Để xếp hạng di tích không vô nghĩa...

06/11/2020 - 06:14

PNO - Cùng với đình thần Linh Đông (quận Thủ Đức, TP.HCM), trụ sở UBND TP.HCM (quận 1) vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đây là tin vui cho những người quan tâm tới di sản cũng như ngành văn hóa thành phố khi năm nay, văn hóa được chọn làm chủ đề chính.

Và như thế, từ cuối năm ngoái đến nay, thành phố có thêm năm di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố (nhà thờ Thủ Thiêm, tu viện Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, Lăng Võ Tánh, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường THCS Võ Trường Toản), một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5) và giờ đây, thêm hai di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. 

UBND TPHCM
Trụ sở UBND TPHCM vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia

Dinh Thượng thơ cũng được bảo tồn, cải tạo thành nhà truyền thống UBND thành phố… Hiện thành phố đang xúc tiến xếp hạng di tích chợ Bến Thành, Bưu điện Thành phố, chùa Chantarangsay, chợ Tân Định, vận động đồng thuận xếp hạng di tích chùa Vĩnh Nghiêm, Nhà thờ Đức Bà... lập hồ sơ di tích Địa đạo Củ Chi đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi vào danh mục di sản thế giới. Chưa kể, quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn cũng được Sở Văn hóa và Thể thao kiến nghị UBND thành phố sớm xem xét ban hành…

Loạt sự kiện và những động thái tích cực nối tiếp nhau, cho thấy một sự biến chuyển trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở TP.HCM. Để thấy, phía sau một thành phố hiện đại, năng động, một trung tâm kinh tế thương mại lớn của cả nước, vẫn còn đó bóng dáng một đô thị trải dài hơn 300 tuổi, một “ngôi đền” văn hóa đang được bảo vệ, giữ gìn. 

Việc xếp hạng có ý nghĩa quan trọng bởi từ đây, di tích sẽ được bảo hộ và ràng buộc bởi pháp luật về di sản văn hóa. Cũng là một bước chuyên nghiệp hóa trong vấn đề quản lý nhà nước về di sản. Tuy nhiên, chiếc áo danh hiệu cũng sẽ không “cứu” được di sản nếu chính quyền lẫn người dân từ bỏ nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Chẳng hạn, Lò gốm Hưng Lợi (quận 8) - di tích khảo cổ học cấp quốc gia (vào năm 1998) đến nay gần như bị “san phẳng”. Xử lý ra sao, trách nhiệm thuộc về ai, đến nay, vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. 

Lò gốm cổ Hưng Lợi
Lò gốm Hưng Lợi (Q.8) gần như bị “san phẳng”

Còn nhớ trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về di sản, văn hóa trong nhiều năm qua, không ít nhà nghiên cứu đặt vấn đề khoanh vùng khu trung tâm lịch sử để bảo vệ toàn vẹn di sản. Khi khoanh vùng được rồi, việc xếp hạng hay không cũng không quá quan trọng, vì tất cả di sản trong khu vực khoanh vùng được bảo tồn thành cụm trong một không gian chung. Thế nhưng, đến nay, câu chuyện này vẫn còn dở dang.

Cách đây không lâu, có ý kiến thành phố nên mở cửa cho khách tham quan các công trình công (đa số là di sản), trong đó có tòa nhà UBND nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân lẫn giới nghiên cứu. Như thế, sẽ có thêm một công trình di tích lịch sử lâu đời của thành phố được đưa vào khai thác. Mối quan hệ giữa cư dân đô thị, chính quyền được kéo lại gần nhau hơn. Tiếc là, đến thời điểm hiện tại, điều này vẫn chỉ mới dừng lại ở ý tưởng.

Để thấy, việc xếp hạng chỉ là bước đầu, di sản cần được phát huy giá trị, cần được kết nối với cộng đồng hiện hữu, tạo ra mối quan hệ ruột rà giữa di sản và các khu chức năng khác của đô thị. Nếu không, không sớm thì muộn, di sản cũng trở nên lạc quẻ trong tổng thể (khước từ nó). Việc phá bỏ chỉ còn là vấn đề thời gian. 

Cốc Vũ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI