Bỗng dưng giàu y đức nhờ xét tuyển bằng môn văn?

16/10/2014 - 17:10

PNO - PNO - Dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều quanh chuyện nên hay không nên lấy môn văn xét tuyển ngành y. Riêng tôi nghĩ, cần xét đến nguyên nhân mấu chốt dẫn đến tiêu cực của ngành y hiện nay để tìm ra giải pháp thuyết phục hơn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Bác sĩ cần nói năng lưu loát, thầy giáo dạy toán thì không?

Trong hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học y dược tại Hà Nội ngày 10/10, lãnh đạo một số trường ĐH y đề xuất sử dụng môn văn để xét tuyển vào trường y.

Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng việc thi theo khối lâu nay khiến thí sinh học lệch. Môn văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp, nhiều người là chuyên viên ở bộ làm công văn còn sai ngữ pháp…

Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu bác sĩ là người làm khoa học chứ không phải nhà văn, và việc nói năng lưu loát, diễn đạt bằng văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp… là yêu cầu cần thiết với tất cả người làm trong mọi ngành nghề chứ không phải chỉ riêng ngành y. Môn văn cần phải được coi trọng, dù bất cứ ngành nghề tương lai bạn chọn là gì.

Môn văn giúp một thầy giáo dạy toán biết cách truyền đạt cho học sinh dễ hiểu, giúp một người trưởng nhóm bộ phận kinh doanh ở công ty biết cách thuyết trình dự án mới, thuyết phục khách hàng hãy tin tưởng sản phẩm công ty họ dù đầu vào đại học của họ là các môn thi toán - lý - hoá, toán - lý - Anh, toán - lý - mỹ thuật.

Nên nếu theo như một số lãnh đạo Bộ Y tế và trường đại học, đưa môn văn vào xét tuyển ngành y để bồi dưỡng cho các bác sĩ khả năng ăn nói, viết lách thì e là chưa đủ. Phải là bổ sung môn văn vào tất cả các ngành xét tuyển. 

Điều này có khả thi không?

Bong dung giau y duc nho xet tuyen bang mon van?

Nguồn ảnh minh hoạ: Internet.

Bác sĩ cần nhân văn, còn nghề khác được “dã man”?

Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân cần phải đưa môn văn vào xét tuyển ngành y là vì bác sĩ cần nhân văn, từ bi, bao dung, độ lượng. Hơn nữa, bây giờ đạo đức y bác sĩ đang xuống cấp không phanh.

Hiển nhiên, môn văn dạy nhân cách cho con người, để trở thành một người có tư cách đạo đức tốt, biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, nhân hậu, bao dung. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều hiểu, không chỉ bác sĩ mới cần những phẩm chất trên.

Người thầy giáo cô giáo, anh lái xe taxi, chị lao công quét rác, anh kỹ sư chế tạo máy… có ai nói rằng làm những công việc trên thì được phép “ác” đi một chút, nhẫn tâm hơn một chút so với người làm thầy thuốc? Có người nói, là bác sĩ, nếu anh kê đơn sai, anh chỉ giết chết một người. Nhưng nếu là thầy giáo, anh giảng dạy sai phương pháp và tư cách đạo đức kém, anh giết chết cả một thế hệ. Cái “ác” nào đáng sợ hơn?

Còn chuyện đạo đức, phẩm chất y bác sĩ bị xã hội lên án là đang xuống cấp là điều có thật. Nhưng trách bác sĩ 10 phần, sao ta không nhìn lại hệ thống cơ sở bệnh viện của ta 1 phần. Bệnh viện có đàng hoàng, khang trang, không bị quá tải không? Lương cho bác sĩ mới ra trường có đủ bù lại quãng thời gian 7 - 8 năm trời họ tu luyện miệt mài? Có chuyện phải chạy cả 700 triệu đồng cho một suất vào làm bác sĩ, 300 triệu đồng một ghế y tá trong bệnh viện hay không?

Một người bạn của tôi là bác sĩ làm việc gần 20 năm ở một bệnh viện trung ương, anh bảo mỗi sáng, mỗi bệnh nhân anh có chưa đầy 3 phút để khám, kê đơn. Nhìn bệnh nhân thôi đã chóng mặt, huống chi nở với mỗi người một nụ cười, dù trong lòng anh chưa bao giờ muốn bị gọi là bác sĩ vô tâm, lạnh lùng.

Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, nhưng để một bác sĩ an tâm cống hiến cho công việc cứu người, ngày ngày nở nụ cười tươi với bệnh nhân như trong các bệnh viện tư, nhà nước phải xem xét lại hệ thống bệnh viện công của chúng ta hiện nay.

Bài cùng tác giả:

Khi đồng tiền làm nghèo nền giáo dục

Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta cứ đi bàn có nên xét tuyển văn cho ngành y, mà không quan tâm rằng có xét tuyển bộ môn cao cấp nào đi chăng nữa, khi tốt nghiệp, vào một môi trường y khoa, bệnh viện tiêu cực, đi đâu cũng thiếu thốn vì quá tải như ở Việt Nam, các bác sĩ rất khó có cơ hội để thể hiện tài - đức.

Học văn là học làm người, học suốt đời. Môn văn cần được giáo dục nghiêm chỉnh ngay từ trong môi trường gia đình, rồi sau này mới đến trường học, trường đời, với bất cứ công dân nào, dù sau này anh ta thất nghiệp.

Sẽ cần xét đến đạo đức của học sinh trong suốt quá trình học phổ thông khi cân nhắc tuyển sinh ngành y, nhưng theo tôi đó không phải là vấn đề mấu chốt. Chuyện cơm áo gạo tiền và môi trường bệnh viện đầy mùi tiêu cực sẽ dần “giết chết” những bác sĩ đủ tài và đức, dù có thể trước đó họ học văn không hề dốt.

NGUYỄN THÚY HẰNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI