Bỏ văn mẫu từ đâu?

29/07/2022 - 06:26

PNO - Xây dựng môn văn gần gũi và tôn trọng cảm nhận, suy nghĩ riêng biệt của từng học sinh mới là giải pháp gốc rễ để triệt tiêu văn mẫu.

Việc mong muốn đổi mới phương pháp dạy học môn văn, hướng tới xóa bỏ văn mẫu và khuyến khích tư duy sáng tạo của học sinh đã được bàn luận từ nhiều năm nay. Tuy vậy, dường như càng ngày mức độ lệ thuộc văn mẫu càng nặng, mà nói như nhiều giáo viên chấm văn, có khi đọc cả chục bài văn bài nào cũng na ná như nhau. 

Tràn lan sách tham khảo văn mẫu
Tràn lan sách tham khảo văn mẫu

Vì sao? Có lẽ đa phần chúng ta đều lớn lên với những khuôn mẫu chung được định hình trong đầu ngay từ cấp mẫu giáo, tiểu học. Một triệu học sinh có một triệu bà mẹ khác nhau nhưng tại sao khi “tả mẹ em” thì tất cả đều là “mắt to”, “tóc đen”, “hiền dịu”?... Và khi đề văn là “nêu suy nghĩ, cảm nhận của em” nhưng nội dung phải đúng như đáp án của thầy cô? Có phải ngay từ nhỏ, chính người lớn, thầy cô đã từng chút, từng chút gò trẻ em, học sinh theo những khuôn mẫu định sẵn?

Dần dần, đứng trước một tác phẩm, học sinh hoang mang không thể và cũng không dám tự nêu cảm nhận hay, dở thế nào, mà luôn trông chờ thầy cô chỉ dẫn. Còn thầy cô, nhiều khi cũng quá lệ thuộc vào những bài văn mẫu khi dạy và bám quá sát đáp án khi chấm thi. Một đề thi văn mà khung đáp án tỉ mỉ đến từng 0,25-0,5 điểm cho mỗi ý, thì có thể còn đất cho sáng tạo được hay không? Một “lối mòn” trong tư duy dạy và học văn đã định hình từ nhiều năm nay, cho nên không thể đơn giản nói đổi mới là có thể làm được ngay.

Khi đặt mục tiêu khuyến khích sự sáng tạo của học sinh, liệu người lớn đã sẵn sàng để đón nhận những tư duy khác biệt học sinh hay chưa? Nếu đòi hỏi một đề văn mở, không có trong sách giáo khoa, vậy đáp án chấm bài có mở hay không và theo hướng nào? Bởi, nếu những môn học khác đều có đáp án đúng hay sai, thì với môn văn, cách đánh giá là hay hoặc dở và phụ thuộc phần lớn vào cảm nhận của người chấm. Đề văn mở cũng đồng thời đòi hỏi người chấm phải bỏ khuôn mẫu ra khỏi tư duy để chấp nhận những khác biệt của học trò.

Nhà văn Trần Nhã Thụy cho rằng, văn mẫu tự nó không có gì xấu cả, văn mẫu là tiêu chuẩn chung để học sinh học các kỹ năng làm bài, cách thức sử dụng câu từ, ý tưởng triển khai bài viết... Cũng giống như khi ta học yoga cần người làm mẫu, hoặc trong cuộc sống cần một hình mẫu lý tưởng để noi theo. Như vậy, bản thân văn mẫu không sai, cái sai là từ thầy cô đến học sinh đều bám chặt lấy văn mẫu một cách cứng nhắc.

Do đó, tránh suy nghĩ cực đoan là phải xóa đi các bài văn mẫu, mà cái cần xóa chính là tính khuôn mẫu định hình trong tư duy của cả thầy và trò. Chúng ta cần xác định chỉ có bố cục, ngữ pháp, thể loại làm văn là có khuôn mẫu; còn tư duy, suy nghĩ, cảm nhận của học sinh được phép khác biệt, thậm chí bay bổng. Chỉ có chấp nhận và khuyến khích những tư duy cá nhân của học sinh, trân trọng những góc nhìn mới mẻ, mới có thể triệt tiêu được sự lệ thuộc vào văn mẫu. Và chỉ khi khuyến khích học sinh được mạnh dạn bày tỏ những suy nghĩ, cảm nhận của bản thân mới có thể khiến các em yêu thích môn văn.

Tất nhiên, để làm được điều đó cần cả một sự thay đổi toàn diện và lâu dài, bắt đầu từ sách giáo khoa, cách dạy, học và đánh giá học sinh. Đành rằng chúng ta luôn muốn gìn giữ những tác phẩm văn học để đời, nhưng nói như nhà văn Trần Nhã Thụy, cái đẹp của văn chương bao giờ cũng gắn liền với từng giai đoạn xã hội, mỗi thời có cảm nhận về cái hay khác nhau. Do đó, nếu mãi áp đặt những cái hay của thế hệ trước thì khó có thể xây dựng được niềm yêu thích văn chương của học sinh.

Cần hướng đến xây dựng chương trình giảng dạy môn văn gần gũi hơn với học sinh, tôn trọng suy nghĩ và sự trải nghiệm của thế hệ các em. Thậm chí, văn còn gắn với cả trải nghiệm của học sinh ở từng địa phương, vùng miền. 

Xây dựng môn văn gần gũi và tôn trọng cảm nhận, suy nghĩ riêng biệt của từng học sinh mới là giải pháp gốc rễ để triệt tiêu văn mẫu. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI