Bức bích họa, ngôi đình cổ, hai lần xâm hại

20/03/2022 - 09:00

PNO - Cho sơn lại toàn bộ phần đầu hồi và tường của đình cổ Tự Đông, chính quyền phường Cẩm Thượng đã tiếp tục xâm hại di tích.

Tác phẩm của Đoàn thanh niên phường Cẩm Thượng trên tường đình cổ Tự Đông
"Tác phẩm" của Đoàn thanh niên phường Cẩm Thượng trên tường đình cổ Tự Đông

Đình cổ Tự Đông, khu phố 4, phường Cẩm Thượng, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương được khởi dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII), đến nay đã hơn 300 năm tuổi và đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, nghĩa là thuộc đối tượng được Luật Di sản văn hóa bảo vệ, nghiêm cấm xâm hại dưới mọi hình thức.

Thế nhưng mới đây, nhằm hưởng ứng Tháng thanh niên năm 2022, Đoàn thanh niên phường Cẩm Thượng đã cho vẽ lên đầu hồi, tường bao của đình hình ảnh bản đồ, hồ sen, thuyền… và gắn bảng công trình thanh niên lên “tác phẩm”.

Tạm không bàn đến yếu tố nghệ thuật của bức bích họa, không bàn đến khoản kinh phí thực hiện 40 triệu đồng, phải khẳng định ngay: công trình này đã làm biến dạng, giảm giá trị của di tích, như nhận định của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Dương.

Đành rằng, như ông Đinh Văn Tuyến - Chủ tịch UBND phường Cẩm Thượng trả lời báo chí, phần tường bao của đình cổ Tự Đông trước đây đã bị sơn, dán quảng cáo lem nhem và việc Đoàn thanh niên phường Cẩm Thượng cho vẽ bích họa để xóa quảng cáo rác cũng là một nỗ lực để làm đẹp phố phường. Thế nhưng việc để tường đình bị sơn, dán quảng cáo chính là trách nhiệm của địa phương; cho phép Đoàn thanh niên phường vẽ lên đình cũng tức là cho phép xâm hại di tích.

Tường đình Tự Đông vừa bị sơn lại - Ảnh: T.HUY/TTO
Tường đình Tự Đông vừa bị sơn lại - Ảnh: T.HUY/TTO

Đáng ngạc nhiên hơn, sau khi sự việc bị đưa lên mạng xã hội, vấp phải nhiều phản ứng, thay vì tìm đến các chuyên gia để tìm cách khôi phục nguyên trạng di tích, chính quyền phường Cẩm Thượng đã lập tức sửa sai bằng cách cho… sơn đè lên bích họa, tức thêm một lần xâm hại di tích quốc gia, khiến công trình trăm năm trở thành 0 tuổi. Bức tường trắng xóa kia đâu phải tường đình cổ.

Rõ ràng lãnh đạo địa phương đã không hề ý thức mình đang ứng xử thô bạo với các giá trị văn hóa - lịch sử trăm năm, vốn được pháp luật bảo vệ. Điều này thêm một lần nữa cho thấy lỗ hổng trong việc phân cấp quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử khi địa phương được phân quyền nhưng không hề có chuyên môn lẫn thái độ đúng đắn với di tích, khiến hàng loạt công trình ở khắp nơi liên tục bị xâm hại. Trách ai?

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI