Những cơ chế, chính sách và cải cách dân cần

27/01/2021 - 12:47

PNO - Sáng 27/1, dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bước sang ngày làm việc chính thức thứ hai, tập trung thảo luận các văn kiện Đại hội.

Trong phiên làm việc buổi sáng, đã có hơn 10 lượt tham luận của các đại biểu là bộ trưởng, lãnh đạo các ngành đóng góp về hiệu quả của những đổi mới, cải cách về tư pháp, giáo dục, kinh tế; về công tác vận động toàn dân, về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc… trong nhiệm kỳ vừa qua.

Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC
Ông Lê Hồng Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chánh án Thường trực TAND tối cao

Đại biểu Lê Hồng Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chánh án Thường trực TAND tối cao - khẳng định: “Trước khi cải cách tư pháp, chúng ta coi việc giúp dân là làm thay cho dân dẫn đến tòa án phải thực hiện nhiều hoạt động tố tụng, còn người dân thì bị động khi đến tòa án.

Nhưng với tư duy đổi mới và cải cách tư pháp, trong xét xử hình sự, các phán quyết của tòa án không chỉ căn cứ vào các chứng cứ có trong hồ sơ, mà còn phụ thuộc vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các phán quyết ấy không chỉ đưa ra những chế tài trừng trị, răn đe mà còn có tác dụng cảnh tỉnh, giáo dục, phòng ngừa.

Đối với việc giải quyết, xét xử các loại tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động, tòa án giờ đây giữ vai trò trọng tài, tạo điều kiện và hướng dẫn, giúp người dân thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ tố tụng do luật định, theo thủ tục minh bạch để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Do vậy, công việc của tòa án giảm đáng kể và hoạt động hiệu quả hơn; các thẩm phán chuyên tâm hơn trong việc việc giải quyết, xét xử; các nguồn lực của Nhà nước và của tòa án được sử dụng hợp lý hơn.

Cũng qua thực hiện cải cách tư pháp, hoạt động xét xử được coi trọng. Tranh tụng tại tòa án không chỉ diễn ra ở tranh tụng về nội dung mà còn được thể hiện cả về hình thức, cách bố trí phiên tòa để đảm bảo công bằng, bình đẳng khi tranh tụng. Như vậy, tòa án vẫn giúp đương sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nhưng không làm thay người dân, mà vẫn tuân thủ nghiêm nguyên tắc pháp chế, đồng thời đảm bảo được công lý, công bằng xã hội”.

Báo cáo về xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính - cho rằng, nhiệm kỳ qua, công tác thanh tra, kiểm tra thuế được đổi mới theo nguyên tắc quản lý rủi ro, tập trung vào các doanh nghiệp có rủi ro thu nộp ngân sách nhà nước lớn, các doanh nghiệp hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, nợ đọng thuế lớn, các doanh nghiệp phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án, có dấu hiệu chuyển giá... ; quyết liệt xử lý thu nợ thuế.

Cơ cấu thu hiện đại hơn, bền vững hơn, phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập của nền kinh tế. Nhờ vậy, nên mặc dù thực hiện điều chỉnh giảm nghĩa vụ thu, cắt giảm thuế quan, xóa bỏ các khoản phí, lệ phí không phù hợp và đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19 trong năm 2020, nhưng quy mô thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 vẫn gấp 1,6 lần giai đoạn 2011-2015, đạt trên 25% GDP, vượt mục tiêu đề ra tại Văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng (20-21% GDP), vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (20-21% GDP) và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội (không thấp hơn 23,5% GDP).   

Đoàn đại biểu TPHCM tập trung nghe thảo luận.
Đoàn đại biểu TPHCM tập trung nghe thảo luận

 

Với ngành Giáo dục - Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, những cải cách giáo dục, chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả.

Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng về quy mô. Giáo dục và đào tạo ở những vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng hơn. Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được ban hành và đang triển khai theo lộ trình; phương pháp giảng dạy và học tập có bước đổi mới.

Giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ em 5 tuổi và giáo dục phổ thông có chuyển biến tích cực, được thế giới công nhận. Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả thực chất, hiệu quả hơn. Quản lý, quản trị đại học có bước đổi mới, chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên. Giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến. 

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng về số lượng và chất lượng. Chi đầu tư cho giáo dục và xã hội hóa giáo dục được tăng cường.

Cơ chế, chính sách tài chính cho giáo dục và đào tạo từng bước đổi mới. Cơ chế tự chủ, cơ chế cung ứng dịch vụ công trong giáo dục và đào tạo được thể chế hóa và đạt kết quả bước đầu. Hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trình bày tham luận
Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trình bày tham luận

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu từ các tỉnh, thành phố như TPHCM, Hà Nội, Bắc Giang, Lâm Đồng… giới thiệu việc vận dụng các cơ chế chính sách và triển khai phương án xây dựng tỉnh, thành phố, nâng cao đời sống người dân một cách sáng tạo, linh hoạt…

Buổi chiều, Đại hội tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường.

Diễm Chi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
TIN MỚI