Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận 5 vấn đề bất cập sau 7 năm đổi mới toàn diện giáo dục

27/01/2021 - 16:36

PNO - Ngày 27/1, trình bày tại Đại hội XIII, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn nhìn nhận kết quả sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.

Thành tựu nổi bật nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập

Ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT. Mục tiêu của Nghị quyết nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế hệ thống GD-ĐT. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, bên cạnh một số kết quả nổi bật về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT thì chúng ta vẫn còn các hạn chế bất cập. Cụ thể như:  

Công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường còn bất cập, trách nhiệm còn chồng chéo; việc kiện toàn hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học còn chậm, hoạt động chưa thực chất, chưa phát huy tốt vai trò của hội đồng trường.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, cá biệt có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc xã hội.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm còn chậm.

Hệ thống quản lý, quản trị, kết nối, khai thác dữ liệu ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành, dạy học còn chưa đồng bộ; một số nơi hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị kết nối còn thiếu, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Công tác truyền thông về giáo dục còn hạn chế, chưa tạo được đồng thuận cao trong xã hội khi bắt đầu triển khai nhiều chủ trương, chính sách mới của ngành. Truyền thông nội bộ ngành chưa hiệu quả, còn những ý kiến trái chiều ngay trong đội ngũ giáo viên khi triển khai chính sách mới.

ngành giáo dục chọn đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng là giải pháp đột phá
Ngành giáo dục chọn đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng là giải pháp đột phá (ảnh minh họa)

Phát huy những kết quả và khắc phục các hạn chế, bất cập nêu trên, thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp cơ bản, gồm: đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường - giải pháp đột phá; phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp; đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục và tăng cường công tác truyền thông.

Trong đó, về việc nâng chất lượng đội ngũ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT không ngần ngại chỉ rõ: “Dù đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã được kiện toàn, nâng cao chất lượng một bước tuy nhiên, số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ còn bất cập, một bộ phận không nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, cần tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng trong thời gian tới”.

Ông cho biết, ngành giáo dục chọn đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng là giải pháp đột phá, để thông qua đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp hơn.

Đồng thời, trước yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ngành GD-ĐT xác định sứ mệnh tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ này, góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng khẳng định thời gian tới, ngành sẽ tăng cường đầu tư, phát triển nhanh trường, cụm lớp cho cấp học mầm non; ưu tiên tài chính và quỹ đất để bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh học 2 buổi/ngày, nhất là ở vùng khó khăn, trước hết tập trung cho giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học; bảo đảm đủ các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch…

Diễm Chi

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI