Bộ trưởng Bộ Y tế: Sẽ cung cấp danh sách và xử lý nghiêm các nhà xe nhận chở người vượt biên

20/01/2021 - 11:11

PNO - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đã nắm được danh sách các nhà xe nhận chở người vượt biên tại hơn 10 tỉnh thành và sẽ gửi cho các địa phương để xử lý nghiêm.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, nếu không có nhà xe thì người dân không thể vượt biên về nước
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, nếu nhà xe không nhận chở thì người dân không thể vượt biên trái phép về nước

Phát hiện hơn 2.000 trường hợp nhập cảnh trái phép

Sáng 20/1, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế với Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 các địa phương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 nhấn mạnh về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, mỗi ngày, lực lượng chức năng bắt giữ được từ 100 - 150 người vượt biên nhưng có những ngày lên tới 500 người. “Đó là số người bắt giữ được còn những người không bắt giữ được thì không biết thế nào”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đặt vấn đề. Ông cũng nhận định, Việt Nam có đường biên giới dài, địa hình phức tạp, dù lực lượng biên phòng đang được tăng cường tại các chốt nhưng việc vượt biên trái phép vẫn dễ xảy ra.

“Nếu các nhà xe không nhận thì người vượt biên không thể về nước được”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, để tình trạng nhập biên trái phép xảy ra, có sự tiếp tay của các nhà xe trong nước.

Nhà xe nhận chở khách từ biên giới, trốn cách ly để vào nội địa. Hầu hết hai bên đều liên lạc qua mạng xã hội. “Chúng tôi sẽ cung cấp một số đường dây chở khách cho các tỉnh, thành. Đề nghị cơ quan chức năng phối hợp cơ quan địa phương bóc tách, xử lý nghiêm các trường hợp này”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Quan điểm của Việt Nam là không cấm đồng bào về nước nhưng phải về theo đường chính ngạch, sau đó cách ly tập trung. Đặc biệt trong dịp tết, đồng bào xa quê muốn về nhà đón tết nên nguy cơ bùng phát dịch là điều có thể thấy nếu kiểm soát không chặt. “Nếu cứ để tình trạng như thế này thì rất căng thẳng”, ông Long nói.

Bên cạnh việc tăng cường quản lý từ các cơ quan chức năng, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 cũng khuyến khích người dân cùng tham gia, phát giác các trường hợp nhập cảnh trái phép. Các gia đình có người thân ở nước ngoài được đề nghị cam kết với địa phương để người thân không về nhà theo con đường nhập cảnh trái phép.

Theo ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), lực lượng chức năng đã phát hiện 177 người nước ngoài nhập cảnh trái phép, trong đó có 167 người Trung Quốc, 8 người Campuchia, 1 người New Zealand và 1 người Canada. Ngoài ra, còn có 1.843 người Việt Nam đã được phát hiện và được cách ly.

"Luôn phải chuẩn bị cho tình huống COVID-19 xuất hiện tại cộng đồng"

Thời gian qua, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra các khu cách ly tập trung. Theo ông Đặng Quang Tấn, bước đầu đánh giá cơ sở cách ly cơ bản đáp ứng các yêu cầu theo quy định. Tuy nhiên, một số nơi chưa thực hiện nghiêm như chưa tổ chức lấy mẫu ngay từ ngày đầu; việc tổ chức cách ly, phòng lây nhiễm một số nơi chưa tốt (như để thức ăn, rác tại hành lang)... đây là những nguy cơ phát tán, lây nhiễm dịch bệnh.  

Các chuyên gia nhận định, nguy cơ nhập cảnh trái phép sẽ gia tăng trong dịp tết (ảnh minh họa)
Các chuyên gia nhận định, nguy cơ nhập cảnh trái phép sẽ gia tăng trong dịp tết (ảnh minh họa)

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đánh giá: “Việc cách ly làm tốt nhưng vẫn còn để xảy ra tình  trạng không tuân thủ quy trình cách ly. Có những điểm, sự phối hợp với các cơ quan không tốt. Như trường hợp của Hà Nội, chưa có kết quả xét nghiệm lần 2 đã cho người cách ly trở về địa phương”.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm soát cách ly, không có ngoại lệ, không có cách ly ngắn ngày. Việc cách ly tại nhà chỉ áp dụng với một số trường hợp đặc biệt do Bộ Ngoại giao quyết định. Tuy nhiên, nếu điều kiện cách ly tại nhà không đảm bảo thì phải cách ly tập trung.

Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 50 ngày không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu: “Luôn phải chuẩn bị cho tình huống COVID-19 xuất hiện tại cộng đồng”.

Trong tình huống này, nếu khoanh vùng nhanh, cách ly nhanh thì sẽ giảm được vấn đề lây nhiễm. Các cơ sở y tế phải đặt báo động ở mức cao nhất, không để xảy ra lây nhiễm trong bệnh viện.

Đồng quan điểm trên, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường cảnh giác, phát hiện ca mắc COVID-19 sớm trong cộng đồng. Bởi nếu các đối tượng nhập cảnh trái phép mắc COVID-19, họ sẽ tới bệnh viện đầu tiên khi có triệu chứng. “Chúng ta có thể mỏi mệt nếu duy trì cường độ liên tục nhưng đây là việc phải làm và hết sức cảnh giác khi có nguy cơ”, ông Khoa chia sẻ.

Hiện, theo ông Khoa vẫn tồn tại một số vấn đề như 53% phòng khám chưa đánh giá theo Bộ tiêu chí Phòng khám an toàn phòng, chống dịch. Năng lực lấy mẫu xét nghiệm vẫn tiếp tục phải được tăng cường. Thực tế, cả nước mới chỉ có hơn 60 trong tổng số gần 200 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có thể triển khai xét nghiệm virus SARS-CoV-2, con số này chưa đạt yêu cầu so với nhu cầu thực tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đã kiểm tra, lấy mẫu tất cả những người tham gia Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Kết quả, tất cả các mẫu đều âm tính. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 cũng đã triển khai các biện pháp cần thiết nhất để tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc thành công.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI