Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống bệnh tay chân miệng

02/05/2014 - 19:32

PNO - Ngày 2/5, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ đầu năm 2014 đến nay, Việt Nam ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có hai trường hợp tử vong.

edf40wrjww2tblPage:Content

Bo Y te khuyen cao phong chong benh tay chan mieng
 Hướng dẫn trẻ mầm non rửa tay bằng xà phòng. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Mặc dù số mắc và tử vong có giảm so với cùng kỳ năm 2013 nhưng tại một số tỉnh, thành phố đã có số mắc tăng như Thành phố Hồ Chí Minh (tăng 28,9%), Bà Rịa-Vũng Tàu (tăng 34,4%), Cà Mau (tăng 15,5%)...

Trước tình hình trên, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; thực hiện ăn chín, uống chín, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.

Các gia đình thường xuyên lau rửa đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Đặc biệt lưu ý phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Cha mẹ cần theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa. Dấu hiệu của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong.

Năm 2013, bệnh tay chân miệng gia tăng tại một nước trong khu vực như Trung Quốc ghi nhận hơn 2 triệu trường hợp mắc, trong đó có 550 trường hợp tử vong; Nhật Bản ghi nhận gần 68.000 trường hợp mắc; Singapore ghi nhận hơn 36.500 trường hợp mắc.

Trước đó, Bộ Y tế đã yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về vệ sinh cá nhân và vệ sinh sinh hoạt; phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức tuyên truyền tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học, đồng thời chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý không để bùng phát bệnh trong cộng đồng.

Sở y tế các tỉnh, thành phố tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị; đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

Theo THU PHƯƠNG (VIETNAM+)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI