ông, mang lại hy vọng cho những người khác mắc bệnh giai đoạn nặng.
Albert Khoury hiện đã khỏi ung thư sau 6 tháng được ghép phổi

Đến tháng 7/2020, bệnh của  Albert Khoury chuyển sang giai đoạn 2 và mặc dù đã qua nhiều đợt hóa trị, nhưng nhanh chóng sang giai đoạn 3 và 4. Khi bác sĩ thông báo cho gia đình rằng ông không có cơ hội sống sót thì chị gái của ông đã nhớ về ca ghép phổi tiên phong và gây tiếng vang tại bệnh viện Northwestern Memorial, Chicago.

Đó là tháng 6/2020, tiến sĩ Ankit Bharat dẫn đầu một nhóm thực hiện ca ghép phổi đôi đầu tiên cho một phụ nữ 20 tuổi sau khi phổi cô này bị COVID-19 tấn công gần như xơ hóa và thủng hoàn toàn.

Thế là Albert Khoury được chuyển đến bệnh viện Northwestern Memorial để bắt đầu các phương pháp điều trị chống ung thư khác dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Young Chae. Nhưng sức khỏe của ông liên tục giảm sút buộc phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ phẫu thuật phát hiện những bộ phận quanh phổi của Albert chưa bị di căn. Ngày 25/9/2021, Albert Khoury đã trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài bảy giờ để nhận được lá phổi mới tại bệnh viện Northwestern Medicine.

Ankit Bharat, Trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực tại Bệnh viện Northwestern Medicine, cho biết: “Việc cấy ghép phổi cho bệnh ung thư phổi là cực kỳ hiếm gặp với một số ít trường hợp được báo cáo. Đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn 4, ghép phổi càng được coi là "hoàn toàn không có cơ hội". Nhưng vì ung thư của Albert chỉ giới hạn ở ngực nên chúng tôi tự tin với quá trình phẫu thuật và cứu sống anh ấy".

Ankit Bharat (trái), một bác sĩ thuật toán tại Northwestern Medicine ở Chicago, cho biết việc ghép ống cho bệnh ung thư phổi là vô cùng phổ biến và rất ít trường hợp được báo cáo. Khoury (phải) là một cử nhân vì bệnh ung thư của anh ấy ít lây lan
Tiến sĩ Ankit Bharat (trái) và bệnh nhân Albert Khoury 

Giờ đây, sáu tháng sau khi phẫu thuật, phổi của Albert Khoury đã hoạt động tốt. Hiện ông không còn dấu hiệu của bệnh ung thư nào trong cơ thể và đang có một cuộc sống bình thường. Thậm chí, Albert Khoury có thể đến phòng tập thể dục mà không cần hỗ trợ thở.  

“Cuộc đời tôi đi từ con số 0 đến con số 100 nhờ vào các bác sĩ. Bạn đã không nhìn thấy nụ cười này trên khuôn mặt của tôi trong hơn một năm, nhưng bây giờ tôi không thể ngừng cười", Albert Khoury nói.

Dựa trên thành công sau ca ghép trên, tiến sĩ Bharat và bác sĩ Chae đang phát triển một lộ trình mới để tiếp tục thực hiện những ca cấy ghép tiếp theo.

Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến thứ 2 ở Mỹ, sau ung thư vú. Mỗi năm có gần 250.000 người được chẩn đoán mắc bệnh này và có hơn 130.000 ca tử vong.

Thảo Nguyễn (theo Daily Mail, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI