Bữa ăn học sinh teo tóp thời “bão giá”

09/12/2022 - 07:12

PNO - Với mức 30.000-35.000 đồng mà các trường đang thu cho bữa ăn trưa và bữa xế, nhiều ý kiến băn khoăn liệu có đảm bảo chất lượng cũng như dinh dưỡng cho học sinh đang ở “tuổi ăn, tuổi lớn” trong thời “bão giá”?

Nhà trường “căng não”

Mới đây, một độc giả phản ánh đến Báo Phụ nữ TPHCM là bữa ăn cho học sinh tại Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp, TPHCM) quá “lèo tèo”. Theo đó, chất lượng bữa ăn trưa chưa tốt, thông thường thực đơn chỉ gồm 1 món mặn và canh, còn đồ xào thì hôm có hôm không, hay nếu có thì rất ít ỏi.

Bữa ăn trưa của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp) gồm 1 miếng chả trứng, canh khoai mỡ và 1 trái chuối nhỏ - ẢNH: P.T.
Bữa ăn trưa của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp) gồm 1 miếng chả trứng, canh khoai mỡ và 1 trái chuối nhỏ - Ảnh: P.T.

Theo ghi nhận của chúng tôi ngày 6/12, thực đơn ăn trưa của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai gồm tôm rim thịt, rau xào và canh. Tuy vậy, khẩu phần ăn khá ít với vài miếng thịt heo nhỏ, mấy con tôm, ít đậu que và canh. Đến trưa 7/12, khẩu phần ăn của các em gồm 1 miếng chả trứng hấp, canh khoai mỡ và 1 quả chuối nhỏ.

Bà Đỗ Thị Mai - hiệu trưởng nhà trường - cho biết trường thu bữa ăn sáng của học sinh là 12.000 đồng/em, còn bữa ăn bán trú 30.000 đồng/em. Trường có gần 970 học sinh tham gia bán trú. Thực đơn được cấp dưỡng xây dựng, thay đổi theo từng tháng, dựa trên bộ thực đơn dinh dưỡng tiêu chuẩn của cơ quan có thẩm quyền ban hành. Do học sinh tiểu học thường ăn mỗi bữa không nhiều, nhanh đói nên phải tách thành 2 bữa ăn trưa và xế chiều cho các em.

Theo bà Đỗ Thị Mai, sở dĩ bữa ăn trưa 6/12 hơi ít đồ ăn cho học sinh là do mua tôm đắt hơn những món khác. Nếu bữa nào ăn những món như thịt, cá, gà thì số lượng nhiều hơn. Việc cân đối 2 bữa ăn với số tiền như vậy cũng khá “căng não”. Chẳng hạn ngày 7/12, bữa trưa có giá gần 16.500 đồng còn bữa xế (bánh su và sữa) gần 15.000 đồng, là đã bị lố gần 1.500 đồng so với chỉ tiêu. Do đó, sẽ có những ngày phải giảm chi phí bữa ăn xuống dưới mức 30.000 đồng để “bù qua, sớt lại”. Bà Mai cho rằng “có ngày này, ngày nọ” chủ yếu là do giá tiền bữa ăn bán trú được phép thu từ học sinh bị khống chế, trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào không ngừng tăng.

Nhiều phụ huynh tại TPHCM cũng phản ánh con đi học về thường xuyên than đói vì khẩu phần ăn ở trường quá ít. Một phụ huynh có con học tiểu học ở quận 1 cho biết con chị giảm 2kg sau 1 tháng ăn bán trú ở trường. Một học sinh THPT ở huyện Hóc Môn cũng chia sẻ: “Em có đăng ký ăn bán trú tại trường nhưng ngay tuần đầu đã thấy chất lượng bữa ăn không ổn. Với số tiền 27.000 đồng/phần em thấy khá đắt vì đồ ăn quá ít, em thường xuyên bị đói. Trong khi cũng chừng này tiền em ra ngoài mua cơm ăn thấy no hơn”.

Trường học phải “khéo co”

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Tân Bình cho rằng yêu cầu thực đơn của học sinh 1 tuần phải đảm bảo đa dạng thực phẩm heo, bò, gà, cá và ngon hơn thì có hải sản, cùng các loại rau, củ, quả. Buổi xế thì 3 ngày món mặn, 2 ngày món ngọt.

Hiện nay, giá bánh ngọt loại nhỏ thấp nhất cũng 8.000 đồng/cái, cho nên chi phí bữa xế cũng vào khoảng 10.000 đồng. Nếu trường thu 30.000 đồng thì chỉ còn khoảng 20.000 đồng cho bữa trưa và tráng miệng, như vậy sẽ rất eo hẹp hoặc phải cân nhắc mua thực phẩm ít ngon hơn. Các đơn vị thực phẩm được vào chuỗi chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm thì giá bán cũng cao hơn bên ngoài. Do đó, hiệu trưởng này cho rằng, với cấp tiểu học mức thu 35.000 đồng thì có thể đảm bảo chất lượng bữa ăn chứ mức 30.000 đồng thì hơi khó.

Minh bạch chi phí bữa ăn học đường

Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên - chuyên gia tư vấn giáo dục - góp ý, nhà trường cần minh bạch chi phí bữa ăn học đường để phụ huynh biết được bữa ăn cho con họ được thiết kế trên số tiền chính xác là bao nhiêu. Bữa ăn có giá 30.000 đồng thì phải đúng là 30.000 đồng, không được phép làm bữa ăn chỉ 20.000 đồng. 

Trường học có thể thu phí quản lý kèm theo bữa ăn, nhưng phải minh bạch về thành phần phí, ví dụ tiền ăn của các em là 30.000 đồng, phí phục vụ, quản lý, thuế VAT... là 20.000 đồng, tổng cộng là 50.000 đồng. Nếu không thông tin chi tiết, phụ huynh cứ nghĩ rằng con họ đang ăn bữa ăn có giá trị dinh dưỡng 50.000 đồng.

Bà Trịnh Thị Bích Hằng - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Thủ Đức) - cho biết trường phục vụ bữa ăn bán trú cho khoảng 1.000 học sinh bằng hình thức suất ăn công nghiệp nhưng chế biến tại bếp ăn của trường. Theo bà Hằng, nếu tăng giá sẽ “dễ thở” hơn cho nhà trường, tuy vậy trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, trường vẫn giữ mức thu 30.000 đồng/học sinh/bữa. Để đảm bảo chất lượng bữa ăn, trường phải lựa chọn kỹ đơn vị cung cấp suất ăn, kiểm tra việc lên thực đơn đảm bảo dinh dưỡng. 

Bên cạnh đó, trường giám sát toàn diện từ khâu nhập nguyên vật liệu mỗi ngày có đảm bảo số lượng, chất lượng không, đến khâu chế biến, nêm nếm và cuối cùng là lên từng suất ăn cho học sinh. Quan trọng nhất đối với suất ăn công nghiệp là sự giám sát của nhà trường, không để tình trạng “khoán trắng” cho đơn vị cung cấp sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn cũng như nguy cơ “bớt xén” chất lượng bữa ăn học sinh.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp - nhìn nhận, để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh, nhà trường cần xây dựng được hệ thống giám sát chặt chẽ, trong đó không chỉ ban giám hiệu, nhân viên y tế mà cả giáo viên và học sinh cùng tham gia. Theo ông Thanh, học sinh là đối tượng được phục vụ, cho nên bữa ăn có đảm bảo chất lượng, có đủ no hay không thì trước hết cần lắng nghe ý kiến của các em. Nhà trường nên có những buổi đối thoại để ghi nhận phản ánh của học sinh về chất lượng cũng như cung cách phục vụ bữa ăn học đường, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp. 

Không để “hoa hồng” cắt xén vào bữa ăn học đường

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - khẳng định hiệu trưởng chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng bữa ăn học đường cho học sinh và nghiêm cấm nhận “hoa hồng” dưới mọi hình thức.

*Phóng viên: Thưa ông, có ý kiến lo ngại bữa ăn cho học sinh “teo tóp” khi nguyên vật liệu đầu vào không ngừng tăng còn mức thu không được tăng so với năm học trước?

-Ông Dương Trí Dũng: Việc tổ chức bữa ăn bán trú được thực hiện trên tinh thần “thu hộ - chi hộ” chứ đây không phải là chức năng chính của nhà trường. Tức nhà trường thỏa thuận với phụ huynh về việc thu tiền để tổ chức bữa ăn cho học sinh và phải đảm bảo thu bao nhiêu thì phải chi hết bấy nhiều. Quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh đúng với mức đã thu theo thỏa thuận. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng tập huấn và yêu cầu các trường phải tham khảo bộ thực đơn chuẩn và các quy định liên quan để đảm bảo dinh dưỡng học đường theo độ tuổi. Tức là, bữa ăn bán trú phải đảm bảo được 2 yêu cầu về an toàn và chất lượng dinh dưỡng.

* Với trường học có bếp ăn thì có thể “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Nhưng với những trường sử dụng suất ăn công nghiệp liệu có đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh hay không, khi trong đó phải gồm cả lợi nhuận cho doanh nghiệp?

- Doanh nghiệp cung cấp suất ăn phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Các tỉ lệ về thuế và lợi nhuận doanh nghiệp là có, nhưng quan trọng là nhà trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh để lựa chọn và giám sát đơn vị cung cấp suất ăn phải đảm bảo về an toàn thực phẩm và chất lượng dinh dưỡng cho học sinh. Ở đây nhấn mạnh vai trò của ban giám hiệu và ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm cao nhất.

* Dư luận cũng lo ngại tình trạng trường học nhận “hoa hồng” của doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, từ đó “cắt xén” vào chất lượng bữa ăn học sinh, thưa ông?

- Theo quy định, việc thu tiền bán trú phải phục vụ hoàn toàn cho học sinh, do đó chuyện nhận “hoa hồng” chắc chắn không thể chấp nhận được. Đối với công tác thu chi của trường, trong đó có tổ chức bữa ăn bán trú, các đơn vị chức năng đều có các đợt thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất. Nếu đơn vị vi phạm thuộc cấp nào quản lý thì cấp đó thanh tra, xử lý. Vấn đề này các cơ quan chức năng cũng làm rất nghiêm. Như tháng 7/2022, thanh tra quận Gò Vấp đã kiểm tra và kết luận sai phạm Trường tiểu học Hanh Thông (quận Gò Vấp), trong đó hiệu trưởng, kế toán và bếp trưởng nhận tiền hằng tháng từ các đơn vị cung cấp thực phẩm với tổng số tiền hơn 350 triệu đồng. 

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI